Chàng trai mù 10 năm theo đuổi thứ âm thanh mê hoặc

Cây đàn nguyệt trở thành tri kỉ của chàng trai mù.
Cây đàn nguyệt trở thành tri kỉ của chàng trai mù.
(PLO) - Chưa một lần nhìn thấy nhạc phổ nhưng chàng trai 24 tuổi Thái Quốc Thanh đã có gần 10 năm kiên trì theo đuổi thứ âm thanh đầy mê hoặc của cây đàn được mệnh danh là “quân tử cầm”. Với Thanh, “tiếng đàn giống như đôi bàn tay dẫn dắt tôi đi trong cuộc đời đầy ánh sáng”.
Nghe quan họ cả thời thơ bé
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như một thế giới riêng biệt với đầy đủ các cung bậc, màu sắc của các loại nhạc cụ. Gần 9 năm nay, trong mớ âm thanh tổng hợp ấy, có tiếng đàn nguyệt ngọt ngào, quyến rũ của chàng trai “mù” Thái Quốc Thanh. Em sinh ra ở vùng quê quan họ (làng Ó, phường Võ Cường, Bắc Ninh), tuổi thơ em gắn liền với những bài hát ru quan họ, những hội giao duyên, những câu hát đối đáp của các liền anh, liền chị trước mạn thuyền. Từ khi mới biết đi, biết nói, Thanh đã bắt chước bà ê a câu hát “người ơi người ở đừng về”. Cứ thế, cái nôi quan họ đã  đưa em đến với niềm đam mê âm nhạc.
Nhưng sinh ra em đã thiếu đôi mắt nên ngay cả sự tự tin để sống em còn chưa có chứ chưa nói đến chuyện hát, chuyện đàn. “Các bạn nói muốn đàn được thì phải nhìn thấy nhạc, còn em đến khuôn mặt mình còn chưa một lần nhìn thấy, làm sao có thể đàn, hát được” - Thanh tâm sự. Mãi sau này, chàng trai mới nhận ra việc bị mù đã đẩy mình đến gần hơn, nhanh hơn với âm nhạc. Bởi khi không thể chơi bắn bi, đá bóng khiến em có nhiều thời gian hơn cho việc thổi sáo, nghêu ngao câu hát.
6 tuổi, Thanh lên Hà Nội theo học trường dạy chữ nổi Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây, ngoài học văn hóa em còn được học đàn. Việc lựa chọn cây đàn nào sẽ theo mình suốt cuộc đời khiến em trăn trở rất nhiều. Đầu tiên, em chọn cây đàn tứ (một loại đàn đệm – PV) bởi em muốn trong dàn nhạc mình sẽ đóng vai trò bè phối, giúp bản nhạc hoàn chỉnh hơn. Suốt quãng thời gian dài khổ luyện, khi đã đạt đến độ thuần thục, em lại nhận ra cây đàn tứ không thể rung nhấn và thể hiện hồn cốt của bản nhạc.
Đang loay hoay không biết lựa chọn loại nhạc cụ nào, Thanh bất ngờ được nghe tiếng đàn nguyệt của các anh chị sinh viên khiếm thị Học viện Âm nhạc Quốc gia. Âm thanh gần gũi trầm mặc, ngọt ngào của nhạc cụ này đã thuyết phục em, và khi được biết nó chỉ có hai dây để làm nên những bản đàn tuyệt diệu, em lại càng bị mê hoặc. Lớp 9, Thanh đã dũng cảm trở thành học sinh duy nhất trong trường lựa chọn cây đàn nguyệt.
Gặp được “tri âm”, Thanh ngày đêm đắm say với tiếng đàn. Sáng đi học, chiều lại về kí túc xá ôm đàn luyện tập. Khoe những đầu ngón tay lấm tấm vết sẹo, Thanh mỉm cười: “Hồi mới luyện đàn, em vụng lắm. Có lúc trượt tay bị dây đàn cứa đến chảy máu, buốt lên tận óc. Nhìn cây đàn nguyệt mỏng mảnh, dịu dàng vậy thôi, chứ nó cũng biết cách làm đau người không nâng niu nó”.
Năm 2001, chàng trai quan họ tham gia vào “Hợp ca hy vọng” – nơi tập hợp những người khiếm thị ở mọi lứa tuổi. Ở đó, Thanh và các bạn học hát thánh ca, quốc ca của Anh, Mỹ, Đức, Ý, Nga… Gần như tháng nào họ cũng đi biểu diễn, nhất là vào dịp Giáng sinh và Quốc khánh của các nước. Suốt tuổi học trò, Thanh mang tiếng hát, tiếng đàn hòa ca trong dàn hợp xướng của tình yêu và hy vọng sống.
Thanh bảo, bước ngoặt của cuộc đời em là khi đạt được Huy chương Vàng cuộc thi “Hát dân ca và độc tấu nhạc cụ truyền thống”. Từ đó em quyết định gắn bó cuộc đời mình với “quân tử cầm”. Hết 9 năm trung học, em thi đỗ vào hệ trung cấp của Nhạc viện với số điểm cao và chính thức bước vào thế giới âm thanh đầy màu sắc.
