Nhà thầu lập “dự toán” để chủ đầu tư trả tiền
Cty CP Tổng Cty Phát triển năng lượng (PTNL) Nghệ An vừa có đơn gửi các cơ quan tư pháp tỉnh Nghệ An để phản ánh về việc TAND TP Vinh đưa ra một phán quyết về việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại không đúng với quy định của pháp luật, khiến Cty bị đội vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng so với dự toán, trong khi thực tế khối lượng thi công các hạng mục của công trình xây dựng lại giảm.
Phán quyết trớ trêu này là kết quả giải quyết tranh chấp giữa Tổng Cty PTNL Nghệ An với Tổng Cty 36 (nhà thầu) liên quan đến việc thực hiện các gói thầu xây lắp công trình thủy điện Nậm Mô do Tổng Cty PTNL Nghệ An là chủ đầu tư.
Theo hồ sơ vụ kiện, Tổng Cty PTNL Nghệ An đã ký Hợp đồng xây dựng số 17/HĐXD-BVC-P2 ngày 22/12/2010 với Tổng Cty 36 để xây dựng các hạng mục chính của thủy điện Nậm Mô, với giá trị của hợp đồng hơn 162 tỷ đồng. Hai bên ký kết hợp đồng theo hình thức hợp đồng điều chỉnh giá, có nghĩa là giá trị quyết toán của hợp đồng sẽ thay đổi so với giá trị hợp đồng mà hai bên ký kết nếu chi phí của các yếu tố đầu vào gia tăng.
Đây là hình thức hợp đông xây dựng khá phổ biến đối với các công trình xây dựng có thời gian thi công kéo dài. Ngoài ra, hai công ty còn ký kết hợp đồng thi công phần móng của công trình thủy điện với trị giá hơn 24 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng, việc điều chỉnh giá được thực hiện hàng tháng, hàng quý dựa trên kết quả nghiệm thu các hạng mục của công trình mà nhà thầu đã thực hiện được. Chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát sẽ ký nghiệm thu khối lượng và căn cứ đơn giá thi công để thanh toán cho nhà thầu. Việc thanh toán được thực hiện theo các phiếu giá do các bên cùng lập.
Trong quá trình thực hiện hai hợp đồng đã ký, Tổng Cty PTNL Nghệ An và Tổng Cty 36 đã lập 13 phiếu giá làm căn cứ thanh toán cho nhà thầu, với số tiền được thanh toán theo các phiếu giá là hơn 176,5 tỷ đồng, trong đó có số tiền điều chỉnh đơn giá khoảng15 tỷ đồng đã được chủ đầu tư chấp nhận. Quá trình thi công đã chậm tiến độ 7 tháng và ngày 31/12/2013, công trình thủy điện đã được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư để đưa vào khai thác.
Ngày 5/9/2014, Tổng Cty 36 đã lập hồ sơ quyết toán công trình và đề nghị Tổng Cty PTNL Nghệ An phải thanh toán tiền xây dựng công trình thủy điện Nậm Mô. Trong đó, Tổng Cty 36 yêu cầu thanh toán Hợp đồng số 17 là hơn 181,7 tỷ đồng, với số tiền tăng thêm do điều chỉnh giá nhân công tăng hơn 31,8 tỷ đồng. Cơ sở để Tổng Cty 36 đưa ra dự toán này để yêu cầu chủ đầu tư phải thanh toán là các quy định về tăng lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động.
Do “dự toán” của Tổng Cty 36 đưa ra để yêu cầu thanh quyết toán là không có cơ sở nên Tổng Cty PTNL Nghệ An không đồng ý quyết toán. Không đòi được tiền, Tổng Cty 36 đã khởi kiện và đề nghị TAND TP Vinh buộc Tổng Cty PTNL Nghệ An phải thanh toán toàn bộ số tiền mà Tổng Cty 36 đã yêu cầu.
