“Bông hồng Hawaii” tài sắc vẹn toàn
Ít ai biết rằng trước năm 1893, Hawaii vẫn là một vương quốc độc lập. Nó nằm dưới sự thống trị của Kalākaua, do Nữ hoàng Lili’uokalani (1838 - 1917) trị vì. Theo các nhà nhân chủng học, tộc người đầu tiên phát hiện và khai thác quần đảo Hawaii là Polynesia. Họ vượt biển tới đây vào khoảng năm 300. Sau 1.000 năm sinh cư, người Polynesia bị người Tahiti xâm lược, tận diệt đến tận thành viên cuối cùng.
Ban đầu, người Tahiti dựng các bản làng nhỏ. Giữa các bản làng và các hòn đảo liên tục xảy ra chiến tranh, cướp bóc lẫn nhau. Mãi đến năm 1795, dưới sự lãnh đạo của Kamehameha Đại đế (1758 - 1819), họ mới thống nhất và thành lập Vương quốc Hawaii.
Nhà Kamehameha trị vì Hawaii đến năm 1872 thì kết thúc triều đại. Kế tiếp họ là nhà Kalākaua. Nửa đầu thế kỷ XX, Hawaii dưới quyền Hoàng đế Kalākaua (1936 - 1891). Kalākaua có 1 chị gái và 1 em gái, Lili’uokalani (1838 - 1917) và Likelike (1851-1887). Công chúa Likelike sau đó đã kết hôn với Archibald Scott Cleghorn - một doanh nhân người Scotland và hạ sinh Ka’iulani.
Ka’iulani sống thời thơ ấu giàu sang, phú quý ở Thủ đô Honolulu sầm uất. Ka’iulani được giáo dục theo phong cách phương Tây nhưng vẫn đảm bảo đủ lễ nghi, phép tắc của một vị công chúa với nữ gia sư người Mỹ là Gertrude Gardinier. Nàng công chúa nhỏ không chỉ xuất sắc trong tất cả các môn học mà còn giỏi thể thao, am tường nghệ thuật. Đối với Ka’iulani, đó là một khoảng thời gian hạnh phúc, một khoảng thời gian đẹp đẽ. Ka’iulani từng được văn hào Scotland - Robert Louis Stevenson (1850 - 1894) ca ngợi là “bông hồng Hawaii” với vẻ đẹp kiều diễm.
Năm 1889, Kalākaua quyết định cho Ka’iulani sang nước Anh du học. Ông và Lili’uokalani nhận thức rõ sự ảnh hưởng của phương Tây trong cuộc sống trên quần đảo, tin tưởng bước đi này là cần thiết để xây dựng nền móng cho sự kế vị của cháu gái trong tương lai. Tuy nhiên, năm 1887, mẹ của Ka’iulani là Likelike ốm nặng. Trước khi qua đời, bà nằm mơ thấy một đàn cá khổng lồ màu đỏ như máu, bơi đặc như nhuộm huyết bờ biển Hawaii. Likelike cho đây là điềm gở, báo hiệu cuộc đời sẽ chỉ đầy bất hạnh của con gái. Bà đau đớn tiên tri, Ka’iulani không thể lên ngai vàng và cũng không được kết hôn.
Quần đảo Hawaii xinh đẹp giữa Thái Bình Dương (ảnh minh họa). |
Ngày 20/1/1891, Kalākaua đột ngột băng hà. Lili’uokalani vốn muốn để Ka’iulani du học đủ 4 năm (tức là đến năm 1893), nhưng buộc phải tính toán lại. Sau khi lên ngôi, bà viết thư gọi Ka’iulani về, hỗ trợ trị quốc. Lúc này, Ka’iulani mới chỉ 16 tuổi. Cô bé lo mình vẫn chưa đủ sức giúp nữ hoàng và vẫn muốn học tiếp. Lili’uokalani đành đồng ý cho Ka’iulani ở lại Anh. Kể từ đây, Ka’iulani phải sống tha hương, cô đơn suốt nhiều năm nơi đất khách quê người.
Cô theo học tại trường tư Great Harrowden Hall ở Northamptonshire (Anh). Tại đây, Ka’iulani học tiếng Latin, văn học, toán học và lịch sử. Năm 1892, Ka’iulani tới Brighton và theo học nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Đức.
Để không phụ lòng Lili’uokalani, Ka’iulani tích cực học tập, tham gia các hoạt động ngoại giao. Cô bé tự tin chỉ 2 năm nữa, khi đã tròn 18 tuổi và tốt nghiệp các khóa học sẽ trở lại Hawaii, thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của công chúa kiêm người thừa kế vương miện duy nhất. Suốt quãng thời gian học tại Anh, cô được đánh giá là một học sinh xuất sắc. Nhưng cũng trong thời gian này, việc kinh doanh của ông Cleghorn - bố công chúa gặp khó khăn.
