Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Doanh nghiệp có đơn khiếu nại gửi Thanh tra Chính phủ

Nơi Cty Nhựt Phát - Tây Ninh đặt nhà máy sản xuất. (Ảnh trong bài: Huỳnh Ngọc Hiếu)
Nơi Cty Nhựt Phát - Tây Ninh đặt nhà máy sản xuất. (Ảnh trong bài: Huỳnh Ngọc Hiếu)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Diễn biến sự việc liên quan Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh mà PLVN đã có bài phản ánh, DN này vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ (TTCP), khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Cần xem xét vấn đề "thẩm quyền lãnh thổ"

Như Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đã phản ánh, ngày 3/4/2024, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành KLTT 987 cho rằng Cty Nhựt Phát (Cty “mẹ”, có trụ sở tại TP HCM) và Chi nhánh tại Tây Ninh (Nhựt Phát - Tây Ninh) có dấu hiệu sử dụng hóa đơn không hợp pháp để gian lận, trốn thuế; nên chuyển sự việc sang công an để làm rõ.

Tại đơn khiếu nại gửi TTCP, Nhựt Phát - Tây Ninh nêu hai vấn đề chính, là thẩm quyền thanh tra trong KLTT 987 và 41 hóa đơn có hợp pháp hay không.

Theo DN, ngày 9/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ra Quyết định thanh tra 1236/QĐ-UBND để thanh tra Nhựt Phát - Tây Ninh. Theo Điều 3 và Điều 43 Luật Thanh tra 2010 (có hiệu lực ở thời điểm 9/6/2023 - NV) thì việc thanh tra hành chính chỉ được thực hiện với “cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao”. Trong khi đó, cả Cty “mẹ” và chi nhánh Nhựt Phát - Tây Ninh không thuộc các đối tượng này, nên không phải đối tượng thanh tra hành chính. Hơn nữa, Nhựt Phát - Tây Ninh có trụ sở tại TP HCM, nên cũng cần xem xét lại vấn đề “thẩm quyền lãnh thổ” khi Tây Ninh ra quyết định thanh tra với DN này.

Hơn nữa, trong quá trình thanh tra, các quyết định của Tây Ninh khi thì áp dụng Luật Thanh tra 2010 (Luật 2010), khi thì áp dụng Luật Thanh tra 2022 (Luật 2022).

Theo Điều 118 Luật 2022, những cuộc thanh tra có Quyết định thanh tra trước 1/7/2023 (ngày Luật 2022 có hiệu lực) thì tiếp tục thực hiện theo Luật 2010.

Quyết định thanh tra 1236 của Tây Ninh ban hành trước 1/7/2023; nhưng khi ra KLTT 987 và Quyết định 44/QĐ-TTr về thu hồi tiền ngày 9/4/2024 thì lại “áp dụng Luật 2022 để giải quyết”.

Và khi KLTT bị khiếu nại, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định 1141/QĐ-UBND ngày 24/7/2024 giải quyết khiếu nại, tại phần kết luận lại nêu: “Nội dung khiếu nại thời gian ban hành KLTT 987 không đúng thời gian quy định tại Luật Thanh tra 2022. Kết quả kiểm tra cho thấy, KLTT được ban hành theo Quyết định thanh tra trước ngày Luật 2022 có hiệu lực”. Nói cách khác, khi KLTT, có nội dung áp dụng Luật 2022; còn khi giải quyết khiếu nại, Tây Ninh lại cho rằng áp dụng Luật 2010.

Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Các chứng cứ trên cho thấy có sự mâu thuẫn, chưa thống nhất của cơ quan thẩm quyền Tây Ninh trong việc áp dụng pháp luật. Nếu áp dụng Luật Thanh tra không đúng, thì KLTT có thể vô hiệu, không có hiệu lực pháp luật”.

Cần làm rõ tính hợp pháp của hoá đơn

Vấn đề chính thứ hai Nhựt Phát - Tây Ninh đề nghị TTCP làm rõ, là 41 hóa đơn trong sự việc này có hợp pháp hay không.

KLTT 987 cho rằng “đã làm rõ” được với 41 hóa đơn của Cty TNHH Thực phẩm Trần Cao (trụ sở quận 4, TP HCM) có dấu hiệu “không hợp pháp, không có hàng hóa”.

KLTT 987 cho rằng ngày 11/10/2023, Chi cục Thuế quận 4 có Văn bản 1745/CCTQ4-KT2 xác định các hóa đơn của Cty Trần Cao không có giá trị sử dụng.

Trong khi đó, hồ sơ cho thấy, Cty Nhựt Phát mua hàng và được Cty Trần Cao xuất hóa đơn từ tháng 1 - 3/2019. Từ tháng 4/2019, do bị lấy lại mặt bằng, Cty Trần Cao không hoạt động tại trụ sở cũ nên ngày 18/4/2019, Chi cục Thuế quận 4 có Thông báo 1041/TB-CCTQ4 về việc Cty Trần Cao không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Ngày 19/9/2019, Cty Trần Cao xin chuyển sang địa điểm mới, có văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế. Ngày 25/10/2019, Cty Trần Cao báo cáo một số hóa đơn bị mất, cháy, hỏng, chưa kê khai thuế GTGT quý I năm 2019.