Thanh âm trong trẻo của bản nhạc chung
Thầy Cồ Huy Hùng (Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia) từng nói: “Học viện giống như một bản nhạc chung. Điều làm nên màu sắc khác nhau cho bản nhạc không chỉ là các loại nhạc cụ mà còn là số phận chủ nhân của chúng. Mỗi em là một màu sắc, nhưng với tôi, những em khiếm thị luôn là những màu sắc đậm nét bởi các em có một trái tim nóng”.
Góp mặt trong bản nhạc chung của Học viện, Thanh thực sự là một thanh âm trong trẻo, đậm nét như thầy Hùng đã nói. Được học chơi đàn nguyệt một cách bài bản từ kỹ thuật đến cách cảm nhận và phong cách chơi, chàng trai quan họ ngày càng trưởng thành và chứng tỏ mình là một tài năng âm nhạc. Suốt những năm tháng học trung cấp, Thanh luôn là sinh viên xuất sắc trong top đầu của Khoa Nhạc cụ truyền thống và sau này được đặc cách vào hệ đại học.
Thanh phải học thuộc bản nhạc bằng chữ nổi trước khi ghép đàn.
Thanh phải học thuộc bản nhạc bằng 
chữ nổi trước khi ghép đàn. 
Năm 2012, chàng sinh viên khiếm thị được nhà trường tin tưởng chọn tham gia cuộc thi “Tài năng âm nhạc trẻ toàn quốc năm 2012”. Thanh đăng kí dự thi bài nhạc cổ  “Nam xuân, nam ai” – một bản nhạc được đánh giá là cực khó bởi nó vừa mang màu sắc tươi trẻ, an nhiên lại vừa mang sự ai oán, trầm mặc. Suốt ba tháng khổ luyện, Thanh đã tự tin với sự lựa chọn của mình, nhưng vào thời điểm cuối cùng em lại buộc phải chuyển bài thi sang tác phẩm “Tình quê hương”. 
Mọi thứ gấp gáp, em phải chuyển từ tập tay trái sang tay phải (đặc trưng để đánh tác phẩm – PV) với bao lo lắng. Nhưng rồi với cảm xúc chân thành và tình yêu sâu lắng với cây đàn nguyệt, Thanh đã tạo nên tiết mục lay động lòng người. Em lên nhận giải Nhì trong niềm cảm phục của bao thính giả.
Thanh yêu cây đàn nguyệt không vì những thành công gắn với nó mà là bởi chính âm thanh ngọt ngào của nó. Em tâm sự: “Cây đàn nguyệt rất đa tài. Nó có thể đánh trong dàn nhạc chèo ở miền Bắc, nhạc cung đình Huế ở miền Trung hay giữ vai trò cầm song loan trong nhạc tài tử ở miền Nam. Không những thế, đàn nguyệt còn mang hồn cốt của âm nhạc Việt”.  Điều  tiếc nuối nhất là cho đến bây giờ, em vẫn chưa một lần được nhìn thấy đàn nguyệt, chỉ có thể sờ, chạm nó bằng tay và cảm nhận âm thanh qua trái tim. 
Nói là vậy, nhưng để chơi đàn một cách thuần thục và điêu luyện, Thanh đã gặp không ít khó khăn. Bởi không thể nhìn nhạc phổ, nên em phải có người “bắt sáng” giúp, sau đó viết lại nhạc phổ bằng chữ nổi, học thuộc rồi mới ghép đàn. Nhiều khi không có bản nhạc, em phải dùng đôi tai tinh nhạy của mình nghe băng một cách nhuần nhuyễn rồi đàn theo. 
Nhưng khó khăn lớn nhất với Thanh không phải là học nhạc mà là hoàn thiện phong cách biểu diễn. Thanh chia sẻ: “Các bạn trong lúc học có thể nhìn thầy biểu diễn rồi bắt chước. Còn em thì thầy phải đến cầm tay chỉ ngón cách đàn và thể hiện sao cho đẹp”.
Theo đuổi cây đàn nguyệt với niềm say mê, chàng trai khiếm thị đã vượt qua tất cả những khó khăn đó để đạt đến độ điêu luyện. Nhiều người cho rằng âm thanh đàn nguyệt nghe có phần ai oán, sầu não nhưng với Thanh, tiếng đàn là ánh sáng của cả cuộc đời, thắp lên những ước mơ, hy vọng mà trước đó em chưa bao giờ dám nghĩ tới. 
Ôm cây đàn trong tay, Thanh cười rạng rỡ: “Chỉ trừ khi đàn nguyệt bỏ em chứ em không bao giờ rời bỏ nó”. Tiếng đàn lại vang lên, lúc này ngọt ngào và bình yên đến lạ!. 

