Giao thương sôi động
Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Hoành Mô - Đồng Văn nằm ở vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp thành phố cảng Phòng Thành (Quảng Tây – Trung Quốc), là cửa ngõ giao lưu, trung chuyển thương mại quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng khu vực miền núi Bắc bộ, vùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ. Lượng người, phương tiện, hàng hóa làm thủ tục xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn rất nhộn nhịp. Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Hoành Mô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh), những năm gần đây, hoạt động giao thương vùng biên tại cửa khẩu ngày càng tăng nhanh về quy mô, đa dạng về hàng hóa, Chỉ trong năm 2014, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu đạt gần 45 triệu USD. Không kể các ngày lễ, tết, mỗi ngày Đồn Biên phòng Hoành Mô làm thủ tục xuất nhập cảnh cho hàng trăm lượt người xuất nhập cảnh với mục đích du lịch, buôn bán, thăm hỏi lẫn nhau.
Theo lãnh đạo Đồn Biên phòng Hoành Mô, kể từ tháng 6/2014, khi Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng KKTCK Hoàng Mô – Đồng Văn trở thành KKT đa ngành, trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng biên giới phía Bắc tỉnh Quảng Ninh, Hoàng Mô – Đồng Văn trở thành đô thị loại V; là cửa ngõ giao lưu khu vực miền núi Bắc bộ, du khách, cư dân hai nước qua cửa khẩu này đã tăng lên mạnh mẽ so với trước đây.
Ông Trần Xuân Hưng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hoành Mô (Cục Hải quan Quảng Ninh) cho biết, hoạt động XNK hàng hóa qua Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn liên tục tăng nhanh theo thời gian. Tổng kim ngạch XNK năm 2013 đạt gần 35 triệu USD, năm 2014 đạt gần 45 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 đạt gần 40 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt trên 105 tỷ đồng và dự kiến thu ngân sách năm 2015 đạt 120 tỷ đồng. Năm 2013 có trên 48 nghìn lượt người xuất nhập cảnh qua biên giới. Năm 2014 có gần 52 nghìn lượt người làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, dự kiến, năm 2015 số lượt người qua biên giới làm ăn sẽ tăng lên tới 60 nghìn lượt người. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu là hàng nông, lâm, thủy hải sản; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vải may mặc, đồ gỗ nội thất…
Để phục vụ nhu cầu cho người dân qua lại biên giới, các DN tham gia XNK qua cửa khẩu được nhanh chóng, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí phát sinh cho DN, Chi cục Hải quan Hoành Mô đã triển khai trực, làm tất cả các ngày lễ, tết để giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy định, đảm bảo tốt cho những chuyến hàng được thông quan nhanh, thuận lợi, góp phần xây dựng KKTCK văn minh, hiện đại, tiến tới xây dựng KKTCK Hoành Mô – Đồng Văn trở thành cửa khẩu quốc tế.
Các lễ hội truyền thống hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. |
Động lực phát triển cho Bình Liêu
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Trưởng BQL Cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn cho biết, Cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn năm 2014 có tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt mức “kỷ lục” trong hoạt động XNK, đạt mức gần 45 triệu USD, bằng 117,39% so với năm 2013. Thu thuế nộp ngân sách đạt trên 105 tỷ đồng, tăng 264% so với năm 2013. Những tín hiệu tích cực hoạt động XNK qua cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn trong năm 2015 nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2014. Tuy nhiên, để đưa KKTCK Hoành Mô – Đồng Văn trở thành động lực phát triển cho Bình Liêu trong điều kiện khu vực Cửa khẩu Hoành Mô được xây dựng từ lâu, nay trở nên nhỏ hẹp, chưa đáp ứng hết nhu cầu tập kết hàng hóa; các dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, hệ thống đường giao thông nhỏ, hẹp cần được đầu tư nâng cấp KKTCK này.
Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, trên cơ sở quy hoạch tổng thể Hoành Mô – Đồng Văn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Liêu sẽ thu hút đầu tư xây dựng KKTCK Hoành Mô đảm bảo hiện đại. Trước mắt Bình Liêu sẽ đầu tư mở rộng 2 khu bến bãi để đáp ứng nhu cầu XNK hàng hoá. Phối hợp cùng Trung Quốc nâng cấp cầu tràn giữa hai quốc gia để khắc phục tình trạng cứ mưa là cầu tràn ngập, đáp ứng được nhu cầu giao thương hàng hóa trong mọi điều kiện thời tiết. Cùng với đó là nâng cấp trụ sở các cơ quan ở cửa khẩu, mở rộng hệ thống giao thông trong KKTCK.
Để KKTCK Hoành Mô – Đồng Văn phát huy lợi thế, thúc đẩy hoạt động XNK, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của Bình Liêu nói riêng, Quảng Ninh nói chung, ông Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư được Chính phủ phê duyệt, các Trung tâm thương mại, phi thuế quan, dịch vụ XNK, khu logistic..., tại KKTCK cũng được tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu đầu tư xây dựng đồng bộ, kết nối với các trục giao thông đường 18C, đường Hoành Mô với Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đường Đồng Văn – Khe Tiền, đường Lục Hồn – Đồng Tâm – Hoành Mô để tiến tới hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh từ KKT tới huyện Hải Hà, tới đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái, quốc lộ 18A nhằm phá vỡ thế khép kín về địa lý của Bình Liêu với các địa phương khác.
KKTCK Hoành Mô cũng được quy hoạch khu du lịch sinh thái rộng gần 100ha kết hợp với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp trên cơ sở giữ nguyên cấu trúc dân cư làng, bản gắn với khu vực bảo tồn cảnh quan tự nhiên, vùng vành đai biên giới nhằm từng bước đưa Bình Liêu, huyện miền núi, biên giới, phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc với 96% đồng bảo dân tộc thiểu số có các lễ hội truyền thống như: lễ hội Soóng Cọ, lễ hội đình Lục Nà, ngày hội Kiêng gió, các chợ phiên, các cảnh quan thiên nhiên như thác Khe Vằn, đỉnh Cao Ba Lanh được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, từng bước đưa ngành du lịch đóng góp vảo khoảng 30% GDP của địa phương.