Những “chứng nhân” đặc biệt
Đến với quần đảo Hải Tặc, điểm đặt dấu chân đầu tiên của mọi người là cầu cảng đảo Hòn Đốc – trung tâm xã đảo Tiên Hải. Công trình được xây dựng chắc chắn, rộng rãi, hai bên được kè bê tông chống sóng biển xói mòn. Từ cầu cảng theo con đường bê tông chạy vòng về bên phải là đến Trạm Rada 625(Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân), hai bên đường có nhiều ngôi nhà mới xinh xắn. Cuộc sống trên đảo bây giờ bình lặng, yên ả trái ngược hẳn với tưởng tượng của nhiều người về cái tên dữ dội của đảo.
Toàn xã Tiên Hải ngày nay dân số ước tính hơn 3.000 người, sinh sống rải rác ở các đảo nhưng tập trung đông ở Hòn Đốc, cũng là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 11km2. Người dân đất đảo được biển vàng ban tặng, hậu đãi nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế như cá, tôm, ghẹ, mực, ốc... nên từ bao đời qua, ngư dân sống nhờ vào nguồn tài nguyên này. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, cư dân còn làm du lịch, các dịch vụ khi ngày một nhiều du khách tìm đến quần đảo.
Đến đảo Hòn Đốc, nhiều người thường tìm đến cột mốc chủ quyền trên đảo, nằm bên bờ biển phía Tây, ven con đường từ cảng rẽ phải lên Trạm Rada 625. Công trìnhlà minh chứng rõ nhất cho một thời hỗn tạp xứ này.Đây là cột mốc do Hải quân Việt Nam Cộng hoà dựng năm 1958, cùng đợt với một số mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Cột mốc ghi: “Việt Nam Cộng hoà. Quần đảo Hải Tặc (Archipel des Pigate), vĩ tuyến 10° 10' B, kinh tuyến 120° 20' Đ.”
“Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giong, hòn Chơ Rơ, hòn Đước, hòn Bờ Đập, hòn Đồi Mồi. Quần đảo trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 26/7/1958 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam. Hải quân Việt Nam”.
Cột mốc chủ quyền trên đảo Hòn Đốc được xây dựng năm 1958. |
Từ lâu, cột mốc chủ quyền đã trở thành niềm tự hào của người dân đảo và mang nhiều cảm xúc thiêng liêng cho bất cứ ai đặt chân đến nơi này. Xoay quanh cái cột mốc khắc ghi tên quần đảo có một không hai ở Việt Nam, thậm chí thế giới, là điều trùng hợp đến lạ kỳ mà ít người biết đến. Một trong những cư dân đầu tiên sinh sống trên đất này – ông Tư Nam – cũng là hậu nhân của hải tặc Cánh Buồm Đen, chính là người trực tiếp gùi xi măng, xếp gạch xây khối bê tông ghi danh “Quần đảo Hải tặc” kể trên, dưới sự “thuê mướn” của cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Một công trình khác trên đảo Hòn Đốc, cũng do một trong những cư dân đầu tiên của xứ này dựng nên, lưu lại dấu tích thời gian về một thời sơ khai ở đảo –Sơn Hòa Tự. Đây chính là ngôi chùa duy nhất trên đảo mà kỳ lạ nhất, người xây dựng nó xa xưa lại chính là một phụ nữ, mang thân phận con cháu của hải tặc Cánh Buồm Đen. Bà tên thật là Nguyễn Thị Gái, đượcdân đảo kính trọng gọi là bà Mười.
Theo những gì lưu truyền, bà là con gái ông Nguyễn Thanh Vân – một thành viên của hải tặc Cánh Buồm Đen xa xưa. Sau khi gặp mẹ bà, một người phụ nữ xinh đẹp người Thái Lan thì gác kiếm, trở về cuộc sống một người bình thường. Ban đầu cha mẹ bà dừng chân ở Phú Quốc, đến năm 1956 thì cả nhà giong buồm đến quần đảo Hải Tặc. Khi đó, gia đình bà thuộc những cư dân đầu tiên ra khai phá đảo, trong tổng số vài hộ dân với dăm ba cái nhà lá dừa.
Ngày ấy cuộc sống khó khăn đủ bề, chưa nói phải chống chọi với thiên tai, bão biển. Chồng bà Mười chẳng may mất sớm, bà ở vậy, tự túc phát rừng dựng nhà, xẻ núi làm đường, xuống biển chăng lưới mưu sinh. Những năm 60 của thế kỷ trước,với mong muốn có nơi mọi người cầu nguyện hương khói,bà Mười nảy sinh ý định làm chùa. Đầu tiên bà tìm đến nơi cao nhất trên hòn Đốc định nơi dựng chùa, đó là một nơi trông ra biển Tây, bốn bề gió lộng.
Một góc làng chài yên bình trên quần đảo Hải Tặc. |
Với hai bàn tay không, ban ngày bà xuống bãi vục cát, đêm cạy đá núi rồi gùi lên lưng chừng đồi. Để có vữa xây bà đi hái cây rau, bắt cá đổi cho binh lính Việt Nam Cộng hòa ở đồn. Thời gian qua đi, chẳng mấy chốc một ngôi chùa nhỏ đơn sơhoàn thành với cái tên Sơn Hòa Tự. Bà Mười từng giải thích rằng, tên chùa với ý nghĩa “Sơn” là núi, “Hòa” là yên hòa, hòa bình, “Tự” vừa là chùa nhưng cũng là do tự mình dựng nên.
