Hồ nghi niên đại?
Ấn “Sắc mệnh chi bảo” là hiện vật bằng gỗ được phát hiện trong quá trình đào khảo cổ học trong hố khai quật G18, khu G năm 2012. Tầng văn hoá được xác định là có niên đại đời Trần, cách đây 700 năm.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ thì “Ấn “Sắc mệnh chi bảo” là ấn của vua, đời vua nào cũng có. Ấn này có nghĩa vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp vua, giúp nước. Ấn “Sắc mệnh chi bảo” bằng gỗ này tính đến thời điểm này là ấn sớm nhất và cổ nhất trong lịch sử ấn chương, ấn tín của Việt Nam”.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử không khỏi băn khoăn về nguồn gốc, niên đại, giá trị lịch sử của chiếc ấn này. TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) khẳng định “đây không phải là ấn, triện” vì “miếng gỗ mỏng kia sao lại là ấn được, cầm vào đâu để đóng?”.
Cùng chung quan điểm, TS Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chia sẻ: “Theo tôi biết thì không có ấn thời Trần nào còn lại tới ngày nay. Ấn thời Lê còn khó”. Ông Tuấn phân tích, ấn gỗ trong thời tiết ẩm như ở Việt Nam chỉ tồn tại được vài chục năm thì mục. “Nói chung là không thể tin được đó là ấn đời Trần”.
“Có con dấu “Sắc mệnh chi bảo” nào của thời Trần để đối chiếu, từ đó khẳng định chắc chắn đó là ấn thời Trần?” - TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) hồ nghi.
Lí giải về nguồn gốc ấn, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong tầng văn hóa rất nguyên vẹn, không bị xáo trộn của thời Trần (thế kỷ 13,14), cùng với một số hiện vật thời Trần tiêu biểu khác. Công tác khai quật được các cán bộ khảo cổ học thực hiện đúng quy trình, ghi chép đầy đủ hồ sơ khai quật (có đầy đủ bản ảnh, bản vẽ, mã sỗ hiện vật...).
Khi khai quật ấn vỡ làm hai mảnh, một mảnh úp và một mảnh ngửa. Sau khi phát hiện thì cho vào bảo quản, bảo tồn an toàn hiện vật và hiện đang trưng bày được một thời gian. Hai mặt rõ ràng, mặt ấn và lưng ấn. Mặt ấn hiện lên bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo”.
Đây là chữ viết theo kiểu ấn. Núm bị mất, thấy rõ dấu vết của chất kết dính hình tròn. Kích thước của ấn là 10,5cm. Về vấn đề chất liệu gỗ vẫn giữ được, ông Tín cho rằng, gỗ tồn tại được trong 600 đến 700 năm.
Có nhiều di tích, di vật bằng chất liệu gỗ như nhà sàn Đông Sơn, thời kì 2000 đến 3000 năm vẫn tồn tại hay như tấm ván gỗ chạm rồng từ thời Trần hiện nay ở Vườn Hồng vẫn nguyên vẹn và rõ nét.
PGS. TS Hoàng Văn Khoán cũng khẳng định: “Gỗ cứng, vết son rất đậm chứng tỏ dấu được sử dụng nhiều lần cho nên son nằm giữa lòng đất 600 đến 700 năm nay vẫn rõ nét. Là dấu son dùng cho triều đình chứ không phải được sử dụng thông thường. Núm không còn nhưng chắc chắn có núm vì dấu vết của núm rất rõ. Trên dấu mặt phải khi đóng ra thì sẽ là mặt trái. Và chữ bảo trên ấn giống hết chữ “bảo” trên tiền cổ từ thời Trần, Hồ”.
GS Lê Văn Lan khẳng định thời gian, địa điểm chế tác, giá trị sử dụng đương thời. Theo đó, chiếc ấn này được tạo tác trong thời gian từ ngày 19 tháng Giêng năm 1258 đến ngày 29 tháng Giêng năm 1258 đó là lần đầu tiên có một hiện vật khảo cổ học từ thời Trần được xác định thời gian chế tác cấp ngày.
Chiếc ấn này được tọa tác trong vòng 10 ngày, được tạo tác ở Hưng Hà mà ngày ấy gọi là Ngự Thiên Long Hưng – Thái Bình. Chủ sở hữu của chiếc ấn này là Vua Trần Thái Tông. Tác dụng phát huy của ấn là ngay từ khi được tạo tác và để lại những bài học di sản cho đến vua thời Trần Anh Tông, Trần Minh Tông tức là 58 năm kể từ ngày nó ra đời.
Thận trọng hơn, TS Phạm Quốc Quân- nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử đưa ra ý kiến: “Chỉ dựa vào sử để đánh giá những hiện vật thì có rất nhiều vấn đề. “Sắc mệnh chi bảo” chưa thể kết thúc nghiên cứu, bởi thư pháp triện gỗ hiện nay mới chỉ phát hiện được những triện trong các đạo giáo, bùa”.
Sẽ phát ấn đại trà?
Ngoài việc băn khoăn về nguồn gốc, giá trị lịch sử của ấn thì vấn đề tổ chức khai ấn, đóng ấn, phát ấn cũng khiến nhiều người quan tâm. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội lần đầu thử nghiệm tổ chức lễ khai ấn tại khu vực Điện Kính Thiên. Theo đó, từ Tết Đinh Dậu 2017, du khách ghé thăm hội xuân tại Hoàng Thành Thăng Long có thể đem về những lá ấn tạo tác từ chiếc ấn cổ “Sắc mệnh chi bảo” nổi tiếng để cầu may mắn.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, ở Hoàng Thành Thăng Long nên xác định một ngày hội kỷ niệm ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông sau đấy tổ chức lễ hội phát ấn. Nhiều cơ quan phối hợp với nhau để làm nên ngày hội văn hóa ý nghĩa. Cách phát ấn như thế nào, ngày nào cần được thảo luận kĩ.
Câu chuyện phát ấn làm ở Hoàng Thành lại khiến nhiều người liên tưởng việc phát ấn tại Đền Trần (Nam Định). Từ chiếc ấn tưởng nhớ công ơn tiền nhân, cầu may đã biến tướng ý nghĩa thành thăng quan, tiến chức và được mua bán công khai nơi linh thiêng, gây phản cảm.
Việc giẫm đạp, chen lấn, giành giật mua ấn tại Đền Trần Nam Định của hàng ngàn khách thập phương làm nhiều người khiếp sợ. Nay, nếu Trung tâm Di tích Hoàng Thành Thăng Long lại “mở hội” phát ấn thì kịch bản “vô văn hóa” ấy có tái diễn ở mảnh đất kinh kỳ?
Một số nhà khoa học cho rằng, ấn “Sắc mệnh chi bảo” là để đóng vào các sắc phong dưới thời các triều đại cho thần linh hoặc người có công lao, danh cao vọng trọng, mà cổ bản được tìm thấy thời Lê đến nay.
Như thế, dấu triện “Sắc mệnh chi bảo” không thể bạ đâu đóng đó, đóng lung tung, hay đóng khai xuân để mang ý nghĩa khai ấn được. Đồng thời, triện “Sắc mệnh chi bảo” cũng không phải để hành tín ngưỡng nơi Điện Kính Thiên như Hoàng Thành Thăng Long tổ chức và triển khai.
Theo TS Phạm Quốc Quân, cần phải nghiên cứu thời gian, kịch bản kĩ càng để phát huy di sản hiệu quả nhất của chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Vì hiện nay, việc khai ấn ở một số di sản là méo mó, biến tướng. Các nhà nghiên cứu nên tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của ấn và làm như thế nào đối với vấn đề khai ấn. /.