Để xác định tính hợp pháp của những hóa đơn trên (có 41 hóa đơn xuất cho Cty Nhựt Phát), ngày 1/10/2019, Chi cục Thuế quận 4 chuyển sự việc sang Công an quận 4 xác minh, làm rõ. Đến thời điểm này Công an quận 4 vẫn chưa trả lời Chi cục Thuế quận 4 về việc những hóa đơn này có hợp pháp hay không. “Những chứng cứ trên cho thấy việc KLTT 987 kết luận 41 hóa đơn này “không hợp pháp” là không có căn cứ pháp lý, là dấu hiệu quy chụp, suy diễn theo hướng “có tội” với DN chúng tôi”, đại diện Cty nói.

LS Hiệp cho rằng, trong trường hợp này, theo quy định, Cục Thuế Tây Ninh mới có thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành.

LS Hiệp cho rằng, trong trường hợp này, theo quy định, Cục Thuế Tây Ninh mới có thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành.

Nhận định về trường hợp này, LS Hiệp nói: “Theo Công văn 7333/BTC-TCT ngày 24/6/2008 của Bộ Tài chính, trường hợp DN phát hành hóa đơn trước khi có công văn thông báo bỏ trốn. Nếu bên mua chứng minh hàng hóa có thật (gồm hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hóa đơn GTGT), thì được mặc định là hóa đơn hợp pháp. Đối chiếu quy định này, hồ sơ mua bán giữa Trần Cao và Nhựt Phát từ tháng 1 - 3/2019 có hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho, ủy nhiệm chi (thanh toán), hóa đơn GTGT, nên 41 hóa đơn trên là hợp pháp”.

Một căn cứ pháp lý khác, theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ - CP thì không được xác định hóa đơn là “không hợp pháp” nếu chưa có kết luận của cơ quan thuế, CQĐT hoặc cơ quan thẩm quyền. “Công an quận 4 chưa có kết luận chính thức. Văn bản 1745/CCTQ4-KT2 của Chi cục Thuế quận 4 không phải văn bản kết luận, nên KLTT 987 kết luận 41 hóa đơn trên “không hợp pháp”, là không phù hợp”, LS Hiệp nói.

DN tin tưởng sự việc sẽ được xác định đúng bản chất, giải quyết đúng luật

PLVN đã đặt lịch và có cuộc làm việc với Thanh tra tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh về các nội dung trên.

Về phía Thanh tra tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Tuấn An cho rằng “thẩm quyền trả lời thuộc UBND tỉnh Tây Ninh vì tỉnh là cơ quan ban hành KLTT”. Về phía UBND tỉnh Tây Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đoàn Minh Long trả lời tỉnh đã giải quyết hết thẩm quyền với sự việc nên “Nhựt Phát - Tây Ninh có thể gửi những nội dung trên cho cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết”.

Trả lời PLVN, đại diện Nhựt Phát - Tây Ninh cho biết: “Chúng tôi rất mong TTCP phối hợp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có ý kiến, vào cuộc làm rõ những vấn đề nêu trên. Sự việc đã kéo dài nhiều năm nay, khiến hoạt động của DN và người lao động có gặp xáo trộn, khó khăn, tâm lý có lúc bất an”.

“Tuy nhiên, chúng tôi luôn tin tưởng sự việc sẽ được cơ quan chức năng xác định đúng bản chất vấn đề, giải quyết đúng quy định pháp luật; đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 13/6 (thời điểm đó là Chủ tịch nước - NV) “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế”; cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” vào ngày 21/9”.

Mong muốn xác định "đầu ra"

Theo KLTT, Cty Nhựt Phát (Cty “mẹ” của chi nhánh Nhựt Phát - Tây Ninh) có doanh số mua vào từ 2018 - 6/2022 là 1.173 tỷ đồng. Trong đó, mua tinh bột mì của 13 Cty. Cũng trong thời gian này, Cty có doanh thu 1.310 tỷ đồng. Tuy nhiên, KLTT chỉ tập trung làm rõ “đầu vào” là hóa đơn mua hàng của Cty Nhựt Phát với các Cty khác.

LS Hiệp đánh giá “nội dung làm việc như vậy là chưa đầy đủ, khách quan, vì nếu Cty không mua tinh bột mì thì lấy đâu ra hàng hóa để bán cho các Cty khác? Trong đó, Cty Nhựt Phát bán ra nhiều nhất cho Cty Minh Toàn Tây Ninh, Cty CP khoai mì Tây Ninh... Lẽ ra khi thanh tra, cần xác định “đầu ra” để từ đó kết luận Cty Nhựt Phát có mua bán hàng hóa thật hay không”.