Bị tước ngai vàng và cái chết phẫn uất
Kỳ thực, nguyên nhân chính khiến Kalākaua phải cho cháu gái đi du học là áp lực từ Ủy ban An toàn (Committee of Safety - COS) - một nhóm chính trị thân Mỹ tại Hawaii. Sau khi thành lập vào năm 1887, COS liên tục quấy nhiễu, âm mưu lật đổ nhà Kalākaua. Lấy lý do cách thức cai trị kiểu phong kiến đã lỗi thời, Lorrin A.Thurston (1858-1931) là người đứng đầu COS kêu gọi cải cách và đảo chính. Ông thành công ép Kalākaua phải bước vào bàn đàm phán, chỉ chấp nhận để Ka’iulani kế thừa vương vị nếu cô “đủ tiêu chuẩn”.
Tháng 1/1893, trong khi Ka’iulani vẫn đang học ở Anh, người dì của cô là nữ hoàng Lili’uokalani bị ép phải thoái vị bởi các ông trùm giàu có đang thống trị nền kinh tế Hawaii, người Anh và Mỹ được hậu thuẫn bởi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Còn Hawaii sẽ phải sáp nhập vào Mỹ.
Trước đó, nữ hoàng Lili’uokalani đã chỉ định Ka’iulani người thừa kế của bà. Lúc này, trách nhiệm với vận mệnh của quốc đảo Hawaii đã thúc đẩy Công chúa Ka’iulani vừa tròn 18 tuổi lên đường tới Mỹ để yêu cầu nước này khôi phục chế độ quân chủ ở quê hương cô.
“Từ New York, Công chúa Ka’iulani trực tiếp đến Washington D.C. Cô là khách mời đặc biệt của Nhà Trắng, được đích thân Tổng thống Grover Cleveland và Đệ nhất phu nhân Mỹ đón tiếp. Chưa có người phụ nữ nào được đích thân Nhà Trắng quan tâm tới vậy”, tác giả Sharon Linnea viết trong cuốn “Princess Ka’iulani: Hope of a Nation, Heart of a People”.
Giới truyền thông, báo chí Mỹ cũng rất quan tâm tới Công chúa Hawaii. Câu chuyện nàng công chúa xinh đẹp tìm tới tận nước Mỹ để vận động độc lập cho Hawaii đã chiếm trang nhất trên nhiều tờ báo phụ nữ thời bấy giờ. Ngay tại Nhà Trắng, “bông hồng Hawaii” tuyên bố: “Tôi chỉ là cô gái bé nhỏ, yếu đuối nhưng tiếng nói của tôi đủ mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền cho đất nước Hawaii. Thậm chí ngay lúc này đây, tôi đã có thể nghe được tiếng khóc đòi độc lập của dân tộc tôi và chính nó đem lại sức mạnh cho tôi”.
Sau khi nghe cô trình bày, Cleveland tỏ rõ thái độ thông cảm, tuyên bố xem xét lại mọi chuyện và khuyên Ka’iulani tạm thời đừng vội về Hawaii. Suốt 5 năm kế tiếp, Ka’iulani kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời từ Nhà trắng. Vì đã mất hoàng vị, cô cũng không còn tài sản hay được cấp tiền bạc, phải sống trong túng thiếu.
Ngày 12/8/1898, Mỹ tuyên bố sát nhập Hawaii, xếp số tiểu bang thứ 50. “Mất ngôi vị đã đủ tệ, bị hạ luôn lá cờ thì còn gì kinh khủng hơn”, Ka’iulani tuyệt vọng và tràn đầy phẫn uất. Cô cùng Lili’uokalani mặc tang phục, biểu tình phản đối. Suốt nửa năm tiếp theo, Ka’iulani kêu gọi và biểu tình đòi hoàng quyền, hoàng vị khắp nơi. Mỹ không quan tâm các hành động của cô, còn Hawaii dần quen với chính phủ mới. Đau đớn và vô vọng khiến Ka’iulani ngày càng kiệt quệ.
Tuy việc đòi độc lập cho Hawaii của công chúa Ka’iulani không thành nhưng những hành động của cô đã khiến cô trở thành một nữ anh hùng trong lòng người dân quê hương cô lúc bấy giờ. Dù chỉ là một cô gái bé nhỏ, Ka’iulani đã dám đứng lên cất tiếng nói vì độc lập và chủ quyền của dân tộc. Tháng 8/1898, Hawaii chính thức sát nhập vào Mỹ, gia đình Ka’iulani lâm vào cảnh khó khăn tài chính. Ngày 6/3/1899, Ka’iulani trút hơi thở cuối cùng trong đau yếu. Cô mới chỉ 23 tuổi, chưa một lần được chạm tới vương miện nữ hoàng và vẫn còn độc thân.
Cái chết của Ka’iulani là một cú sốc nặng nề đối với thân nhân và tất cả những người Hawaii phản đối việc sáp nhập hòn đảo vào Mỹ. Sau đó, hoàng gia Hawaii dần trở thành dĩ vãng và ký ức về Công chúa Ka’iulani cũng ngày càng nhạt phai. Nhưng ngày nay, di sản của Công chúa Ka’iulani đã được khôi phục và cô được tôn vinh là cô gái mạnh mẽ đã có những nỗ lực dũng cảm để bảo vệ nền độc lập của Hawaii.