Không có kiến thức thì không có năng lực
Thưa ông, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh, CT-SGK mới sẽ đựơc giảm tải và chú trọng tới định hướng hình thành năng lực, kỹ năng cơ bản cho học sinh. Quan điểm của ông về điều này ra sao?
- Theo tôi, năng lực là một khái niệm trừu tượng, năng lực là kết quả, không phải là đối tượng trực tiếp của dạy học. Ví dụ như nâng cao năng lực giao tiếp cho trẻ là dạy cách giao tiếp, phát triển củng cố giúp cho học sinh cơ hội để giao tiếp, vốn liếng để giao tiếp, từ đó năng lực giao tiếp được hình thành. Như vậy, không có kiến thức thì không có năng lực, kiến thức là nền tảng của năng lực.
Cũng có người nói những nghệ nhân không được đào tạo bài bản nhưng tài năng của họ vượt trội. Xin thưa, hệ thống kinh nghiệm phong phú được tích lũy chính là nền tảng kiến thức của những nghệ nhân. Thứ hai, kỹ năng xét cho cùng là dấu hiệu cụ thể của năng lực. Cho nên không nên có cách hiểu CT mới đang xây dựng có mục tiêu tiếp cận năng lực người học là khác hẳn với CT hiện hành vốn được xem là lưu ý nhiều đến nội dung.
Vậy ông có thể nói rõ hơn về phát triẻn năng lực?
- Tôi cho rằng, dạy cho học trò nắm vững kiến thức, phát triển kỹ năng chính là để phát triển năng lực của họ. Nói cách khác, chỉ cần hướng dẫn giáo viên phát triển kiến thức đó, kỹ năng đó nhưng nhằm mục tiêu xa hơn là phát triển năng lực để tránh sự đối đầu, phân biệt một cách cực đoan giữa CT phát triển năng lực và CT hiện nay. Nhiều giáo viên thắc mắc, chẳng lẽ từ trước đến nay họ không phát triển được cho học trò kỹ năng gì? Thực ra không phải như vậy, những kỹ năng cần thiết như kỹ năng đọc, viết, kỹ năng tư duy... giáo viên đã giúp cho học sinh phát triển năng lực.
Thế nên, phát triển năng lực chính là dạy cho học trò biết được kiến thức đó, tích lũy được kiến thức, đủ vững vàng hình thành được kỹ năng và có được năng lực cụ thể. Điểm yếu hiện nay là học trò có kiến thức, hiểu được kiến thức nhưng không dùng được kiến thức trong thực tế.
PGS. Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam |
Hiện các chuyên gia cho rằng xóa đi làm mới lại hoàn toàn một bộ SGK là quá gấp gáp. Quy trình để làm một bộ SGK ra sao, thưa ông?
- Tôi chỉ nói quy trình viết CT-SGK mà trước đây chúng tôi đã thực hiện. Trước hết, đối với CT. CT phải căn cứ vào mục tiêu giáo dục phổ thông, đã được quy định trong luật. Sau khi xong mục tiêu sẽ xác định lĩnh vực tri thức nào của nhân loại cần thiết. Sau đó, toàn bộ lĩnh vực sẽ được đổ vào những môn học nào. Sau đó xây dựng CT cụ thể cho từng môn học và các hoạt động. Xong CT sẽ viết SGK. Tôi nghe nói CT chưa có nhưng đã làm SGK, tôi thấy đó là hoàn toàn không đúng. Không có CT thì không thể làm SGK, vì SGK là cụ thể hóa của CT.
CT-SGK giai đoạn từ năm 2000 đến nay có thể nói được xây dựng khá bài bản, khoa học. Nhưng tại sao nó vẫn không đạt được mục tiêu đề ra, thưa ông?
- CT hiện hành có những tiến bộ so với trước năm 2000. Đó là lần đầu tiên làm CT có quy chiếu và lý luận CT, trước đây chúng ta làm CT bằng kinh nghiệm. Thứ hai, CT đó đã góp phần vào việc cố gắng liên hệ giữa học với hành. Chỉ có điều giáo dục của chúng ta là giáo dục ứng thí, mục đích của người học chỉ vượt qua các kỳ thi, cho đến nay cũng thế. Do đó khi động vào vấn đề thi cử thì dư luận phản ứng cực nhanh, tức thời. Chính cái này khiến thực hiện CT có phần hạn chế.
Tôi khẳng định SGK hiện hành không có gì khó. Ví dụ như SGK toán THCS, bố mẹ các cháu kêu là khó vì nhiều bài giáo viên dạy không có trong sách đã gây ấn tượng với bố mẹ học sinh. Tôi là người dạy toán ĐH nhưng nói thật có những bài lớp 4 tôi không dạy được. Là người tham gia thẩm định toán từ lớp 3 đến lớp 12, nhưng tôi chưa thấy bài toán như thế bao giờ. Nhiều vấn đề không phải tìm nguyên nhân từ CT-SGK mà phải tìm ở chỗ khác.
Tiêu chí để chọn tác giả viết SGK và CT như thế nào, thưa ông?
