Bán tùy tiện dễ gây thất thu cho ngân sách
Theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hội đồng bán đấu giá được thành lập để bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu và hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt (hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá).
Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 đã giao cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời xóa bỏ việc thành lập hội đồng để bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc thành lập hội đồng bán đấu giá trong trường hợp đặc biệt tại một số địa phương khi thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP còn chưa phù hợp quy định của pháp luật.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai, đáng lưu ý là một số nơi còn thành lập hội đồng để bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không giao cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, điều này không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, khó kiểm soát trong thực tế, gây thất thu cho ngân sách. Hơn nữa, theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì thành phần hội đồng bán đấu giá trong trường hợp đặc biệt không có đấu giá viên, hội đồng chỉ bao gồm cán bộ nhà nước kiêm nhiệm, như vậy không đảm bảo tính chuyên nghiệp.
Cũng theo bà Mai, qua thực tiễn quản lý, kiểm tra các địa phương cho thấy nhiều hội đồng hoặc không lập sổ sách, hoặc lập sổ sách không đúng theo quy định, lưu trữ hồ sơ còn nhiều bất cập, thực hiện chế độ báo cáo chưa đầy đủ.
Để đảm bảo tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đấu giá tài sản, Dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định theo hướng không thành lập hội đồng bán đấu giá tài sản mà giao toàn bộ việc bán đấu giá tài sản cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.
Đấu giá tài sản phải giao cho tổ chức chuyên nghiệp
Ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương đồng tình với việc nên chấm dứt sự tồn tại của các hội đồng như quy định của Nghị định 17 bởi hiện nay việc bán đấu giá tài sản đã có hệ thống tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện (theo Báo cáo, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có gần 1.200 đấu giá viên; 63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 190 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản - PV).
Tuy nhiên, ông Dân cũng đề nghị cần phải có đánh giá một cách sâu sát xem trong 190 doanh nghiệp đấu giá, có bao nhiêu doanh nghiệp làm đa nghề, bao nhiêu doanh nghiệp không hoạt động, chất lượng ra sao... kể cả đội ngũ đấu giá viên cũng cần đánh giá lại xem bao nhiêu người chỉ là “đánh trống ghi tên”.
Cũng theo ông Dân, Luật đấu giá tài sản cần xây dựng rõ trình tự, thủ tục, đối tượng, phương thức bán đấu giá. Đặc biệt, “cái gì có thể phân cấp cho chính quyền địa phương thì nên phân cấp, ví dụ việc xác định giá khởi điểm”.
Nhiều ý kiến đồng tình với ông Dân vì qua tổng kết thực tiễn công tác bán đấu giá tài sản cho thấy, dù Nghị định 17 đã hạn chế việc lập hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất nhưng trong thực tế, các hội đồng này vẫn tồn tại khá phổ biến ở nhiều địa phương. Điều này không những gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, theo đại diện đến từ Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Nghị định 17/CP đã hạn chế việc lập hội đồng đấu giá tài sản, nhưng quy định tới đây sẽ “xóa” các hội đồng này cần cân nhắc vì các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp hiện nay mới chỉ có ở cấp tỉnh. Nếu xóa phải tính chuyện có khó khăn gì ở cấp huyện hay không.
Còn ông Trương Khánh Hoàn, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính thì lo ngại xóa hội đồng sẽ dẫn đến “ách tắc” vì theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã có cơ chế để hội đồng bán các tài sản khó bán, nay xóa thì bán các tài sản này như thế nào?
Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt:
1.Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá.
2. Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt bao gồm đại diện của cơ quan có thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản, cơ quan tài chính, cơ quan tư pháp cùng cấp và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.
(Điều 20 Nghị định 17/CP về bán đấu giá tài sản)