Vụ kiện thứ nhất là “tranh chấp đòi lại di sản thừa kế” giữa nguyên đơn Nguyễn Ánh Vy (con gái ông Sơn, SN 2000, sống tại Mỹ) với bị đơn Nguyễn Thanh Toàn (anh trai ông Sơn, bác chị Vy). Vụ kiện thứ hai, là “tranh chấp tài sản thừa kế” giữa nguyên đơn là chị Vy và bị đơn Ngô Thị Phương Trâm (người vợ sau của ông Sơn, ngụ TP Huế).
Người được nhờ chuyển tiền “không nhớ 500 ngàn USD hay VNĐ”
Theo hồ sơ vụ án, chị Vy và chị Nguyễn Ánh Ngọc là con của ông Sơn với người vợ đầu (ly hôn năm 2008). Cha mẹ ly hôn, chị Vy, chị Ngọc ở với mẹ, sau đó qua Mỹ định cư.
Năm 2020, ông Sơn kết hôn với bà Trâm. Trước đó, năm 2017, ông Sơn và bà Trâm đã có 1 con chung. Do bị bệnh hiểm nghèo, ngày 26/4/2021, ông Sơn qua đời sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Do thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát, chị Vy, chị Ngọc không thể về nước đưa tang cha được.
Sau khi em trai mất, ông Toàn được cho là thông báo cho chị em chị Vy biết rằng, trước lúc mất ông Sơn có gửi lại ông Toàn 500 ngàn USD nhờ chuyển cho chị em chị Vy để trang trải cuộc sống. Ông Toàn nói chị em chị Vy sắp xếp thời gian về Việt Nam để vừa thắp nhang cho bố, vừa để ông thực hiện di nguyện của em trai mình với hai con.
Năm 2022, khi hết dịch, chị em chị Vy về thăm mộ bố và nhận tiền bố gửi lại. Tuy nhiên, đến nay ông Toàn vẫn chưa đưa tiền. Chị Vy khởi kiện ông Toàn ra TAND tỉnh.
Nhà đất ông Sơn để lại. (Ảnh trong bài: Hoàng Anh) |
Trong các lời khai trong hồ sơ, có lúc ông Toàn thừa nhận em trai “có gửi lại số tiền đó để hỗ trợ cuộc sống các con bên Mỹ vì các con mới qua nên còn nhiều khó khăn”. Có lúc ông Toàn cho rằng “không nhớ em trai mình nhờ giữ 500 ngàn USD hay 500 ngàn VNĐ”. Có lúc ông Toàn lại cho rằng việc chuyển tiền cho chị em chị Vy vào thời điểm nào là do “tôi quyết định, chứ chị em Vy không có quyền đòi”.
Chị em chị Vy cho rằng đây được xem đây là số tiền riêng cha cho tặng riêng, nhưng bà Trâm cũng có yêu cầu độc lập đòi Tòa phải chia số tiền đó vì cho rằng đó là tài sản chung của bà và ông Sơn.
Quá trình lập di chúc có một số vấn đề cần làm rõ
Sau khi qua đời, ông Sơn còn để lại nhà đất trị giá hơn 36 tỷ đồng tại đường Nguyễn Huệ (TP Huế), có từ 2008, nghĩa là trước hôn nhân với bà Trâm. Chị Vy cho rằng cha mình không để lại di chúc nên khởi kiện yêu cầu chia thừa kế căn nhà này cho 5 người, mỗi người được khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Trâm cho rằng căn nhà này đã được ông Sơn làm di chúc vào ngày 13/4/2021 để lại cho con trai SN 2017.
TAND tỉnh đã sao lục toàn bộ hồ sơ bản di chúc của ông Sơn tại Phòng Công chứng số 1. Nguyên đơn cho rằng hồ sơ của bản di chúc này có nhiều điểm bất thường, nhiều câu hỏi cần được làm rõ.
Đó là làm thế nào một người đang trong tình trạng nguy kịch có thể ký tên vào “Đơn đề nghị công chứng tại BV” ngày 13/4/2021. Làm thế nào để ông Nguyễn Chí Trung biết được ông Sơn lập di chúc để đến làm chứng vào đúng 15h20 ngày 13/4/2021? Vì sao “Đơn đề nghị công chứng tại BV” được ông Sơn ký, viết được; nhưng khi lập “Phiếu yêu cầu công chứng” và “Di chúc” thì ông Sơn lại không thể ký, viết được dù đều trong cùng thời điểm? Ai là người lập “Phiếu yêu cầu công chứng” ngày 13/4/2021 cho ông Sơn?
Hồ sơ cho thấy, thời điểm đó, ông Sơn đang được truyền máu tại giường bệnh (kỹ thuật Plasma) để duy trì sự sống, lại có thể cùng một lúc lập hàng loạt văn bản như: “Đơn đề nghị công chứng tại BV”; Phiếu yêu cầu công chứng; Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất lúc 15h; Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất lúc 15h10; Di chúc lúc 15h20 cùng ngày 13/4/2021?
