Ở nơi… “ quế hoá lắm”…
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám, người đau đáu với quê hương kể rằng, ngay tại đình làng Thượng Liệt (Quỳnh Phụ, Thái Bình) nơi chúng tôi đang đứng thờ Thành hoàng làng là đức bà Trần Thị Quý Minh, người đã có công sáng tác và truyền bá điệu múa cổ độc nhất vô nhị có tên là “Giáo cờ - Giáo quạt”.
Bà là công chúa cả của Đức vua Trần Duệ Tông (1337 -1377). Hơn 600 năm trước, do trái lệnh Vua cha, không chịu kết hôn với người trong dòng tộc nên Công chúa Trần Thị Quý Minh cùng với hai người em gái bị đày về rẻo đất cửa bể này lập nên ba làng: Thượng Liệt, Trung Liệt và Hạ Liệt.
Thuở ấy, vùng quê này là bãi đất bồi, hoang vu và đầy lau lách, sú vẹt. Vào những ngày đầu mở đất, để giúp người dân quên đi nỗi gian lao, cực nhọc và cũng để vơi đi nỗi nhớ kinh thành của mình, bà đã dày công soạn ra điệu múa “Giáo cờ - Giáo quạt” gồm 36 cấp với phần lời hát ẩn chứa niềm thương nhớ kinh kỳ và niềm tôn kính Vua cha.
Chuyện rằng, một ngày nọ trên dòng sông Đọ có rất nhiều cây gỗ lạ trôi về phía làng, các cụ chánh, lý cùng dân chúng vớt lên dựng Đình Thượng Liệt (bây giờ). Trong một cuộc dạo chơi trên triền sông, bà Trần Thị Quý Minh nhặt được một cái tráp, trong đó có những bài nhạc cổ. Khi đó bà mới sáng tạo ra những điệu múa dựa theo tích “ Chiêu Quân cống Hồ”, dạy cho dân làng những lúc nông nhàn.
Lời ca của các cấp múa dựa trên câu chuyện xưa kia Vương Chiêu Quân đi cống nước Hồ. Khi biểu diễn, điệu múa sẽ có một người đánh trống, một người hát lời ca và 40 - 50 cô “lèn” tuổi từ 8 - 15, mặc áo tân thời màu sắc, cầm cờ giấy, quạt giấy múa. Đây là điệu múa vừa có tính nghi lễ, vừa đậm chất dân gian, mang tính tập thể cao.
Vũ hội xuân mới ở làng được tổ chức từ ngày 10 đến hết 12 tháng Giêng hàng năm. Đến năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lễ hội ngừng hoạt động và đến năm 1987 thì được phục hồi. Nhờ quần thể di tích đình - chùa - lăng và đặc biệt là điệu múa Giáo cờ - Giáo quạt riêng có mà đình làng được cấp bằng công nhận Di tích Văn hóa ngay đợt đầu tiên.
Là người khai khẩn, truyền tải văn minh đô thành về miền đất hoang vu này nên khi mất, bà được dân làng suy tôn là Thành hoàng. Vì thế người làng không bao giờ nói “quý” và “minh” mà thường nói chệch thành “quế” và “miêng”. Chẳng hạn khi có khách đến chơi nhà, người làng thường bảo: “Bác đến thăm nhà em thế này là quế hóa lắm...”. Ngay cả ngày “thanh minh” cũng đọc chệch ra “thanh miêng”…
“Chỉ những người con gái đồng trinh, con gái làng mới được tham gia múa biểu diễn vào ngày hội làng (11,12 tháng Giêng) và ngày giỗ Đức Thánh vào tháng 4 âm lịch” là khẳng định của người làng Giắng. Chính vì lẽ đó mà hầu hết những phụ nữ trong làng đều biết múa Giáo cờ - Giáo quạt. Dân làng có câu cửa miệng vui rằng: “không biết múa không phải con gái làng Giắng”…
Nghệ nhân Bùi Thị Rược, 83 tuổi kể: Ngày còn bé, được đi múa Giáo cờ - Giáo quạt thì chúng tôi thích lắm. Lớp người thuộc thế hệ trước như chúng tôi được các cụ truyền dạy từ lúc 7, 8 tuổi. Nhớ ngày được chọn tuyển vào đội múa làng, thấy vui vô cùng, nhiều đêm không ngủ chỉ mong sao cho tới hội làng thật nhanh để được múa, hát.
Cụ Rược nhớ lại: Hồi xưa các bà thợ quấn roi mây trên đầu dậy rất nghiêm khắc. Nhà cụ Rược có 4 chị em đều múa giỏi. Cô bé Rược hồi đó xinh xắn nên thường được đứng đầu, năm nào cũng đi múa ở hội làng rồi đi múa xứ…
Trong 36 cấp múa, cấp múa đi sứ có đọc bài vè kể về tâm sự của Chiêu Quân đi cống nước Hồ; cấp múa má có các động tác vạt tôm vạt tép, chim bay cò bay; cấp múa chèo đò mô phỏng động tác chèo đò trong cuộc sống thực; cấp múa nhất quấn lân, nhị quấn lân là những cấp múa khó nhất, đòi hỏi nhiều thời gian tập luyện.
Các cô “lèn” tập múa tay không ở nhà bà “thợ”, quạt và cờ chỉ dùng khi múa ở đình. Khi múa xong, thì vứt cờ và quạt xuống giếng Thiên Thanh, không được mang về nhà, nếu hôm sau còn múa nữa thì sắm quạt mới, cờ mới. Khi tập luyện các vị chức sắc của làng sẽ đến đôn đốc, tuyển chọn các cô múa giỏi vào đội múa đi sứ, đi đôi, đứng cửa đình và múa má. Tham gia múa Giáo cờ - Giáo quạt, đội múa có thể lên tới 50-70 người, nhưng có cấp múa chỉ có 2 người, 4 người tham gia, như cấp “hai cô đi sứ, bốn cô đi đôi”.
“Tuy nhiên ngày nay đã có thay đổi, những phụ nữ làng khác đã có gia đình đều được tham gia múa. Tiêu chuẩn chọn bà thợ cũng thoáng hơn, họ có thể là người nơi khác đến và sinh sống tại làng và không phải nuôi các cô “lèn” như trước nữa. Tuy nhiên, để được làm cô thợ thì trong gia đình không được vướng bận chuyện buồn như tang gia”, cụ Rược cho biết.