Tuy nhiên, con đường của họ không hề dễ dàng. Những định kiến xã hội, rào cản pháp lý dẫn đến tình trạng nhiều yakuza quay trở lại con đường tội phạm.
Rất nhiều mafia muốn được hoàn lương
Từng là một mafia đứng trong hàng ngũ cấp cao của băng đảng xã hội đen Kudo-kai - tổ chức yakuza được mệnh danh bạo lực nhất xứ hoa anh đào, nhưng giờ đây Takashi Nakamoto lại hoàn lương và trở thành một đầu bếp nấu mì udon nhanh nhẹn và khéo léo.
Năm 2015, ông Nakamoto suy nghĩ về tương lai khi đang thụ án tù, ông đã mất niềm tin vào tổ chức và tương lai của nó. Ông hiểu rằng đã đến lúc phải rời đi. “Tôi sẵn sàng làm mọi thứ và chết vì tổ chức của mình. Giờ đây, tôi chỉ chuyển mục tiêu đó vào cuộc sống và làm việc trong xã hội bình thường”, Nakamoto (55 tuổi) chia sẻ. Nhà hàng mì udon của ông tọa lạc tại Kitakyushu, thành phố ở miền nam Nhật Bản, cũng là quê hương của Kudo-kai.
Nhưng để sống bình thường không hề đơn giản với các cựu yakuza, những người phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và rào cản pháp lý. Chính phủ đưa ra một số chương trình hỗ trợ tài chính cho thành viên yakuza đổi nghề, nhưng nhiều cánh cửa vẫn đóng chặt.
(hình minh họa). |
20 năm trước, các thành viên Kudo-kai lao xe vào một quán trà ở Kitakyushu nhằm trả thù người chủ là Toshiyuki Tsuji vì đã tranh mua một tòa nhà mà Kudo-kai muốn sở hữu. Vì vậy, khi ông Nakamoto muốn mở nhà hàng ở khu mua sắm Tsuji trong khi vẫn đang chịu hạn chế 5 năm, khó khăn càng lớn hơn.
Ông Nakamoto đã phải tự mình xây dựng mối quan hệ cá nhân với những người bán khác, kể lại cho họ nghe về quá khứ yakuza, tham gia nhặt rác trên đường phố, tình nguyện tham gia các sự kiện và lễ hội của khu mua sắm. “Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu bạn chỉ ngồi không đợi qua 5 năm. Không thể cứ đợi người ta chìa tay ra giúp mình, ta cần phải là người chìa tay ra trước”, ông nói.
Tsuji rất ấn tượng với Nakamoto. Với tư cách là người đứng đầu khu mua sắm, Tsuji đã chấp nhận yêu cầu được mở nhà hàng mì udon của Nakamoto. “Dù có là cựu yakuza nhưng khi đến với tôi, tôi sẽ trò chuyện, nhìn thẳng vào mắt họ để xem họ có thực sự muốn bắt đầu lại không, đánh giá họ nghiêm túc thế nào. Ai cũng xứng được hưởng quyền tự do cơ bản để lao động”, ông Tsuji nói
Vào một ngày trong đầu tuần tháng 10, lượng khách tới ăn trưa ở nhà hàng 13 chỗ ngồi của Nakamota đã ổn định. Nhà hàng nằm trong một con hẻm giữa tiệm cắt tóc và giặt là. Ông vẫn tình nguyện tham gia các lễ hội và dọn dẹp đường phố dù không ai yêu cầu. Chiếc sơ mi đen dài tay che đi hình xăm trên cơ thể Nakamoto nhưng ông không che giấu quá khứ. Một bài báo kể về câu chuyện của ông đóng khung trên tường. Trong phòng vệ sinh là những cuốn truyện tranh Nhật Bản về một ông trùm yakuza thay đổi, trở thành ông chồng nội trợ.
Cũng tương tự như vậy, câu chuyện của ông Tatsuya Shindo từng là một yakuza khét tiếng, nhưng giờ đây đã hoàn lương và trở thành linh mục. Mỗi cuối tuần, ông bước lên bục giảng kinh, tay giơ cao, đầu gật gật và bắt đầu giảng say sưa như thể được tiếp sức bởi một nguồn năng lượng từ trên cao.
Ông rất hay cười, kể cả khi ông chia sẻ với nhóm giáo dân gồm khoảng 100 người của mình về những chuyện trong quá khứ. Giống như một số người khác trong nhóm giáo dân, vị linh mục này cũng từng trở thành xã hội đen từ năm 17 tuổi. “Hồi đó tôi chỉ là một cậu bé chưa trải sự đời. Tôi ngưỡng mộ các thành viên yakuza vì vẻ ngoài của họ. Họ lắm tiền và xài sang. Trong mắt tôi họ mới ngầu làm sao. Nhưng khi đã lún sâu vào thế giới giang hồ, tôi mới nhận ra rằng cái giá để thuộc về nơi này thường phải trả bằng máu. Nếu như trước đây chúng ta là kẻ thù của nhau trong giới giang hồ, sẵn sàng nổ súng vào nhau. Nay chúng ta cùng tôn sùng Chúa”, ông nói.