Hồ sơ bệnh án do BVTW Huế cung cấp cho toà cho thấy ông Sơn nằm điều trị tại “Giường chăm sóc tích cực” vào lúc 9h ngày 13/4/2021 ghi nhận: “Bệnh nhân mệt nhiều; Khó thở nhẹ…; 10h bắt đầu truyền Plasma; 16h kết thúc truyền plasma; Thực hiện y lệnh: Chăm sóc cấp 1…”.
BVTW Huế cho biết “không có thông tin lưu trữ về thông tin khai báo y tế của ông Hà và ông Trung vào ngày 13/4/2021”. |
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 07/2011/TT-BYT, thì “người bệnh cần chăm sóc cấp 1 là người bệnh nặng, nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải nằm bất động và yêu cầu có sự theo dõi, chăm sóc toàn diện và liên tục của điều dưỡng viên, hộ sinh viên”.
Căn cứ hồ sơ bệnh án, ông Sơn bắt đầu truyền Plasma lúc 10h, kết thúc lúc 16h, được BS, điều dưỡng theo dõi tại “Giường bệnh chăm sóc tích cực”. “Vì thế, việc ông Nguyễn Duy Hà, Công chứng viên Phòng Công chứng số 1 và ông Nguyễn Chí Trung có mặt tại BVTW Huế để lập và chứng nhận “Di chúc” vào lúc 15h20 là cần xem xét lại”, phía nguyên đơn nêu ý kiến.
Một vấn đề khác, do Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngày 28/3/2020, BVTW Huế đã có thông báo cấm việc thăm bệnh, “mỗi người bệnh chỉ có duy nhất 1 người nhà chăm sóc, hỗ trợ, bất kỳ ai đến BV cũng phải qua kiểm tra của bộ phận khám sàng lọc được bố trí tại các chốt ở BV”. Và BVTW Huế cho biết “không có thông tin lưu trữ về thông tin khai báo y tế của ông Nguyễn Duy Hà và Nguyễn Chí Trung vào ngày 13/4/2021”.
Điểm đáng lưu ý trong kết luận giám định về chữ ký “Nguyễn Thanh Sơn”
Quá trình giải quyết vụ án, TAND tỉnh đã trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của ông Sơn. Ngày 10/4/2024, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh có Kết luận giám định 56/KL-KTHS: “1. Chữ viết mang tên Nguyễn Thanh Sơn trên tài liệu cần giám định ký hiệu Al và A2 so với chữ viết đứng tên Nguyễn Thanh Sơn trên tài liệu mẫu ký hiệu M2 đến M4, M5, M9, M10 không phải do cùng một người viết ra. 2. Không đủ cơ sở kết luận chữ ký mang tên Nguyễn Thanh Sơn trên tài liệu cần giám định ký hiệu A2 so với chữ ký đứng tên Nguyễn Thanh Sơn trên tài liệu mẫu ký hiệu M4 đến M8, M10 đến M14 có phải do cùng một người ký ra hay không”.
Phía nguyên đơn đặt vấn đề: “Vậy chữ ký, chữ viết trên đó là của những ai? Ai đã ký, viết vào những tài liệu đó, trong khi cha tôi đang lâm trọng bệnh? Việc này có dấu hiệu giả mạo chứng từ, giả mạo chữ ký, có vi phạm pháp luật hình sự hay không? Bản di chúc nói trên có bảo đảm tính hợp pháp để làm cơ sở xử lý tài sản của người đã mất?”.
Phía nguyên đơn đã đề nghị Toà án tiếp tục trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của ông Sơn và bà Trâm tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, trong “Phiếu yêu cầu công chứng Hợp đồng - giao dịch ngày 13/4/2021” và “Đơn đề nghị được công chứng tại BVTW Huế ngày 13/4/2021” và chữ ký, chữ viết của bà Trâm tại "Giấy cam kết" lập ngày 16/4/2021; để xác định có dấu hiệu giả mạo chữ ký, chữ viết của ông Sơn hay không. Nếu có dấu hiệu tội phạm với việc giả mạo chữ viết, chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản, thì chuyển CQĐT xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía nguyên đơn cũng đã hai lần đề nghị cơ quan tố tụng tỉnh giám định lại chứng cứ trong vụ án tại Cục Kỹ thuật hình sự (C09, Bộ Công an) tại Hà Nội.
“Chúng tôi cũng đồng thời đề nghị cơ quan tố tụng tỉnh làm rõ việc ông Toàn chưa trả lại tiền và xử lý sự việc theo đúng quy định pháp luật”, phía nguyên đơn nói.