Công dân học tập - Mô hình giáo dục thời kinh tế số

Mỗi người phải không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong xã hội mới.
Mỗi người phải không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong xã hội mới.
(PLVN) - Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, do đó mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức, năng lực cần thiết để đáp ứng được sự đòi hỏi, yêu cầu của công việc và của xã hội trong tình hình mới. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình “Công dân học tập” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Yêu cầu cấp thiết nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp đến lực lượng lao động ở tất cả các lĩnh vực, nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo các tiêu chí cụ thể của “Công dân học tập” – là con người với những năng lực và phẩm chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số thì Việt Nam chúng ta sẽ bị tụt hậu xa hơn về mọi mặt vì nguồn nhân lực này chủ yếu do hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, các trường nghề đảm nhiệm.

Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực của đất nước, lực lượng lao động đang tham gia vào thị trường lao động còn yếu về chất lượng, thiếu kỹ năng làm việc và tác phong lao động công nghiệp.

GS.TS Nguyễn Thị Doan dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2019  đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm. Đến nay, lực lượng lao động của chúng ta khoảng 55,16 triệu người, chiếm khoảng 59% dân số, song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động của cả nước, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo. Kỹ năng mềm của lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo.

Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 55,63% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ sơ cấp, phổ thông các cấp, 75% lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều, từ quản lý vĩ mô đến quản lý vi mô, song với trách nhiệm của mình, ta cần tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên vì trách nhiệm của các trường đại học và trường nghề là đào tạo nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước phù hợp với mỗi giai đoạn.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng đặt ra vấn đề cần đổi mới nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chí “Công dân học tập”. Theo đó, trước tiên cần thống nhất nhận thức là buộc phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu nền kinh tế số, phát triển dựa vào tri thức và bằng tri thức theo tiêu chí “Công dân học tập” tiếp cận dần theo tiêu chí “Công dân toàn cầu”. Đó là các công dân cần có đầy đủ 2 tiêu chí về năng lực và phẩm chất.

Về năng lực cần có nhóm năng lực cá nhân (kỹ năng mềm), nhóm năng lực sử dụng các công cụ phục vụ quá trình lao động của bản thân, nhóm năng lực chuyên môn vượt trội đối với đồng nghiệp trong đơn vị, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao và nhóm năng lực thực hiện và giải quyết các quan hệ xã hội.

Về phẩm chất cần có đạo đức trong sáng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; đoàn kết, nhân ái, chia sẻ; có tinh thần hợp tác trong công việc. Đây cũng chính là những năng lực và phẩm chất cần có của “Công dân học tập” thời kỳ Cách mạng 4.0 mà mỗi thành viên của nguồn nhân lực chất lượng cao cần có.

Thay đổi quan niệm giáo dục thường xuyên là chất lượng thấp

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, từ thực tế trên cho thấy yêu cầu ngày càng bức thiết trong việc xây dựng xã hội học tập với hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông với môi trường bên ngoài, tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người.

Hệ thống giáo dục học tập suốt đời phải mở về không gian, đối tượng, tài nguyên giáo dục và cơ hội học tập. Trong đó giáo dục đại học có nhiệm vụ quan trọng là tạo cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, tạo điều kiện và sẵn sàng cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên theo mọi nhu cầu của xã hội. 

Trao đổi tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Muốn thích ứng, tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng 4.0 cần phải có một đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia và quan trọng hơn là phải có những người dân nắm bắt được tri thức khoa học, công nghệ. Chúng ta cần có những phong trào bình dân học vụ 2.0 để “xoá mù công nghệ” thì mới có thể nắm bắt được cuộc cách mạng công nghệ hiện nay cũng như trong tương lai.

Giáo dục đại học đã có sự thay đổi có tính lịch sử đó là các trường đại học đã tự chủ hoàn toàn, là xu thế tất yếu. Các trường không chỉ thi đua vươn lên khẳng định uy tín, mà còn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học để thực hiện sứ mệnh “trường đại học không chỉ là nơi truyền thụ tri thức mà còn làm ra tri thức mới”.

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được nâng lên liên tục nhờ các công bố quốc tế với 85% từ các trường đại học, trong đó có những trường lâu năm như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội và cả những trường rất mới như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân.

Tuy nhiên, sự đổi mới trong giáo dục thường xuyên, phải nhìn nhận thẳng thắn, chưa được mạnh mẽ như giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và cần sự chỉ đạo tập trung quyết liệt hơn. “Chúng ta phải thay đổi suy nghĩ giáo dục thường xuyên kém hơn rất nhiều so với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học”.

Muốn vậy chúng ta cần tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, phát huy sáng tạo của giáo viên, học sinh, từ đó hình thành thói quen học tập suốt đời. Đồng thời, hệ thống giáo dục thường xuyên phải thay đổi, không chỉ là nơi bổ túc văn hoá phổ thông mà có thể đáp ứng được nhu cầu những người muốn học ở trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học và nhất định phải gắn với chất lượng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn sau hội thảo, Bộ GD&ĐT phối hợp Hội Khuyến học, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, một số trường ĐH thực hiện thí điểm cơ chế gắn kết với hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, học tập cộng đồng tại một số địa phương để thay đổi quan niệm “giáo dục thường xuyên là trình độ thấp, chất lượng kém” thành chất lượng cao từ bậc học thấp đến đại học.

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.