Phán quyết của Tòa khiến dự án đội vốn hàng chục tỷ đồng
Thụ lý vụ án này, TAND TP Vinh đã nhiều lần hòa giải nhưng hai Cty không đạt được sự đồng thuận, đặc biệt là dự toán tiền lương mà Tổng Cty 36 yêu cầu thanh toán. Tổng Cty PTNL Nghệ An cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương như vậy là không có cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên không chấp nhận. Cách tính của nhà thầu khiến cho dự án bị đội vốn hàng chục tỷ đồng và không phù hợp với thực tế thi công công trình thủy điện Nậm Mô.
Không hòa giải được, vụ án đã được TAND TP Vinh đưa ra xét xử. Ngày 25/4/2016, phán quyết đã được đưa ra và khiến chủ đầu tư dự án thủy điện Nâm Mô bị “sốc” nặng. TAND TP Vinh cho rằng, dự toán mà Tổng Cty 36 lập là phù hợp với quy định của pháp luật nên chấp nhận và buộc chủ đầu tư dự án thủy điện Nậm Mô phải trả thêm cho nhà thầu gần 40 tỷ đồng, trong đó có hơn 33 tỷ đồng tiền giá nhân công tăng thêm, còn lại là tiền lãi chậm thanh toán.
Trong kiến nghị của mình, Tổng Cty PTNL Nghệ An “tố” tòa án áp dụng pháp luật sai khi xét xử vụ án này. Vì, theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết, việc điều chỉnh giá được thực hiện hàng tháng, hàng quý theo kết quả nghiệm thu từng giai đoạn và được lập thành từng phiếu giá để làm cơ sở thanh quyết toán.
Do đó, trường hợp hai bên không thống nhất được đơn giá bổ sung thì không có cơ sở để chủ đầu tư phải thanh toán thêm cho nhà thầu. Việc nhà thầu tự lập dự toán cho toàn bộ công trình rồi đem đến tòa án, yêu cầu tòa án chấp nhận dự toán này, buộc chủ đầu tư phải thanh toán là chuyện vô tiền khoáng hậu, chưa từng xảy ra vì rất... ngược đời.
Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Ngô Trung Kiên (Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang) cho rằng, trong vụ kiện này, tòa án đã có sai lầm trong việc đánh giá bản chất sự việc dẫn đến áp dụng pháp luật sai. Đầu tiên, cần phải làm rõ bản chất hợp đồng là gì và việc thực hiện hợp đồng của các bên có đúng hay không để giải quyết tranh chấp.
Theo hợp đồng thì đơn giá được điều chỉnh theo sự thay đổi của các yếu tố đầu vào như vật liệu, nhân công. Việc quyết toán đơn giá điều chỉnh chỉ được thực hiện khi thực tế có sự thay đổi các yếu tố này và các bên (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát) phải xác nhận kết quả điều chỉnh đó trên bên bản nghiệm thu từng giai đoạn (phiếu giá). Thực tế thì chủ đầu tư và nhà thầu của dự án thủy điện Nậm Mô đã thực hiện đúng hợp đồng với giá trị thanh toán hơn 176 tỷ đồng.
Hơn nữa, việc tòa án chấp nhận dự toán mà nhà thầu đưa ra để buộc chủ đầu tư phải thanh toán là áp dụng sai pháp luật. Vì, các quy định về tính tiền lương tối thiểu mà TAND TP Vinh viện dẫn, vốn được áp dụng khi lập dự toán công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách, nhằm ngăn chặn tham nhũng khi có nhiều trường hợp lập dự toán “khống” để rút tiền nhà nước.
Đối với dự án thủy điện Nậm Mô, việc quyết toán phải dựa vào kết quả nghiệm thu thể hiện trên các phiếu giá đã được 2 bên xác nhận. Khi công trình đã được các bên xác nhận điều chỉnh đơn giá trên các phiếu giá, nhà thầu lại lập dự toán mới để điều chỉnh vốn đầu tư, rồi buộc chủ đầu tư phải trả tiền mà tòa án vẫn chấp nhận là hoàn toàn áp dụng sai pháp luật.