Gian nan “gieo chữ” vùng cao
Theo chân thầy giáo Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học Nà Khoa, chúng tôi có mặt tại điểm trường bản Nậm Pồ Con. Đường vào Nậm Pồ Con chỉ toàn là đường đất với đầy những “ổ trâu, ổ voi” nên phải mất hơn một giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được chừng 15km để đến được với điểm trường.
Vừa giới thiệu “cơ ngơi” của điểm trường, thầy Khoa vừa chia sẻ: “Mùa hè, trời nắng đi tuy có vất vả nhưng vẫn còn đỡ, chứ mùa mưa thì khó đi lắm, đường đất đồi gặp mưa vừa trơn lại vừa dính, các nhà báo không quen đường thì không thể đi xe vào đây được đâu”.
Tìm hiểu được biết, do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ nên cơ sở vật chất ở điểm trường bản Nậm Pồ Con còn rất nhiều khó khăn. Những gian phòng học chật hẹp được dựng ngay trên nền đất bằng cách ghép các miếng ván gỗ lại với nhau; bàn ghế bằng gỗ cũng đã cũ và khá ọp ẹp.
Thầy giáo Tẩn Chí Lầu, giáo viên công tác tại điểm trường bản Nậm Pồ Con cho biết thêm: “Về mùa đông, thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm. Nhiệt độ thấp, nhiều khi gió lùa qua vách gỗ làm cho cả thầy và trò lạnh thấu xương!”.
Có đến tận nơi, có được nghe những tâm sự của các thầy, cô giáo cắm bản ở đây mới thực sự đồng cảm và chia sẻ phần nào những khó khăn, vất vả mà họ đang phải vượt qua để mang được cái chữ đến với đồng bào vùng cao. Hơn 50 em tại 4 lớp thuộc điểm trường Nậm Pồ Con đều là con em đồng bào dân tộc Mông. '
Cách đây mấy năm, do đời sống khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế nên cái chữ không được bà con coi trọng, hiện tượng các em học sinh bỏ lớp theo cha mẹ lên nương trồng ngô, trồng sắn còn khá phổ biến. Vậy là các thầy, cô giáo lại lặn lội vượt núi, băng đồi đến từng nhà trong bản để trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân rồi động viên phụ huynh tạo điều kiện cho các em đến lớp.
“Cõng chữ lên non” là cách nhiều người vẫn nói về công việc của các thầy cô giáo ở Nà Khoa. Không chỉ có điểm bản Nậm Pồ Con mà tại các điểm trường khác của Nà Khoa cũng gặp khá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vất vả là vậy song những giáo viên nơi đây vẫn miệt mài “ươm con chữ” với mong muốn bình dị nhưng cũng đầy ý nghĩa: để cuộc đời các em đỡ vất vả!
Bởi theo các thầy giáo, cô giáo nhiều năm gắn bó cùng Nà Khoa, không có cái chữ vừa khiến cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây bị hạn chế, đồng thời cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khác như sinh nhiều con, tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ…
Vậy nên, cách tốt nhất là giúp các em học cái chữ, biết đến tiến bộ khoa học để sau này cùng cán bộ địa phương đẩy lùi cái đói, cái nghèo - thầy Tẩn Chí Lầu chia sẻ thêm với chúng tôi.
Gian nan "gieo chữ" ở Nậm Pồ |
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới câu thơ đầy hình ảnh của nhà thơ Chế Lan Viên. Tình yêu ở đây, chính là tình yêu “con chữ”, tình yêu các em học sinh người dân tộc Mông và tình yêu đôi lứa của các thầy, cô giáo nơi đây. Nỗ lực vượt lên gian khó, vất vả, thiếu thốn, cùng gặp nhau ở tình yêu nghề, yêu trẻ và sự đồng cảm, sẻ chia, có không ít thầy, cô giáo đã nên duyên vợ chồng dưới mái trường PTDT Bán trú Tiểu học Nà Khoa, và Nà Khoa đã trở thành quê hương thứ hai của họ.
Trong cuộc trò chuyện ngắn cùng thầy Trần Đăng Khoa, có lẽ câu chuyện về tình yêu của thầy giáo Triệu Chí Hoan và cô giáo Bùi Bích Thị ở điểm trường Nậm Chẩn để lại nhiều ấn tượng nhất. Mỗi người đến từ một miền quê khác nhau, vợ ở Kim Bôi (Hòa Bình), chồng ở Hà Tây nhưng không hẹn mà gặp, họ đã thành vợ, thành chồng ngay trên chính mảnh đất Nà Khoa vốn nhiều gian khó.
Hơn 5 năm tình nguyện bám trụ ở điểm trường Nậm Chẩn để “gieo chữ”, thầy giáo Triệu Chí Hoan chia sẻ: “Xa nhà lại công tác tại vùng cao, biết là còn không ít khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên nhau gắng sức vượt lên. Vợ chồng tôi đã quyết tâm sẽ cùng nhau gắn bó lâu dài cùng các em học sinh nơi đây”.
Hạnh phúc đã mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ khi gia đình nhỏ của họ mới chào đón thêm thành viên mới.
Hàng ngày, niềm vui lớn nhất của vợ chồng thầy giáo Hoan là cùng nhau dạy dỗ, chăm sóc những học sinh của mình. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà gỗ nhỏ chỉ rộng chừng hơn 10 m2, anh Hoan vui vẻ cho biết: “Căn nhà này là do phụ huynh học sinh trong bản dựng giúp vợ chồng tôi đấy. Ở đây tuy khó khăn song người dân luôn yêu thương, đùm bọc thầy cô giáo. Vậy nên Nà Khoa đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của vợ chồng tôi cũng như các thầy cô giáo ở Nà Khoa”.
Miệt mài “gieo chữ” nơi vùng cao gian khó, những thầy giáo, cô giáo ở Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nà Khoa nói riêng và ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên nói chung thực sự như những “bông hoa” đang tỏa hương thơm giữa đất trời Tây Bắc.
Dẫu biết hành trình “gieo chữ” phía trước còn không ít khó khăn, vất vả song nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề, yêu trẻ sẽ là những hành trang quan trọng giúp họ tiếp tục sự nghiệp “cõng chữ lên non”, góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước vượt qua đói nghèo, lam lũ, hướng tới cuộc sống ngày thêm no ấm, hạnh phúc./.