“Đầu gấu” ép công nhân nghỉ việc?
Quan sát của phóng viên tại nhà máy cho thấy toàn bộ dây chuyền hiện đại đầu tư hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp này đang nằm bất động chờ người vận hành. Khu vực chính của nhà máy - nơi làm việc của hơn 100 công nhân nay lặng yên không một bóng người qua lại.
Theo lãnh đạo Cty CP Phú Thịnh Phát, cứ một ngày nhà máy ngưng hoạt động, doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhưng cho đến giờ này, tức sau 10 ngày ngừng sản xuất, nhà máy gạch nói trên vẫn chưa thể hoạt động trở lại do công nhân không chịu tới làm việc.
Trong đơn thư gửi Báo PLVN, ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Cty CP Phú Thịnh Phát thuật lại: “Trưa 18/5, bỗng xuất hiện một nhóm khoảng 5, 6 người lạ mặt, xăm trổ, bặm trợn xông vào các phân xưởng gây sự. Đến sáng 19/5 khi chuẩn bị họp HĐQT thì được thông báo hệ thống lò sản xuất đã bị tắt, công nhân các phân xưởng nghỉ việc không đi làm, gọi điện cho Quản đốc phân xưởng và Tổ trưởng liên quan đến hoạt động lò nung sấy nhưng không ai nghe máy”.
Theo lãnh đạo Cty này, có thể nhóm côn đồ nói trên đã có hành vi đe dọa đối với công nhân khiến họ đồng loạt bỏ việc không có lý do? Được biết, trong cùng thời gian này, khi Cty đang chấn chỉnh lại hoạt động quản lý sản xuất thì bỗng dưng xuất hiện rất nhiều khách hàng đến đòi nợ. Họ yêu cầu được xuất hàng chục xe gạch ra khỏi Cty trong khi giấy tờ thể hiện chuyện nợ nần không rõ ràng.
Trao đổi với PLVN, một cán bộ đề nghị giấu tên cho biết thêm: “Trưa 18/5, có 2 thanh niên đi xe máy lao vào công trường, sau đó xuống khu vực nhà ăn gây sự với một cán bộ Cty. Tôi đi theo để hỏi có vấn đề gì có thể bình tĩnh nói chuyện thì 2 vị ấy nói là “tại sao không cho xuất hàng? Thằng nào không cho xuất hàng, tao đập chết”. Cũng theo cán bộ này, tới chiều toàn bộ phiếu xuất nhập dù không hợp lệ nhưng những cán bộ làm nhiệm vụ giám sát vẫn bị nhóm côn đồ này đe dọa phải xuất hàng.
Được biết, Cty CP Phú Thịnh Phát được UBND tỉnh Hải Dương giao đất xây dựng Nhà máy sản xuất gạch tại xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh. Cty hoạt động theo hình thức cổ phần với sự góp vốn của 4 thành viên gồm: ông Phạm Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Việt Dũng, ông Trần Đình Tiến và ông Trần Đình Tuấn (được giao làm Giám đốc điều hành).
Với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, tháng 6/2014 nhà máy này chính thức đi vào hoạt động. Nhưng theo ông Việt, trong thời gian gần một năm nay, Cty xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quản lý, điều hành. Giám đốc điều hành không báo cáo thu, chi tài chính tại nhà máy theo Luật Doanh nghiệp; không báo cáo lãnh đạo Cty và HĐQT rõ ràng, cụ thể.
Khi các thành viên thực hiện kiểm kê để quyết toán vốn đầu tư tại Cty cũng bị cản trở, các tài liệu và bản gốc tài chính lưu trữ tại nhà máy bị mang ra khỏi Cty. Thậm chí, một số cán bộ chủ chốt được HĐQT duyệt, Chủ tịch HĐQT ký quyết định đến làm việc tại Cty đều bị phía điều hành không chấp nhận. Đến khi HĐQT họp để chấn chỉnh kế hoạch quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh thì xảy ra sự việc nói trên.
“Sự việc này là hành động phá hoại Cty gây thiệt hại lớn về tài chính, doanh số bán hàng không có, chi phí khôi phục sản xuất rất tốn kém, việc tuyển dụng lao động cũng phải chuẩn bị từ đầu. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến việc phá hoại tài sản, thất thoát tài chính của doanh nghiệp để Cty sớm ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các cổ đông góp vốn”- ông Việt đề nghị.