Lập ra chùa, bà Mười ngày đêm tụng kinh gõ mõ, nguyện cầu bà con trên đảo có cuộc sống yên bình, hòa hợp, không còn chiến tranh, không còn cướp biển gây chết chóc đau thương nữa.Từ khi có chùa, người dân ở các hòn lân cận muốn khấn Phật đều tìm đến Sơn Hòa Tự để hương khói.Những người đi biển trước khi ra khơi cũng đến chùa cầu an, những người muốn tĩnh tâm thì đến đây thiền niệm.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Sơn Hòa Tự vẫn ấm áp khói hương, quần đảo Hải Tặc cũng ngày một lùi xa thời cướp bóc, loạn lạc. Trên đảo yên bình này, đâu đó vẫn còn dòng máu của các thành viên hải tặc năm xưa, nhưng cư dân chẳng mấy ai còn quan tâm đến điều đó, bởi cư dân trên đảo chung sống chan hòa, đùm bọc nhau. Còn những chuyện từ trăm năm trước, nửa hư nửa thực, ly kỳ như phim trinh thám, giờ đây trở thành một “đặc sản” được người dân nhiệt tình đãi khách trong hành trình khám phá biển đảo.
Hấp dẫn du khách
Quần đảo Hải Tặc giờ đây ngày càng được nhắc tên nhiều hơn trên bản đồ du lịch, bởi không đơn giản là sự hiếu kỳ từ tên gọi, nơi này có thế mạnh là cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, màu xanh của núi rừng, nước biển trong vắt và những bãi cát trắng trải dài như tranh. Trong xu hướng du lịch hướng đến những hoạt động trải nghiệm, khám phá và trở về thiên nhiên, chính việc quần đảo chưa bị tác động mấy bởibàn tay con người lại trở thành điều hiếm có, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách.
Theo một số đánh giá, quần đảo nàylà nơi lý tưởng dành cho những người đam mê khám phá và mạo hiểm, bởi trong số 16 hòn đảo hoang sơ, có gần chục hòn đảo chưa có người ở. Khách có thể đi đến đảo Hải Tặc vào tất cả các mùa trong năm, tuy nhiên thời gian đẹp nhất là vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Trong thời gian này, trời trong xanh và mặt biển khá êm đềm, thuận tiện nhất cho việc di chuyển bằng tàu. Cung đường đến đảo có điểm xuất phát ở bến tàu Hà Tiên, cho trải nghiệm thú vị khi có thể ngắm nhìn quần đảo từ xa đến gần.
Nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi quần đảo Hải Tặc hiện lên như một bức tranh thơ mộng, trù phú, càng đến gần khung cảnh yên bình càng rõ nét. Dưới cảng, có nhiều tàu cá neo đậu. Ngay cầu cảng là trụ sở UBND xã, trạm y tế, đồn biên phòng, trường học, nhà máy cấp nước sạch, chợ được xây dựng khang trang. Cuộc sống người dân trên đảocòn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bình lặng, yên ảhoàn toàn khác xa so với sự tưởng tượng ban đầu về quần đảo Hải Tặc -nơi hàng trăm năm trước cướp biển từng ẩn náu, sống bằng cướp bóc.
Năm 2018, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận quần đảo này là khu du lịch địa phương, tháng 10/2019 xã đảo được hòa điện lưới quốc gia, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho xã Tiên Hải khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch, mời gọi thu hút đầu tư.
Hàng năm, ngoài giá trị kinh tế từ nguồn lợi thủy sản, địa phương có nguồn thu lớn từ lượng khách du lịch bình quân mỗi năm khoảng 50.000 - 70.000 lượt người. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã biết cách làm du lịch, nhiều hàng quán, homestay, nhà nghỉ mọc lên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng thay đổi diện mạo địa phương.
Một số trải nghiệm dành cho du khách khi đặt chân đến đây có thể kể đến như, đi vòng quanh đảo trên con đường bê tông, thưởng thức khung cảnh với một bên là núi rừng và một bên là biển xanh cát trắng. Hay có thể khám phá biển đảo bằng thuyền do người dân lái để đi thăm quan những đảo chính và đảo nhỏ. Trên những bãicát trắng dài mênh mông, có thể chơi các trò chơi sôi động hoặc thuê đồ lặn ngắm những rạn san hô nguyên sơ và khám phá thế giới dưới biển với nhiều sinh vật biển độc đáo.
Một số hoạt động khác là cắm trại, câu mực, cá vào ban đêm, lặn biển bắt sò, ốc, ghẹ… hoặc đi thuyền đánh bắt hải sản cùng ngư dân. Đến đây, du khách được thưởng thức ẩm thực đặc trưng là hải sản với các món chế biến từ cầu gai, tôm, cua đá, ghẹ, ốc, cá mú,… do người dân chế biến hoặc tự mình mua về nấu nướng.Nhiều bạn trẻ chia sẻ, với số tiền chừng 1 triệu đồng/ người là đã có thể thoải mái khám phá, trải nghiệm cảm giác ra đảo hoang làm… Robinson.