Khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội được đưa vào sử dụng gần chục năm nay và cũng từng đó năm người dân, công ty quản lý ở đây đau đầu với hành động vứt đồ vật từ các tầng cao xuống của người dân.
“Ném cơm nuôi chuột” – đó là câu chuyện mà không ít người dân ở hai tòa nhà 17T8 và 17T9 kể với nhau. Số là có một thời gian, cả hai tòa nhà 17T8 và 17T9 xuất hiện rất nhiều chuột. Và một lần, có người dân nhìn thấy một phụ nữ ở tầng cao đã đổ cả bát cơm nguội to xuống sân thượng của khu vực nối giữa hai tòa nhà.
Sự việc được báo đến bà tổ trưởng lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Ngà. Bà Ngà đã đến tận hộ dân, gặp người phụ nữ kia nói chuyện và được biết lý do đổ cơm là do… “ thương và nuôi lũ chuột đói”!.
Vào thời điểm này, bảng tin chung ở tất cả các tòa nhà cao tầng ở khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính đang dán cảnh báo kèm ảnh về việc người dân ném đồ vật từ trên các tầng xuống sân. Sau nhiều lần những chiếc ô tô là nạn nhân, thì đến lượt con người.
Tối 8/9, nhiều người đang ở sân khu chung cư để tổ chức Trung thu thì bị chai thủy tinh và túi nước ném xuống đầu.
Kinh hoàng và nguy hiểm hơn, tối 11/9, cũng trên khoảng sân chung đó, nơi nhiều người tập thể dục và vui chơi, hai con dao đã phi xuống từ tầng cao nhà 24T2…
Việc sử dụng thang máy ở chung cư cũng có nhiều chuyện để nói. Mới đây, báo chí đưa tin ở khu đô thị Đặng Xá, Hà Nội, có thanh niên "sáng kiến” ra việc đưa xe máy lên phòng để tiết kiệm chi phí gửi xe. Mỗi sáng và mỗi chiều, người này đưa xe theo thang máy đi xuống và đi lên.
Nếu hỏi bất kỳ một người dân nào đang sống ở chung cư về chức năng thang máy, thì ngoài để vận chuyển, họ sẽ liệt kê ra một loạt “công dụng” khác như: nhà vệ sinh, chỗ để ăn cháo, bột, chốn yêu đương, tranh thủ đụng chạm, chỗ để chen lấn.
Rồi tình trạng xả rác không đúng nơi quy định, hiện tượng ném than tổ ong đang cháy vào ống rác gây cháy nhà chết người từng xảy ra ở khu chung cư Hacinco, Hà Nội…
Thực tế này cho thấy, tuy những năm gần đây, theo mô hình của các nước phát triển, các khu đô thị mới, nhà chung cư ở nước ta được xây dựng rất nhiều, mang lại bộ mặt mới, văn minh cho các tỉnh, thành phố. Thế nhưng, dọn lên ở nhà cao, nếp sống của người Việt vẫn không “cao” kịp mới dẫn tới những hệ lụy khóc dở, mếu dở như nói trên. Làm thế nào để xây dựng được văn hóa chung cư văn minh, hiện đại - đang là vấn đề “nóng” tại nhiều khu đô thị mới hiện nay.
Thời trước, các khu tập thể cũ thường được phân chia theo cơ quan, hội, đoàn thể, ví dụ như khu tập thể Bộ Giáo dục, Khu tập thể Hội Phụ nữ… nên người sống ở đó biết nhau, hiểu nhau và cũng cư xử với nhau có ý tứ hơn. Ngày nay, chủ nhân các tòa nhà chung cư là người ở rất nhiều nơi, có đặc điểm về văn hóa, kinh tế, lối sống khá đa dạng về sống chung trong “ngôi nhà lớn” nên tình trạng lộn xộn, bừa bãi, thiếu ý thức của một bộ phận cư dân là khó tránh khỏi.
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội từng cho rằng, luôn có hai chuẩn mực điều chỉnh hành vi cư xử của con người, đó là chuẩn mực đạo lý và chuẩn mực pháp lý. Ở đời, có những thứ có thể “luật hóa” được, nhưng cũng có những thứ không thể “luật hóa” như việc con người ứng xử với nhau hàng ngày, nhường nhịn nhau trong cuộc sống… Những câu chuyện ứng xử ở chung cư thuộc phạm trù đạo lý và chỉ có thể thay đổi từ nhận thức của mỗi người. Thế nên cần phải tạo sự chuyển biến từ trong nhận thức, ý thức của mỗi người dân mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề./.