Ám sát ông trùm Ryoichi Sugiura
Yamaguchi-gumi và Sumiyoshi-kai chính là 2 băng nhóm lớn nhất trong “gia đình” yakuza tại Nhật Bản. Trong đó, băng Yamaguchi-gumi có khoảng 25.000 thành viên còn Sumiyoshi-kai chiêu mộ được khoảng 10.000 người. Nêu ra con số như vậy để thấy được rằng sẽ không quá nếu nói một cuộc chiến giữa 2 băng nhóm này có thể tàn phá cả 1 thành phố.
Vào ngày 5/2/2007, nỗi lo sợ này đã suýt trở thành hiện thực, khoảng 10h sáng ngày hôm đó, 2 người đàn ông đội mũ bảo hiểm đã áp sát chiếc limo chở “Giám đốc” Ryoichi Sugiura (thành viên cấp cao trong băng Sumiyoshi-kai) và xả đạn vào người này qua lớp cửa kính. Tổng cộng, Sugiura đã bị bắn trúng 3 phát đạn và gục xuống ngay tại hiện trường.
Các nguồn tin sau đó cho hay, 2 người đàn ông đã gây ra vụ việc là thành viên của một băng có tên Kokusui-kai - một tổ chức “con” của Yamaguchi-gumi. Động cơ đằng sau vụ giết người được xác định là do tranh chấp lãnh địa.
Tại thời điểm bị sát hại, Sugiura đang đàm phán về tranh chấp quận Roppongi ở trung tâm Tokyo giữa Sumiyoshi-kai và Kokusui-kai. Roppongi vốn là lãnh địa của Yamaguchi-gumi nhưng đã rơi vào tay Sumiyoshi-kai sau các trận tranh đấu liên miên vào đầu những năm 1990. Đến giữa những năm 2000, Yamaguchi-gumi muốn giành lại địa bàn này và tuyên bố sẵn sàng gây án để lấy lại Roppongi.
Trước và trong ngày Sugiura bị sát hại, những thành viên của Sumiyoshi-kai đã nã đạn vào một văn phòng của Yamaguchi-gumi và 2 địa điểm khác thuộc sở hữu của các băng nhóm có liên kết với băng này, khiến cảnh sát Nhật vô cùng lo sợ về khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh băng nhóm tại Tokyo, đặc biệt là trong bối cảnh quận Roppongi vốn là nơi có nhiều đại sứ quán, trường đại học, câu lạc bộ đêm...
Để ngăn chặn nguy cơ này, cảnh sát đã tăng cường trấn áp, dập tắt các nỗ lực trả thù của các băng nhóm yakuza trước khi tình hình trở nên quá nghiêm trọng. May mắn là tình hình dần đã yên ắng trở lại.
Vụ sát hại Thị trưởng Nagasaki
Ngày 17/4/2007, Thị trưởng Nagasaki Iccho Itoh tổ chức vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 ở một địa điểm ở ven Nagasaki. Khoảng 19h50, khi về đến gần văn phòng của mình, ông Itoh đã bị một người đàn ông đợi sẵn ở gần đó bắn liền 2 phát đạn vào lưng. Ngay sau đó, ông được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch và qua đời vào cùng ngày.
Thị trưởng Nagasaki Iccho Itoh, |
Cảnh sát cũng đã bắt được kẻ tấn công ông Itoh ngay sau đó, tên này được xác định là Tetsuya Shiroo (59 tuổi), một thành viên cao cấp của một băng nhóm trực thuộc băng Yamaguchi-gumi. Về động cơ gây án, ban đầu Shiroo khai nhận gây án vì tư thù cá nhân.
Cụ thể, Shiroo đã nuôi mối thù với giới chức thành phố vì chiếc xe của hắn bị hư hại nghiêm trọng khi hắn lao xuống một cái hố ở một công trường tại Nagasaki nhưng lại không được bồi thường thiệt hại. Theo lời đối tượng, việc sát hại ông Itoh là để trả đũa việc này.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thực chất vụ việc là do Keinichi Shinoda (ông trùm băng Yamaguchi) khi đó đang ngồi tù về tội tàng trữ vũ khí đã chỉ thị để trả đũa việc Thị trưởng Itoh ngăn cản Yamaguchi giành các hợp đồng thi công nhiều công trình trị giá hàng trăm triệu USD tại thành phố Nagasaki.
Giết nhà làm phim vì bị nhạo báng
Juzo Itami là một trong những nhà làm phim nổi tiếng của Nhật Bản. Ông khởi nghiệp với vai trò diễn viên vào năm 1960 trước khi lui về phía sau ống kính với vai trò đạo diễn vào năm 1984.
Ở cương vị mới, ông Itami cũng nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt là ở mảng nội dung châm biếm. Những bộ phim của ông được nhiều người yêu thích vì sự tinh tế, sâu sắc mà vẫn giữ được tính vui nhộn.
Bước ngoặt trong không chỉ sự nghiệp mà cả cuộc đời của nhà làm phim này diễn ra vào năm 1992, với tác phẩm Minbo - một bộ phim có nội dung đả kích yakuza.
