Hụt thu 43.000 tỷ đồng
Tại phiên họp đầu tiên triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô”của Liên Bộ hôm 17/12 vừa qua, Bộ Tài chính cho rằng, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách (NS) sẽ hụt thu khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì khẳng định khoảng 11 – 12% tổng thu NSNN từ dầu thô nên giá dầu thô giảm có ảnh hưởng lớn đến NS và xuất nhập khẩu.
Năm 2015, dự toán thu NS từ dầu thô là 93 nghìn tỷ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng. Bộ KH&ĐT ước tính, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015 thì NS hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng, NS sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Trong Báo cáo tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015 vừa công bố, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đưa ra dự báo: Với giá dầu bình quân năm 2015 là 60 USD một thùng thì thu NS từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37.000 tỷ đồng so với dự toán, tương đương 4% tổng thu NS và giảm 47% so với ước thực hiện năm 2014.
Giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014, với giá dầu như trên, thu NS sẽ hụt thêm khoảng 6.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức hụt thu NS nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu NS năm 2015.
Tuy nhiên, với thực tế giá dầu đã xuống dưới 50 USD/thùng thì con số hụt thu này còn lớn hơn nữa…
Cơ hội trong tầm tay
Theo tính toán của NFSC, với dự báo giá dầu thế giới giảm 33% và giả định xăng dầu trong nước giảm tương ứng, giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%, tạo điều kiện thúc đẩy tổng cung, tổng cầu.
Từ đó, NFSC khuyến nghị cần tận dụng thời cơ giá xăng dầu giảm để tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất. "Thuế nhập khẩu, phí nhập khẩu xăng dầu cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu NS và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD. Chính sách quản lý giá cần biện pháp điều chỉnh giá bán thích hợp để tạo điều kiện cho các DN giảm giá thành"- NFSC lưu ý.
Tuy nhiên, có một thực tế trong khi giá bán lẻ xăng dầu đã giảm thì sau nhiều nỗ lực của Liên Bộ Tài chính – Giao thông Vận tải, giá cước vận tải đã “giảm cho có” trong khi giá nhiều mặt hàng khác là đầu vào cho sản xuất kinh doanh cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn “án binh bất động” như thể chẳng liên quan gì đến xăng dầu.
Mới đây nhất ngày 6/1, Bộ Tài chính đã có Công văn 87/BTC-QLG yêu cầu UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương có văn bản yêu cầu các DN sản xuất kinh doanh phân đạm Urê, phân NPK, thức ăn chăn nuôi thực hiện rà soát chi phí đầu vào, thực hiện giảm giá trước biến động giảm giá của các yếu tố đầu vào và thực hiện kê khai giá theo quy định.
Công văn này cũng đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở dĩ có văn bản chỉ đạo này, theo Bộ Tài chính, giá phân bón Urê trên thị trường thế giới, giá các nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi và giá xăng dầu trong nước biến động giảm mạnh, những mặt hàng này lại thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ 1/1/2015 nhưng tại chưa thể hiện rõ xu hướng giảm.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy DN vẫn tiếp tục khó khăn. Trong khi số DN thành lập mới giảm 2,7% so với năm trước (74.842 DN) thì có đến 67.823 DN gặp khó khăn buộc giải thể, ngừng hoạt động, tăng 11,7% so với năm 2013 (60.737 DN).
“Mặc dù giá dầu giảm đem lại nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế trong nước hơn là gây khó, tuy nhiên đây có thực sự là cơ hội hay không phụ thuộc vào điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự năng động của DN”- một chuyên gia lên tiếng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trước diễn biến của giá xăng dầu, để cân đối thu, chi ngân sách, ngành hải quan sẽ tăng kiểm tra sau thông quan để tăng thu 15 - 16 nghìn tỷ đồng, thu nội địa của ngành thuế sẽ phải tăng 8- 10% so với nhiệm vụ được giao. Ông tính toán: Với mức giảm như hiện nay nghĩa là, giá đầu vào sẽ giảm cỡ 3 - 3,2 tỷ USD, tức là khoảng 60- 65 nghìn tỷ đồng, nền kinh tế có khả năng đạt được tăng trưởng 6,2% và khi đạt được mức tăng trưởng này thì đây là giải pháp tăng thu ngân sách vững chắc…