Từ một yakuza khét tiếng một thời, Shindo trở thành linh mục giảng đạo cho mọi người. |
Shindo mang nhiều vết sẹo trên người. Ngực và tay ông đầy những hình xăm khó hiểu luôn thấy ở các thành viên băng đảng ở Nhật. Ông từng nghiện ma túy. Lần đó, ông lái xe khi đang phê thuốc và đâm vào xe ông chủ. Ông cho xem ngón tay út đã bị cắt mất một đốt như một hình thức tự phạt để chuộc lỗi trong giới yakuza.
Hay câu chuyện hoàn lương của anh Ryuichi Baba từng có 20 năm gắn với giới mafia khi là thành viên của nhóm xã hội đen lên tới 60 người và người đàn ông này chỉ mới thoát khỏi cuộc đời tội lỗi ấy 7 năm trước. Bây giờ, Baba là thành viên của công ty diễn xuất Takakura-gumi. Baba và các thành viên khác trong nhóm diễn xuất Takakura-Gumi cảm thấy được tái sinh và không ai trong số họ tự hào quá khứ đen tối của mình.
Theo Baba, anh cố gắng chạy trốn khỏi yakuza vài lần, nhưng bị truy đuổi và phải chịu sự trừng phạt. Mặc dù vậy, Baba vẫn hi vọng rời khỏi yakuza. Người đàn ông này tự học các kỹ năng máy tính một cách bí mật, đăng các clip xăm hình lên Youtube và thu hút mọi người. Thế giới ảo trở thành nơi cho anh ta ẩn náu và quen người vợ tương lai tên là Mika. Khi Baba còn ở trong yakuza, anh tránh gặp Mika vì sợ gây nguy hiểm cho cô. Họ chỉ gặp nhau sau khi anh thoát khỏi cuộc đời tội phạm.
Mong muốn một cuộc sống bình thường
Trong nhiều năm, yakuza hoạt động công khai và hoành hành khắp nơi. Từ năm 2000 - 2011, một loạt các quy định được đưa ra khiến các băng đảng khó tồn tại hơn khi việc tuyển thành viên, trả tiền hay chia sẻ lợi nhuận kiếm được đều là bất hợp pháp. Các thành viên yakuza không thể mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, mua bảo hiểm hay điện thoại được nữa, biện pháp này nhằm “cô lập yakuza khỏi xã hội”.
Rất nhiều mafia đang trên con đường trở thành người bình thường, nhưng không hề dễ dàng. Điển hình là câu chuyện của ông Motohisa Nakamizo, người rời Kudo-kai năm 2011 khi thủ lĩnh nghỉ hưu, quyết định vào làm trong công ty bất động sản của bố mẹ. Đây là công việc hợp pháp đầu tiên mà Nakamizo làm sau 30 năm quản lý đường dây ma túy của Kudo-kai. Nhưng rất ít cựu thành viên yakuza có cơ hội như vậy.
Chính quyền địa phương cấm họ mở tài khoản ngân hàng hay ký hợp đồng thuê mướn trong ít nhất 5 năm sau khi rời tổ chức. Ngoài ra, số lượng cựu thành viên yakuza đăng ký rời tổ chức với cảnh sát, chỉ 3% người hoàn lương từ năm 2010 tới 2018 là tìm được việc làm. Một số người không tìm được việc lại quay về chốn cũ, một số khác gia nhập các băng đảng mới.
Cựu yakuza trở thành diễn viên đóng các vai giang hồ. |
“Khi ra tù hoặc rời bỏ một tổ chức yakuza, bạn phải nghĩ rằng 5 năm đầu tiên sẽ không giống người khác. Người ta thường nói là bắt đầu từ con số 0, nhưng chúng tôi thì bắt đầu từ con số âm”, Nakamizo (56 tuổi) ngồi trong văn phòng ở Hakata, thành phố gần Kitakyushu nói.
Theo một chương trình của Bộ Tư pháp Nhật, Nakamizo tuyển các cựu thành viên yakuza vào công ty bất động sản của mình. Nhưng chỉ 10% số này vượt qua được 5 năm đầu tiên. Những người còn lại thường quay về nghề cũ. “Tôi ước cả xã hội sẽ không còn định kiến với họ, trao cho họ cơ hội làm lại. Nếu không, họ sẽ chẳng còn nơi nào để đi và tiếp tục sai đường”, ông chia sẻ.
Nhiều người đối mặt với khoảng cách học vấn khó vượt qua. Ryuichi Komura rời Yamaguchi-gyumi năm 38 tuổi, nhưng mới chỉ tốt nghiệp cấp hai, từng thụ án 4 năm tù. “Tôi muốn thay đổi cuộc đời” Komura nói. Nhưng cơ hội tìm được việc làm ổn định rất thấp. Ông hứng thú với pháp luật nhưng không thể trở thành luật sư do từng làm yakuza. Do đó, Komura quyết định tham gia cuộc thi lấy chứng chỉ trợ lý luật sư. Ông mất 8 năm học tập và 7 lần mới thi đỗ, khi đã 46 tuổi. “Mọi thứ vẫn vô cùng khó khăn, nhưng chỉ cần nỗ lực và kiên trì, tôi tin là mình sẽ làm được”, Komura nói.