Trong khi đó, đa phần sản phẩm ở các kênh truyền thống không được kiểm soát nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Lỗi từ “kẻ bán, người mua”
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của thực phẩm “bẩn” chủ yếu là do người sản xuất, kinh doanh không tuân thủ các quy định về VSATTP, sử dụng hoá chất không được phép trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm như formol, hàn the, màu công nghiệp, sử dụng hoá chất quá hàm lượng cho phép như các chất tạo ngọt tổng hợp, chất bảo quản chống mốc, chất chống oxy hoá…
Trong “ma trận” thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan, công khai trước sự “im lặng” của lực lượng quản lý thị trường thì người tiêu dùng (NTD) vẫn giữ thói quen tiêu thụ sản phẩm một cách dễ dãi, không cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm, “thấy bán là mua”. Theo đánh giá của các chuyên gia, thói quen tiêu dùng như vậy của người dân đã tiếp tay cho thực phẩm “bẩn” được tiêu thụ.
Nhưng để là “NTD thông minh” thực sự rất khó. Thực tế, để nhận biết thực phẩm sạch qua cảm quan thì không thể đảm bảo 100%, còn nếu cần đến các thiết bị, thí nghiệm để kiểm tra thì yêu cầu đó quá cao. Do đó, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, “lựa chọn của NTD mới là điều quan trọng, nếu chúng ta không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không mua ở chợ cóc, chợ tạm thì chợ cóc, chợ tạm không thể tồn tại được. Biết là sản phẩm không thể quản lý được nguồn gốc, tại sao NTD vẫn thích mua mà không thay đổi?”.
Vẫn phải trông chờ vào “lương tâm” người bán
Các chuyên gia vẫn khuyên NTD tìm mua sản phẩm có thương hiệu, do nhà bán lẻ, điểm bán lẻ tin cậy cung cấp. Tuy nhiên, những trường hợp trộn thực phẩm, rau “bẩn” vào thực phẩm, rau “sạch” để bán không ít khiến bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng chỉ biết khuyên NTD “mua của người quen biết, tin cậy thì họ sẽ cung cấp sản phẩm tốt hơn, sạch hơn”.
Rõ ràng, khi NDT đang phải đặt cược sức khỏe, niềm tin của mình vào lương tâm của người bán thì không thể là giải pháp tối ưu để đảm bảo được quyền lợi NTD. Song, để thay đổi nhận thức của người dân về việc tiêu thụ thực phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên Nhà nước cần “mạnh tay” hơn với những vi phạm về VSATTP với các biện pháp xử lý như tước giấy phép, cấm suốt đời không cho hành nghề trong lĩnh vực thực phẩm, phạt tiền thật nặng và phải bồi thường thiệt hại cho NTD là nạn nhân.
Cùng với đó, cần “kéo” các hội, hiệp hội vào cuộc để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” ngay từ đầu nguồn, trước khi phân phối ra thị trường. Bản thân các hội, hiệp hội cần có trách nhiệm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho hội viên và xử lý nghiêm khắc những hội viên vi phạm các quy định đảm bảo VSATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, cùng với tạo thói quen kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, lựa chọn các điểm mua sắm tin cậy, NTD cần thực hiện quyền tối cao của mình “tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn để những người sản xuất các loại sản phẩm này không còn đầu ra của sản phẩm. Nếu nhận thức của NTD không thay đổi thì sẽ vô tình tiếp tay cho sản phẩm không an toàn” - bà Lan nhấn mạnh.
Ngoài ra, bản thân người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về VSATTP, đảm bảo trao đổi thông tin hai chiều với NTD, giải quyết khiếu nại kịp thời để gây dựng uy tín, thương hiệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, vì bảo vệ quyền lợi NTD cũng là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dù chỉ là bán mớ rau, con cá… hàng ngày.