Vợ chồng ông D.V và bà T.T có 02 thửa đất đều chưa được cấp GCNQSDĐ. Thửa thứ nhất, ông bà sử dụng trước năm 1993 có diện tích 3.000m2 để ở và trồng đào, trồng tiêu. Thửa thứ hai có diện tích 18.201m2, khai khẩn từ những năm 1997 đến năm 2003 trồng cây ăn trái và tràm bông vàng, đất chưa được cấp GCN do còn phải bổ sung một số thủ tục. Nay vì tuổi đã cao, ông bà muốn lập di chúc chia đất cho các con, nhưng không biết pháp luật có thừa nhận?
Không riêng gì trường hợp của ông bà V, nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Muốn lập di chúc chia nhà cửa, đất đai cho các con nhưng UBND xã/tổ chức hành nghề công chứng không chứng nhận di chúc do chưa có GCN quyền sở hữu (QSH) nhà ở, chưa có GCNQSDĐ.
Xung quanh vấn đề này, Ths.Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang - tư vấn: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong trường hợp này, do tài sản là QSDĐ nên người lập di chúc bên cạnh tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự, còn phải tuân thủ pháp luật đất đai về thừa kế.
Thứ nhất, Luật Đất đai năm 2013 quy định một trong những quyền của người sử dụng đất là được quyền thừa kế, cho phép người để lại thừa kế và người nhận thừa kế QSDĐ khi có GCN hoặc đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (khoản 1 Điều 168, Điều 188). Điều kiện kèm theo phải là đất không có tranh chấp, QSDĐ không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong thời hạn sử dụng đất.
Thế nào được xem là đủ kiều kiện cấp GCNQSDĐ? Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 quy định người đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp và có một trong các giấy tờ như GCNQSDĐ tạm thời; giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ, mua bán nhà ở trước 15/10/1993… thì được cấp GCNQSDĐ.
Về 02 thửa đất của vợ chồng ông V thuộc trường hợp cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013, nếu đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp GCNQSDĐ, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ nên được lập di chúc). Cụ thể là không lấn chiếm đất, nằm ngoài phạm vi đất rừng, khi lấy ý kiến thì được cộng đồng dân cư thừa nhận về nguồn gốc đất và thời điểm sử dụng đất (Điều 101).
Để di chúc có hiệu lực pháp luật, tránh tranh chấp về sau, ông bà cần trích đo thửa đất cho mỗi con (do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện thực hiện dịch vụ) sẽ chính xác hơn ông bà tự đo vẽ (sơ đồ, diện tích đất) chia cho mỗi con để kèm theo di chúc.
Thứ hai, do đất chưa có GCN nên di chúc sẽ không được UBND xã/tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận. Tuy nhiên, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, hoặc di chúc bằng văn bản có người làm chứng cũng có giá trị pháp lý ngang với di chúc được công chứng, chứng thực. Vậy nên, ông V, bà T có quyền lập di chúc bằng văn bản (viết tay hoặc đánh máy) nhưng phải có ít nhất 02 người làm chứng (mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi). Người lập di chúc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Trường hợp ông V, bà T tự viết di chúc bằng tay và ký vào bản di chúc thì không cần người làm chứng.
Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài ra, di chúc có thể có các nội dung khác. Một điểm cần lưu ý là di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa (Điều 628, 631 Bộ luật Dân sự năm 2015).