Quan niệm về tình dục trước hôn nhân
Ở Việt Nam, nếu như 10 năm trước, trinh tiết vẫn là thứ được liên hệ với phẩm giá, lòng tự trọng. Việc quan hệ trước hôn nhân là chủ đề cấm kỵ, nhạy cảm ít được nhắc tới. Nhưng vài năm trở lại đây, chuyện tình dục được người trẻ tiếp cận với cái nhìn cởi mở, bạo dạn và thoáng hơn.
Nếu trước đây, thanh niên thường sống cùng gia đình, nay có cơ hội sống riêng, hoặc học tập, làm việc xa nhà... Tư duy về hôn nhân gia đình từ mang nặng ảnh hưởng của thế hệ ông cha thì ngày nay được tự do quyết định. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của phương tiện truyền thông, việc tự do di chuyển tới các nước trên thế giới, nền giáo dục cởi mở khiến lối sống của giới trẻ ngày càng gần với lối sống của thanh niên thế giới và có thể nói là cởi mở hơn rất nhiều.
Xã hội ngày nay đã có cái nhìn cởi mở, thông thoáng hơn đối với vấn đề tình dục trước hôn nhân |
Tuy nhiên, chuyện quan hệ trước hôn nhân ở Việt Nam chỉ dừng lại ở câu chuyện là nên hay không nên. Mỗi người chỉ cần sống đúng theo chuẩn mực đạo đức xã hội để tránh các vướng mắc không hay về văn hóa, gia đình, xã hội. Hơn nữa pháp luật Việt Nam không có quy định nào xử phạt về hành vi quan hệ tình dục trước hôn nhân. Chỉ cần cả nam và nữ đều trên 18 tuổi và hoàn toàn tự nguyện thì không vi phạm pháp luật.
Hay ở đất nước phát triển như Mỹ, quan hệ tình dục trước hôn nhân là chuyện “bình thường” trong đại đa số người dân. Quan điểm về quan hệ tình dục ở Mỹ khá tự do và phóng khoáng khi 2 người không nhất thiết phải yêu nhau thì mới có thể quan hệ thể xác với nhau. Cả hai thậm chí còn không phải trải qua giai đoạn hẹn hò nhưng vẫn có thể “nhảy cóc” đến giai đoạn quan hệ tình dục nếu hai phía đồng ý. Trong những tình huống đó, việc gần gũi thân thể chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt sinh lý, hay gọi cách khác là những “cuộc tình một đêm”. Theo một thống kê vào năm 2016 của học viện Guttmacher, New York, cứ 10 người Mỹ bất kể là đàn ông hay phụ nữ thì có đến hơn 9 người có quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Tình dục trước hôn nhân có thể phải ngồi tù
Nhưng khác hoàn toàn với Việt Nam hay Mỹ hoặc nhiều quốc gia khác, mới đây, hình ảnh một một cặp đôi ở Indonesia phải chịu đựng hình phạt 100 roi vì câu chuyện tình dục trước hôn nhân. Được biết, cả cô gái và người yêu của cô sinh sống ở Lhokseumawe, tỉnh Aceh, Indonesia. Sự việc diễn ra ngày 31/7 tại một sân vận động, trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng. Cô gái 22 tuổi tỏ ra đau đớn, khóc lóc van xin và nhiều lần gục xuống vì không chịu nổi dòn roi. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, bác sĩ tới kiểm tra và tuyên bố cô vẫn đủ khả năng tiếp tục chịu phạt.
Những cô gái và chàng trai bị phạt roi vì quan hệ trước hôn nhân ở Indonesia |
Ngoài đôi trẻ trên, một nam thanh niên 19 tuổi cũng bị phạt đòn vì quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Chiếc áo trắng của chàng trai này ướt sũng máu khi màn trừng phạt kết thúc. Sau khi buổi trừng phạt kết thúc, cặp đôi kia được tự do, trong khi đó thanh niên 19 tuổi sẽ phải chịu án 5 năm tù.
Indonesia vẫn được biết đến như là quốc gia có tỷ lệ dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, với hơn 80% trong số khoảng 260 triệu người là người Hồi giáo. Được biết, đây là hình phạt theo luật Sharia - Bộ luật nghiêm khắc của Hồi giáo được áp dụng duy nhất ở tỉnh Aceh, cực Bắc đảo Sumatra, Indonesia. Nơi đây vốn coi Kinh Koran là một trong 4 nguồn luật chính.
