Hàng loạt sự kiện tạm hoãn
Mới đây, TP Vũng Tàu đã có công văn quyết định tạm hoãn hai sự kiện lớn của TP là “Tuần lễ món ngon phố biển Vũng Tàu” và “Giải chạy bộ - leo núi TP Vũng Tàu” dự kiến tổ chức từ ngày 19 đến 27/12.
Trong đó, sự kiện “tuần lễ món ngon” vừa được tổ chức họp báo công bố trước đó 2 ngày. Hai sự kiện này nằm trong hoạt động kích cầu du lịch của thành phố biển này vào đợt cao điểm cuối năm, được kì vọng sẽ thu hút lượng lớn du khách từ các nơi. Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, Vũng Tàu vẫn quyết định tạm hoãn các sự kiện và ban hành một số công văn khác nhằm nâng cao công tác phòng chống dịch.
Vũng Tàu không phải địa phương duy nhất phải hoãn các sự kiện du lịch vì đợt bùng dịch mới. TP HCM cũng đã thông báo tạm hoãn giải chạy Marathon trên địa bàn TP sang tháng 2 sang năm và dự phòng phương án tổ chức trực tuyến đối với một số sự kiện du lịch khác.
Tại Đất mũi Cà Mau, một loạt chương trình hội nghị, xúc tiến du lịch đang được cấp tập chuẩn bị, cùng với hy vọng cho phát triển du lịch, kết nối thương mại cũng phải tạm hoãn: Hội nghị kết nối các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam với tỉnh Cà Mau (dự kiến diễn ra vào sáng ngày 4/12); Cà phê kết nối du lịch với chủ đề “Du lịch Cà Mau an toàn, thân thiện” (dự kiến diễn ra vào ngày 5/12); Trưng bày sản phẩm tại Hội chợ thương mại (dự kiến diễn ra từ ngày 5 - 13/12). Chương trình vừa mới được họp báo công bố vào cuối tháng 11 vừa qua.
Vừa làm vừa “run”
Về phần các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, đợt bùng dịch mới khiến họ cũng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Các doanh nghiệp lữ hành đã ghi nhận trường hợp khách hủy tour vì lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh. Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đang hy vọng “gỡ gạc” dịp cuối năm cũng rơi vào cảnh vừa làm vừa “run”.
Chị Nguyễn Hằng, chủ chuỗi khách sạn The Circle Việt Nam tại Đà Lạt chia sẻ: “Mùa này là mùa hoa dã quỳ, cỏ hồng, gần như là mùa đẹp nhất trong năm. Trước đó nửa tháng khách đã đặt kín phòng tại các chi nhánh. Tuy nhiên, khi có thông tin về dịch bùng ra, một số khách đã quyết định hủy đặt phòng. Còn nhớ đợt bùng dịch tại Đà Nẵng, Đà Lạt rơi vào tình trạng du khách hủy phòng hàng loạt, đến trên 16 ngàn phòng.
Hiện nay chúng tôi cũng vừa đón khách vừa “run”. Không đón khách thì thất thu, mà khách đông thì chỉ cần một du khách F1, F2 là khách sạn đóng cửa. Hiện chúng tôi chỉ biết nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng dịch, đi đến bước nào hay bước đó”.
Trước đó, trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, nhiều khách sạn đưa ra những chương trình kích cầu du lịch nội địa, kích cầu hút khách tại địa phương bằng các chương trình trải nghiệm giá thấp. Một số khách sạn khác tham gia đăng kí làm điểm cách ly có trả phí. Đó cũng là cách mà các doanh nghiệp thực hiện nhằm “tự cứu mình”. Tuy nhiên mới đây, một số khách sạn đã xin rút không làm điểm cách ly vì nhiều e ngại liên quan đến dịch bệnh.
Trong khi nhiều địa phương chấp nhận hoãn sự kiện để phòng dịch hoặc “nín thở” theo dõi tình hình, TP HCM đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản du lịch cho nhiều tình huống nhằm chủ động phát triển du lịch trong thời dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Đầu tháng 10, TP HCM chính thức công bố chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh Xin chào - Hello Ho Chi Minh City” với mục tiêu quảng bá hình ảnh TP HCM. Chương trình kéo dài đến hết tháng 1/2021, cùng các chương trình kích cầu hấp dẫn được kỳ vọng phát huy hiệu quả, kì vọng đạt con số tăng trưởng du lịch như năm trước. Tuy nhiên, cạnh đó TP HCM cũng đã chuẩn bị phương án “du lịch trực tuyến” đề phòng diễn biến dịch bệnh.
Theo đại diện TP HCM, trước mắt có chương trình “Tôi yêu áo dài Việt Nam” tổ chức trực tuyến. Hiệu quả tổ chức trực tuyến sẽ không tức thời và thu hút nhiều du khách bằng sự kiện tại chỗ nhưng cũng giúp quảng bá hình ảnh TP, nhắc nhớ du khách về hình ảnh TP HCM để làm bàn đạp tốt, sau khi ổn định dịch tung các chương trình kích cầu thu hút du khách.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP chia sẻ về chương trình kích cầu du lịch của TP HCM: “Chương trình kích cầu du lịch nội địa thành phố những tháng cuối năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các điểm đến, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thành phố và các địa phương sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình cũng nhằm kích cầu người dân thành phố, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, học sinh - sinh viên đi du lịch tại chỗ và tới những điểm đến lân cận thành phố dịp cuối năm”.
Cũng theo bà Hoa, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố đã quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngưng vì dịch bệnh. Hầu hết doanh nghiệp lữ hành đã chuẩn bị sản phẩm, chiến lược phục vụ mùa du lịch cuối năm và trong năm tới.
Việc phát động chương trình kích cầu lần này được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả khi xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19. Mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ thu hút khoảng 15 triệu khách nội địa đến TP HCM, doanh thu của du lịch nội địa khoảng 80.000 tỉ đồng”.