Đọc thêm

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.

Huyền thoại kép độc hiếm có của làng cải lương

Vai diễn để đời Hội đồng Thăng diễn cùng NSND Bạch Tuyết (cô Lựu) trong vở Đời cô Lựu. (Ảnh: Chụp màn hình)
(PLVN) - Nhờ phong cách ca ngâm và diễn xuất tài tình, NSND Diệp Lang là một trong những huyền thoại của sân khấu cải lương Việt Nam. Đặc biệt, ông gây ấn tượng với khán giả với những vai kép độc diễn như không diễn mà đến thời điểm hiện tại chưa ai có thể thay thế được.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Lễ hội Sayangva của dân tộc Chơ Ro tỉnh Đồng Nai (ảnh Hoàng Long).
(PLVN) - Khoảng 400 nghệ nhân, nghệ sỹ, đồng bào các dân tộc sẽ tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại

 Các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô (Ảnh: Xuân Thắng).
(PLVN) - Không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Đa cảm xúc với 'Dù chỉ một lần thôi'

"Dù chỉ một lần thôi" của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc (ảnh Thảo Phương).
(PLVN) - “Dù chỉ một lần thôi” của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc, từ sôi động với những màn biểu diễn bốc lửa, cho đến lắng đọng, cảm động qua những bài học về đam mê, gia đình.

117 bộ phim trình chiếu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Với khẩu hiệu: “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 hứa hẹn là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế. Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ca sĩ Ngọc Châm cháy bỏng khi được hát ca khúc mình mê đắm

Ca sĩ Ngọc Châm hy vọng hát bằng trái tim thì sẽ được mọi người yêu mến. (Ảnh: Bình Quách)
(PLVN) - Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật rất phong phú của mình, Ngọc Châm ở rất nhiều vai trò, nhưng với "Giai nhân 2", cô sẽ chỉ là ca sĩ để được sống trọn vẹn trong tình yêu âm nhạc của một người ca sĩ, để thỏa nỗi khao khát hát của cô bấy lâu nay, để được hát những gì mình thích, mình yêu, mình say đắm.