- Viết CT và SGK có những tiêu chí giống nhau như không phải là người giỏi nhất nhưng nắm vững các vấn đề khoa học liên quan đến môn học; thứ hai là hiểu biết về giáo dục phổ thông; thứ ba là hiểu được một số nguyên lý chung, hiểu được lý thuyết sư phạm. Vì vậy, để có một hệ thống tiêu chí không phải dễ, chọn người viết không đơn giản, ta không thể chọn người bằng kinh nghiệm.
Viết SGK còn phức tạp hơn. SGK không phải là truyền thụ kiến thức khoa học, mà viết SGK là viết theo kiểu tổ chức hoạt động học cho người học, do đó yêu cầu sư phạm là rất cao. Vòng đời của một bộ SGK thường là 10 năm, nhưng giờ cũng có nước chỉ 5-7 năm. Họ làm SGK giản đơn hơn, không hoành tráng, đồ sộ như Việt Nam.
Trong đợt đổi mới này, Bộ GD&ĐT dự kiến giáo viên có thể tham gia viết SGK. Theo ông, điều đó có hợp lý?
- Để viết được SGK, thường một người không thể làm được mà phải tổ chức có nhiều người, bao gồm: Kiến thức bộ môn vững chắc của nhà sư phạm; tính chính xác của nhà khoa học; và một số giáo viên sư phạm. Nhiều nước không cần như thế. Những lần trước ta kết hợp một số nhà sư phạm, còn giáo viên rất ít. Vì sao vậy? Vì giáo viên nắm vững đặc điểm của đối tượng giảng dạy nhưng viết lại khó. Tôi nghĩ giáo viên làm công việc thẩm định SGK tốt hơn là viết SGK.
Theo các chuyên gia làm SGK, nếu nhanh cũng phải tới hết năm 2016 chúng ta mới có thể có CT để bắt đầu viết sách vào năm 2017. Từ nay đến khi thực hiện triển khai cuốn chiếu đồng bộ 3 cấp SGK mới chỉ còn 3 năm. Có quá ngắn không, thưa ông?
- Cá nhân tôi thấy đó là một thời gian ngắn và công việc phải làm rất nhiều, nhưng còn làm được hay không thì đó là trình độ tổ chức và phối hợp của Bộ GD&ĐT. Kinh nghiệm của tôi thì thấy đó là thời gian ngắn nhưng cũng không thể chậm hơn. Nếu để chậm hơn thì thời gian hoàn thành bộ sách quá dài, tự nó sẽ trở nên lạc hậu.
Đành rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng thực tế ở các thế hệ trước đây, giáo trình đơn giản, SGK cũng thế, mọi người vẫn trưởng thành, làm việc tốt, với rất nhiều các nhà khoa học giỏi. Ông có thể lý giải ra sao?
- Tôi không dám nói lỗi của ai. Nhưng rõ ràng CT sau bao giờ cũng tiến bộ hơn CT trước vì rút được kinh nghiệm. Chỉ có điều thực hiện nó thế nào, triển khai thế nào, thực hiện trong bối cảnh nào. CT có hay đến mấy mà thực hiện trong bối cảnh thi cử như hiện nay thì cũng không ổn. Khát vọng vào ĐH, khát vọng vượt qua các kỳ thi chi phối tất cả.
Trân trọng cảm ơn PGS!
Một mũi tên bắn ra chưa chắc đã trúng đích
Trước thắc mắc về việc vừa làm vừa điều chỉnh sẽ phạm vào nguyên tắc không thể để có sai sót trong giáo dục vì là lĩnh vực liên quan đến con người, TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, một mũi tên bắn ra chưa chắc đã trúng đích nên chúng ta phải luôn luôn điều chỉnh tư duy: “Nguyên lý thì không được phép sai lầm, nhưng tôi cho rằng vừa làm vừa chấp nhận có thể có sai sót nhưng phải kịp thời điều chỉnh”.
Tuy nhiên, khi nói về tình trạng thiếu một Tổng chủ biên cho việc biên soạn CT - SGK mới, TS Đặng Quốc Bảo cũng thừa nhận: “Bộ GD&ĐT đang thiếu Tổng chủ biên và tôi cho rằng còn thiếu nhiều người nữa”…
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “ Vừa đá bóng, vừa thổi còi” có đáng tin?
- Thời điểm triển khai SGK mới vào năm 2018 là vội vàng. Trước khi tiến hành đổi mới CT-SGK phổ thông, lẽ ra cần cải cách hệ thống giáo dục phổ thông. Thêm nữa, chỉ có một năm viết sách và thử nghiệm, theo đó, các nhóm tác giả chỉ dạy thử nghiệm những nội dung mới, trong khi đây là sự thay đổi rất căn bản và toàn diện. Tập thể tác giả tự đánh giá kết quả dạy thử nghiệm bộ SGK của mình liệu có đáng tin?
Bên cạnh đó, việc phân Tổng chủ biên của từng môn học, cấp học và toàn bộ CT - SGK phổ thông trong thời hạn gấp dễ trở thành vị trí hình thức. Tôi thấy chúng ta không nên phá đi như đập một ngôi nhà rồi làm lại vội thế này. Tôi cho rằng, chỉ cần đổi mới bổ sung những gì không phù hợp chứ 1 năm để làm SGK thì quá vội. Hơn nữa, cũng cần thấy rằng, không phải làm sách mới, đưa hai chữ “ năng lực” vào có thể thay đổi tất cả.