Theo tài liệu và các cụ cao tuổi trong địa phương kể lại, Đền Cả Dinh Đô Quan Hoàng Mười được xây dựng vào khoảng năm 1060 (thời Nhà Lý).
Năm 2014 được sự ủng hộ của UBND tỉnh, Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh, UBND thị xã Hồng Lĩnh, UBND phường Trung Lương cùng tấm lòng hảo tâm của người dân địa phương và các "mạnh thường quân”, đền Cả được phục dựng lại khang trang như hiện nay. Đền được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao Chứng nhận Đền đạt tiêu chuẩn Tam Tứ Phủ (Tín ngưỡng Thờ Mẫu) theo nghi lễ truyền thống Việt Nam.
Đền tọa lạc vùng ngoài đê La Giang, tại ngã ba giao nhau giữa Kênh nhà Lê, Sông La và Sông Lam. Đền còn có tên gọi của địa danh đó là “Mỏ Hạc Linh Từ”.
Dinh Đô Quan Hoàng Mười được thờ nhân vật chính theo hiệu sắc phong: “Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Thưởng Đẳng Phúc Thần Anh Minh Hoàng Mười”.
Nơi đây còn thờ vị thần Sông nước tên là Lê Thị Ngọc Dung - con gái nuôi của vua Lê Lợi.
Đông đảo người dân địa phương tham gia lễ rước tại lễ hội đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười |
Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ “Nhất”; bao gồm: Hậu cung (hay còn gọi là cung cấm), thượng điện, trung điện và hạ điện. Là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền.
Đền được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông (sông Lam, sông La và sông Minh), ở vị trí 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc (một con vật linh thiêng thường cưỡi trên lưng rùa để chầu trước các điện thờ). Chính vì vậy, đền thường được nhân dân gọi là đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là vùng đất linh thiêng.
Hàng năm, theo tục lệ của địa phương, để tưởng nhớ công lao của Đức Quan Ông Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại đền đã có công trong việc trấn giữ và bảo vệ mọi người khỏi nạn giặc dã thiên tai, nhân dân trong vùng mở lễ hội để tôn vinh công trạng, đồng thời cầu cho đồng bào an lạc, mùa màng tốt tươi.
Lễ rước cấp thủy (thể hiện tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi...); lễ rước bộ (lễ cung rước Quan Hoàng Mười vân du); nghi lễ kiệu thỉnh thập vị Hoàng tử Vương quan...
Tại lễ hội, còn có chương trình trình diễn "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" với sự tham gia của các nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan đến từ các tỉnh, thành phố và của tỉnh Hà Tĩnh.
Lễ hội thường được tổ chức cả tháng 10 âm lịch, chính lễ vào ngày trùng thập (10/10), với nhiều hoạt động và trò chơi dân gian như: Bơi chầu, đi cầu kiều, chọi gà, xích đu... thu hút nhiều du khách đến tham dự.
Thủ nhang Đền Cả là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Quang Hồng - người có công trong việc trùng tu, tôn tạo đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười và tổ chức Lễ hội đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười. Nghệ nhân còn có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn văn hóa thờ mẫu.
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Quang Hồng - Chủ nhiệm CLB Bảo tồn di sản hát văn và nghi lễ hầu đồng Hà Tĩnh |
Từ khi còn trẻ, nghệ nhân Phạm Quang Hồng đã say mê tìm hiểu nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ. Sự thành tâm, khát vọng vươn tới cái đẹp cao cả trong tín ngưỡng thờ mẫu đã trở thành động lực giúp ông vượt lên khó khăn trong cuộc sống để tu dưỡng, rèn luyện thành công.
Nghệ nhân Phạm Quang Hồng là Chủ nhiệm CLB Bảo tồn di sản hát văn và nghi lễ hầu đồng Hà Tĩnh 20 năm nay.
Với những cống hiến, đóng góp trong việc lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, nghệ nhân Phạm Quang Hồng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về loại hình nghệ nhân trình diễn tập quán xã hội và tín ngưỡng. Ông cũng trở thành người đầu tiên trong tỉnh được phong tặng nghệ nhân Ưu tú về loại hình này.
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Quang Hồng diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu |
Làm sao để thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt đúng cách, đúng với bản chất tốt đẹp vốn có, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt là điều nghệ nhân Phạm Quang Hồng trăn trở.