Mập mờ ngành nghề cấm kinh doanh
Theo Luật sư (LS) Trương Thanh Đức - Chủ tịch Cty Luật BASICO - các ngành, nghề cấm kinh doanh được quy định tại Dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả Luật hiện hành, vì không quy định lý do bị cấm kinh doanh và giao cho “Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm”.
“Quyền tự do kinh doanh đã được hiến định chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp…” - LS Đức lưu ý. Cần phải quy định rõ ràng, cụ thể các ngành, nghề cấm kinh doanh trong Luật để DN được tự do kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
Cảm nhận được tinh thần đổi mới của Dự luật DN, song ông Đậu Anh Tuấn,Trưởng ban Pháp chế (VCCI) vẫn tỏ ra băn khoăn về khâu hậu kiểm bởi chưa có giải pháp đáng kể, cạnh tranh chưa hoàn toàn bình đẳng giữa nhà nước và phi nhà nước và vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết trong nhiều lĩnh vực. “Rất khó để phân biệt điều kiện kinh doanh nào là hợp lý, điều kiện nào là bất hợp lý…”- ông Tuấn giãi bày.
“Không phải tại Dự thảo lần này quyền tự do kinh doanh mới được quy định. Tuy nhiên, các cơ chế để thực thi quyền này lại chưa được bảo đảm, do đó thực tế đã bị làm cho hạn hẹp đi rất nhiều”- LS Lê Nga, Cty TNHH Hà Việt phát biểu. Theo đề nghị của LS Nga, Dự luật nên quy định cụ thể: “Các cơ quan chức năng hướng dẫn thi hành, các cơ quan đăng ký DN và các cơ quan có liên quan khác không được hạn chế quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà Luật không cấm”…
Cơ quan soạn thảo cũng “lách luật”?
Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng, Dự thảo lần thứ 6 này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, DN, tuy nhiên nhiều nội dung ở Dự thảo 1 đã chuyển sang luật khác, dự thảo 6 đã có những “cải lùi” đáng tiếc.
“Luật DN trở thành hành lang pháp lý chưa đầy đủ cho việc thành lập DN và hoạt động kinh doanh”- Luật gia Tiền nhận xét. Dẫn chứng về sự “cải lùi” của Dự luật DN lần thứ 6 này, ông Tiền cho rằng so với Dự thảo đầu tiên, Dự thảo 6 đã không quy định những nội dung như: Phạm vi thành lập DN 100% vốn nhà nước; mục tiêu thành lập DN 100% vốn nhà nước; cơ quan đại diện 100% vốn nhà nước…
Luật gia Tiền đề nghị cần phục hồi quy định về những vấn đề này trong Luật DN vì Điều 1 Dự thảo Luật quy định: “Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của Cty TNHH, Cty cổ phần, Cty hợp danh và DN tư nhân…”. Ông Tiền cho rằng, DN nhà nước do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ là Cty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, do đó, chuyển những vấn đề trên sang Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN là không hợp lý.
Mặc dù băn khoăn về sự bình đẳng giữa tư nhân với Nhà nước khi vẫn tồn tại nhiều ưu đãi đối với DN nhà nước, khi dự luật vẫn có một chương riêng về DN nhà nước, cạnh tranh giữa các “đơn vị sự nghiệp” với các DN cung cấp dịch vụ giáo dục, vệ sinh môi trường, y tế… song ông Đậu Anh Tuấn dường như cũng đồng tình với Ban soạn thảo khi cho rằng “một số vấn đề tồn tại này cần được giải quyết ở luật khác…”(!?). Xem ra, Dự thảo Luật DN vẫn “tít mù” trước khi trình Quốc hội.
Luật gia Vũ Xuân Tiền:
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân gia nhập thị trường, cơ chế hậu kiểm được chủ trương thực hiện khi thành lập DN. Song Luật DN năm 2000, năm 2005 và Dự thảo Luật DN (sửa đổi) không quy định về hậu kiểm, dẫn đến tình trạng “tiền buông, hậu cũng buông”. Điều đó tạo kẽ hở cho một số hành vi vi phạm pháp luật trong thành lập DN như vi phạm về thành viên góp vốn, về góp vốn, vi phạm luật thuế, luật lao động, Luật BHXH… Chính vi phạm của một số DN đã tạo cớ để các cơ quan quản lý nhà nước đặt ra những chính sách nhằm “đánh nhầm hơn bỏ sót” và các DN hoạt động nghiêm túc bị “đánh oan”!