Trong bộ phim này, những tay gangster được mô tả như kẻ ăn vận bảnh bao nhưng lại là những tên ngốc, hay càu nhàu thường xuyên bắt nạt người khác. Vào cuối phim, những kẻ này bị một nữ luật sư (do chính vợ của ông Itami thủ vai) chơi 1 vố vô cùng đau đớn, khiến chúng bẽ mặt.
Juzo Itami |
Dĩ nhiên, yakuza vô cùng khó chịu nhưng không ai có thể ngờ chúng có thể trả đũa tàn độc như vậy. Ngày 22/5/1992, đạo diễn Itami bị 5 thành viên rạch mặt và vai, tạo thành những vết sẹo lớn trên cơ thể ông. Tuy nhiên, vị đạo diễn vẫn giữ được mạng sống dù vợ ông cho rằng yakuza hoàn toàn có thể giết chết ông nếu chúng muốn.
Nhưng, vào ngày 20/12/1997, vị đạo diễn 64 tuổi được phát hiện đã nhảy từ tầng 8 của tòa nhà mà ông đang làm việc và sinh sống xuống đất và tử vong.
Vụ việc được cho là một vụ tự tử vì nó diễn ra khi một tạp chí tuyên bố sẽ đăng tải thông tin về chuyện ngoại tình của ông với một diễn viên trẻ. Trong một bức thư được tìm thấy trong phòng làm việc của vị đạo diễn, ông bác bỏ việc ngoại tình và có nói rằng sẽ tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình.
Mặc dù vậy nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về sự thật trong vụ án. Cây viết người Mỹ Jake Adelstein sau nhiều năm tìm hiểu đã xuất bản một cuốn sách, trong đó có dẫn một nguồn tin nói rằng cái chết của Itami thực ra là do một trùm yakuza tên Tadamasa Goto.
Theo thông tin của Adelstein, vào ngày Itami được phát hiện tử vong, Goto và một tay sai của hắn đã tới nhà vị đạo diễn và dùng súng khống chế buộc ông lên tầng thượng.
Tại đây, chúng nói với ông rằng nếu nhảy xuống, ông sẽ có cơ hội sống sót nhưng chắc chắn sẽ mất mạng nếu bị trúng đạn vào đầu. Do đó, Itami đã nhảy xuống trong khi những tên yakuza hoàn toàn không bị liên đới trong vụ việc. Nhưng, thông tin mà Adelstein đưa ra cho đến nay chưa từng được xác nhận.
Cuộc chiến đẫm máu Yama-Ichi
Nói đến yakuza không thể không nói đến những cuộc thanh trừng đẫm máu giữa các nhóm đối địch và một trong những cuộc chiến tranh tồi tệ nhất giữa các băng nhóm yakuza từng được ghi nhận xảy ra ở khu vực Kansai trong giai đoạn 1985-1989.
Cuộc chiến này có nguồn gốc sâu xa từ cái chết của thủ lĩnh thứ 3 của băng Yamaguchi-gumi tên Kazuo Taoka. Dưới thời Taoka, Yamaguchi-gumi đã phát triển nhanh chóng và trở thành băng nhóm lớn nhất, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong các nhóm yakuza tại Nhật Bản.
Sau khi Taoka qua đời vì lý do tự nhiên vào ngày 23/7/1981, nhân vật số 2 của băng này là Kenichi Yamamoto lẽ ra sẽ tiếp quản quyền lực nhưng ở thời điểm đó Yamamoto lại đang ngồi tù. Những thành viên cộm cán của Yamaguchi-gumi quyết định sẽ chờ Yamamoto ra tù nhưng ngày 4/2/1982, tên này cũng tử vong vì bị suy gan. Hai cái chết này đã khiến băng nhóm yakuza lâm vào cảnh “rắn mất đầu” và tạo khoảng trống quyền lực nghiêm trọng trong nội bộ bang.
Giải pháp tạm thời được Yamaguchi-gumi đưa ra lúc đó là bầu Masahisa Takenaka lên làm thủ lĩnh. Song, quyết định này đã khiến một nhân vật cấp cao khác của bang tên Hiroshi Yamamoto không hài lòng.
Yamamoto vì vậy đã tách riêng ra, lập một nhóm mới có tên Ichiwa-kai. Ngày 26/1/2985, theo chỉ đạo của Yamamoto, Ichiwa-kai lập một nhóm sát thủ và nã đạn vào Takenaka cùng 2 nhân vật cấp cao khác của Yamaguchi-gumi khi chúng đang ở trong thang máy.
Yamaguchi-gumi sau đó quyết tâm trả thù, kéo theo cuộc chiến kéo dài suốt 4 năm giữa 2 băng nhóm. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức một tờ báo của Nhật khi đó đã bắt đầu lập bảng điểm số hàng ngày trêm trang nhất, trong đó có liệt kê những trường hợp tử vong và bị thương nặng trong cuộc chiến băng nhóm này.
Tổng cộng, 36 người đã thiệt mạng và nhiều khác bị thương. Cuối cùng, Yamaguchi-gumi đã chiến thắng. Sau cuộc chiến này, Yoshinori Watanabe được bầu làm lãnh đạo của Yamaguchi-gumi. Dưới thời ông trùm này, Yamaguchi-gumi đã lớn mạnh đến mức chưa từng có và vẫn đang là băng nhóm lớn nhất trong thế giới tội phạm có tổ chức.