Theo các cụ già ở thôn Trần Thương, hàng năm vào tiết “Tháng Tám giỗ Cha”, các cụ đều có lệ rước nước và nhập lương từ sông Hồng. Tục này nhằm tái hiện lại dữ kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ ba (năm 1288) trở về.
Dựa trên những yếu tố lịch sử và tâm linh, từ năm Canh Dần (2010), tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ phát lương cầu lộc, cầu phúc, cầu một năm sung túc, no đủ cho nhân dân và khách thập phương về lễ bái tại đền.
Năm nay, lễ phát lương năm 2016 được tổ chức vào 23h ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thân tại đền Trần Thương, cùng với đó là đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cũng là năm thứ sáu được tổ chức trên quy mô lớn.
Đồng thời, đây cũng là năm tưởng niệm 716 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa tiêu biểu.
Tại lễ phát lương, khi chuẩn bị được lệnh phát lương đã xuất hiện tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau. Ngoài việc tăng số lượng túi lương, tại 6 điểm phát lương, tại một số chòi phát lương còn thu phí những ai đến lấy túi lương với mệnh giá 50 nghìn đồng đến cả vài trăm nghìn đồng.
Trước đó, Ban Tổ chức lễ phát lương đền Trần Thương đã chuẩn bị 150 nghìn túi lương. Du khách về với lễ hội phát lương sẽ nhận được một túi lụa màu đỏ. Ngoài ấn và thẻ, bên trong túi lương của Đức Thánh Trần còn có năm loại hạt: đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Nam Định, bức xúc cho biết: “Năm nay, người thập phương đổ về đây đông, tình trạng ùn tắc kéo dài đến vài cây số, tôi, vợ con và em gái phải chen mãi mới vào được tới đây để dự, nhưng khi phát lương tôi mới sững sờ khi người trong chòi canh đòi tôi tiền, nếu không có thì họ không cho.
Tôi đưa 20 nghìn đồng thì họ không nhận nên tôi phải đưa họ 100 nghìn đồng. Em tôi mãi mới chen được, nhưng khi tới nơi thì được biết là hết túi phát lương”.