Mặc dù Indonesia có một nhà nước đơn nhất, quyền lực tập trung ở Thủ đô Jakarta, nhưng Aceh và một số tỉnh, thành khác lại có quy chế “lãnh thổ đặc biệt” với quyền tự trị rộng rãi hơn và có thể ban hành luật riêng. Tỉnh Aceh bắt đầu thực hiện Bộ luật Sharia sau khi được giao quyền tự chủ vào năm 2011. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm dập tắt cuộc nổi dậy ly khai kéo dài.
Vào năm 2014, tỉnh Aceh còn thông qua luật cấm đồng tính luyến ái, quan hệ đồng tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại tình, tiêu thụ rượu, đánh bạc, hay “ở một mình với một người khác giới mà không phải là vợ/chồng hoặc người thân”. Được biết, Bộ luật Sharia có thể áp dụng 3 hình thức trừng phạt: Hadd là hình thức công khai trừng phạt bằng đòn roi trước đám đông; Kisas cho phép trả tiền bồi thường người bị hại và Tazir là hình thức rất đa dạng - từ những cuộc trò chuyện mang tính khuyên răn cho đến chặt đầu, đóng đinh lên thánh giá. Theo đó, bất kỳ ai vi phạm sẽ bị trừng phạt 100 roi, 100 tháng tù hoặc 1.000 gram vàng.
Hình thức đánh bằng roi này được áp dụng tại Indonesia rất nhiều lần. Năm 2015, tỉnh Aceh tổ chức buổi phạt đánh bằng roi công khai đối với những phụ nữ quan hệ tình dục khi chưa kết hôn và đàn ông vi phạm. Riêng trong năm 2016, có ít nhất 100 vụ phạt roi như vậy được cảnh sát địa phương tiến hành. Ở Indonesia, hình phạt này được thực hiện hệt như một nghi lễ, có băng rôn và sân khấu. Một tu sĩ tôn giáo sẽ đeo mặt nạ, cầm roi mây được vót mỏng rồi đánh liên tục vào người tội phạm cho đến khi đủ 100 roi. Rất nhiều “tội nhân” không thể chịu nổi đòn roi và đã gục ngã. Roi mây để lại rất nhiều vết lằn rướm máu, được xem là một hình phạt vô cùng man rợ... dành cho tội “ăn cơm trước kẻng” và cả cờ bạc, rượu chè.
Vào hồi tháng 3 vừa qua, 5 cặp đôi khác ở tỉnh Aceh cũng phải chịu phạt từ 4-22 roi bên ngoài một nhà thời Hồi Giáo ở thủ phủ Banda Aceh. Trước đó, họ đã phải ngồi tù vài tháng. Nguyên nhân những cặp đôi này bị đánh roi là do lực lượng cảnh sát Sharia bắt gặp họ âu yếm, nắm tay và quan hệ tình dục khi chưa kết hôn. Hàng trăm người trong đó có trẻ em đã chứng kiến việc đánh roi và dùng điện thoại ghi lại cảnh tượng này. Người cầm roi mặc áo đen, che kín mặt chỉ hở đôi mắt. Trong khi những người vi phạm mặc đồ trắng quỳ gối chịu roi trong đau đớn.
Các nhóm nhân quyền đã gọi hình phạt này là “hành vi mất nhân tính”, trong khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi địa phương này dừng các hình phạt tự phát ấy lại. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh Aceh là nơi có dân số theo đạo Hồi cao nhất Indonesia, luật lệ nơi đây vô cùng nghiêm khắc nên không thể cấm đoán người dân làm tròn nghi thức tôn giáo của họ.
Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án hình phạt roi này vì cho rằng nó vô nhân đạo khi huỷ hoại thân thể con người, vi phạm nghiêm trọng Công ước Chống tra tấn của Liên Hợp quốc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở New York kêu gọi hội đồng lập pháp tỉnh Aceh hủy bỏ đạo luật này, và từng kêu gọi Tổng thống Indonesia Joko Widodo xem xét lại các đạo luật địa phương như đạo luật của Aceh, vì các đạo luật này có thể mang tính phân biệt đối xử. “Các văn bản không cho phép người dân ở Aceh quyền cơ bản của sự biểu hiện, riêng tư và tự do tôn giáo. Việc hình sự hóa hành vi tình dục đồng giới là một bước đi lùi mà chính phủ Indonesia cần phải lên án và bãi bỏ. Hình thức trừng phạt quật roi cũng chỉ nên diễn ra trong thời Trung Cổ”, ông Phelim Kine - Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền - cho biết./.