Về báo cáo này, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội cho rằng, còn sơ lược, chưa cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020. UBTP lập luận, việc đánh giá, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình tham nhũng năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dự báo về tình hình tham nhũng giai đoạn tới để đề ra giải pháp phòng chống tham nhũng sát thực, hiệu quả.
Mặc dù lời lẽ “khiêm nhường” nhưng UBTVQH cho rằng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn. Tất nhiên, không thể không ghi nhận, những cố gắng của Chính phủ, các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Theo đó, năm 2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh, tỷ lệ thi hành án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều tiến bộ.
Về PCTN, có lẽ ai cũng nhận ra nó vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ là “có biểu hiện tinh vi hơn” mà thực sự tinh vi, số vụ án tham nhũng được phát hiện còn lâu mới phản ánh đúng thực trạng tham nhũng.
Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng phải nói là chính sách, pháp luật còn nhiều “lỗ hổng”, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai. Không phải tự nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn và nóng bỏng.
Nhiều vụ án điểm thời gian qua được đưa ra xét xử, bị can là những cán bộ cao cấp cho thấy điều này. Phòng bao giờ cũng quan trọng hơn chống, bởi tội phạm tham nhũng trong môi trường “nhóm lợi ích” không dễ tìm chứng cứ để đấu tranh. Đáng tiếc, công tác phòng mãi vẫn là khâu yếu nhất. Vẫn tình trạng chung, không cơ quan kiểm tra, thanh tra nào phát hiện ra tham nhũng ở ngành mình, địa phương mình.
Theo UBTVQH, một số kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế chính sách để PCTN còn chưa cụ thể, chưa làm rõ những văn bản cần ban hành mới, những quy định cần phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định còn gặp khó khăn, vướng mắc nhưng chưa nêu rõ những vấn đề nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hữu quan có thể hướng dẫn thực hiện; những vấn đề nào thì cần phải do UBTVQH giải thích.
Bắt đúng “bệnh” mới có “phác đồ” đúng. Bác sỹ khám và kê đơn bao giờ cũng phải giỏi về y lý, y thuật, y đức. Trong lĩnh vực PCTN cũng vậy. Nhận ra “diện mạo”, nguyên nhân để tham nhũng “tàng hình”, ẩn nấp, hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. PCTN đang và tiếp tục đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn!