Tại Việt Nam, hàng loạt vụ đất lở, người chết liên tiếp xảy ra, có nguyên nhân đến từ việc rừng bị tàn phá. Cả đất nước lo ngại. Trên nghị trường, Bộ trưởng TN&MT khẳng định : “Rừng còn quan trọng hơn cả trời”. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng đề xuất trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây xanh đô thị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương đừng phát triển kinh tế bằng mọi giá mà tàn phá thiên nhiên vì cả triệu năm mới hình thành một ngọn núi, hàng trăm năm mặt đất mới có một cây cổ thụ. Bộ trưởng NN&PTNT thậm chí đề xuất cấp phát cây xanh cho các địa phương để thực hiện chương trình trồng cây gây rừng…
Nói tóm lại, cứu lấy rừng, trồng thêm nhiều cây xanh là việc làm sống còn của loài người, chứ không chỉ của Việt Nam; nếu không muốn cuộc sống trên mặt đất dần đi đến chỗ diệt vong.
Thế nhưng trong bối cảnh “cháy nhà chết người” ấy, vẫn có những đề xuất quá “hồn nhiên”, vô tư đến mức có thể gọi là “điếc không sợ súng”, “ném đá hội nghị”…
Tại phía Bắc, UBND một tỉnh gửi văn bản ra Trung ương, xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền hai nhà máy xi măng. Theo đề xuất này, 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ sẽ bị triệt hạ để người ta moi móc đá vôi làm xi măng.
Tại miền Trung, UBND một tỉnh khác cũng có văn bản xin phá không ít rừng tự nhiên để thực hiện dự án làm đường giao thông đến một khu vực chuyên trồng sâm.
Những đề xuất trên không chỉ phản cảm, phản khoa học mà còn phản luật. Với đề xuất xin phá rừng làm nhà máy xi măng, Điều 41a Nghị định số 83/2020/NĐ-CP đã nêu rõ: “Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản…”. Luật quy định rành rọt như vậy, vậy cả một bộ máy cán bộ chính quyền địa phương ở đâu, sao không rà soát đọc hiểu mà để “lọt lưới” một đề xuất trái luật như thế?
Với dự án xin phá rừng làm đường, thuộc danh mục các dự án thuộc trách nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT. Thế nhưng UBND tỉnh vẫn có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, lạm quyền Trung ương.
Đó là chưa nói đến thực tế tại địa phương này, thời gian qua liên tiếp diễn ra biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo các nhà khoa học, địa phương này còn có nền địa chất yếu, nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp; muốn chặt một cái cây cũng nên cân nhắc.
Tất nhiên, không thể cứ cứng nhắc sống chết giữ từng gốc cây ngọn cỏ. Muốn phát triển kinh tế, cũng có lúc cần đưa được – mất lên bàn cân mà cân đo đong đếm cân nhắc. Nhưng những đề xuất phản cảm, phản luật, phản khoa học như trên, thì quả là không thể chấp nhận bất cứ thời điểm nào. Đó có thể gọi là đề xuất kiểu “điếc không sợ súng”.