Nhiều rủi ro khi chuyển giới
Một khảo sát được Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) thực hiện mới đây trên 3.000 người LGBT đã cho ra một kết quả đáng buồn khi vẫn còn tới 39% người LGBT bị kỳ thị trong gia đình, bị mắng chửi 22,8%, bị đuổi ra khỏi nhà 4,6% và 44% bị kỳ thị trong trường học, chủ yếu bị bạn bè trêu ghẹo, bị ép buộc cách ăn mặc, hoặc bị gọi phụ huynh đến.
Trong môi trường công việc, 21% người LGBT đã từng bị kỳ thị; tỷ lệ này cao đặc biệt trong nhóm chuyển giới, với 68% người bị kỳ thị, trong đó có cả các trường hợp nghiêm trọng như cho thôi việc…
Cũng theo khảo sát của ISEE, đa số người LGBT nhận ra xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình trong độ tuổi từ 10-20 tuổi, trong đó 39% biết khi còn rất trẻ, từ khi ở độ tuổi 10-15. Nhưng thực tế mới chỉ có khoảng 9,8% người LGBT công khai giới tính với gia đình; 16,9% công khai trong trường học; 12% công khai nơi làm việc và 15% công khai ngoài xã hội.
Vì phải che giấu bản thân nên nhiều bạn trẻ đã đối đầu với khủng hoảng tâm lý, dẫn đến các vẫn đề như: trầm cảm, sử dụng chất kích thích, gây nghiện, thậm chí tự tử (nghiên cứu của ISEE với hơn 2000 người đồng tính nữ năm 2012 cho thấy có tới 17% người khảo sát đã từng tự tử một lần nhưng không thành).
Cùng với đó là hàng ngàn những rủi ro về sức khỏe, tính mạng và xã hội do hậu quả của việc những người LGBT phải lén lút sang nước ngoài chuyển đổi giới tính. Theo khảo sát của hai tổ chức trên, có tới 53,3% người chuyển giới tham gia nghiên cứu tự mua hoóc môn ở Việt Nam, 30% thực hiện ở nước ngoài và 33% phẫu thuật một phần ở trong nước, một phần ở nước ngoài hoặc hoàn toàn ở Việt Nam.
Do không được tiếp cận với các dịch vụ y tế đảm bảo chất lượng nên người chuyển giới phải chịu rất nhiều rủi ro về tài chính, sức khỏe, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý. Còn đáng lo hơn khi theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế năm 2014 cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này lên tới 3,7%, đặc biệt cao ở Hà Nội và TP.HCM với tỷ lệ ước tính lên đến 16%...
Đa dạng tính dục thay vì chỉ nói về đồng tính
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng trên, trong đó nguyên nhân chính mà các chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu xác định chính là do sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người LGBT đem lại.
Chia sẻ về nỗi đau của mình, một người đã từng chuyển đổi giới tính ở nước ngoài cho hay, sau khi chuyển giới, anh đã trở thành một thiếu nữ nhưng cơ quan chức năng địa phương vẫn bắt “chị” phải cắt tóc ngắn và khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Họ còn làm “chị” bẽ mặt hơn khi bắt “chị” cởi hết đồ ra để khám sức khỏe, kèm theo đó là những thái độ mất lịch sự và sự trêu đùa đầy khiếm nhã. Theo quan điểm của người này, đây là một hành vi phản cảm.
Thực tế, tuy đã có không ít hoạt động truyền thông nhắm đến các đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của “người trong cuộc” cũng như cộng đồng về vấn đề này, tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động truyền thông liên quan đến những người thuộc cộng đồng LGBT vẫn chưa thực sự rõ nét.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Cũng chính vì lý do này, đại diện ISEE cho biết, thay vì lối giáo dục truyền thống (truyền thông về vấn đề đồng tính), các chương trình cần đưa ra khái niệm “giáo dục đa dạng tính dục” cho mọi người dễ hiểu. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của hoạt động truyền thông, chúng ta nên tăng cường hơn việc truyền thông trong nhà trường, bằng những buổi nói chuyện nhóm nhỏ chuyên đề ngoại khóa về vấn đề này, hoặc các buổi hội thảo quy mô lớn (100-200 học sinh).
Trước khi tổ chức các chương trình đó, phải nắm bắt nhu cầu cụ thể của các học sinh. Cuối cùng, các thầy cô giáo, các em học sinh sẽ là người truyền tải các mô hình này sang các trường khác. Ngoài ra, bản thân “người trong cuộc” tự chia sẻ về câu chuyện của mình, qua đó truyền đạt những kiến thức của mình cho người khác cũng là một cách làm khá hiệu quả.
Theo Bác sỹ Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS, hiện quyền của cộng đồng LGBT đã được tôn trọng và đảm bảo hơn. Điều đó thể hiện qua việc pháp luật đã bỏ quy định “cấm hôn nhân đồng giới” và Bộ luật Dân sự sửa đổi cũng đã đưa vấn đề quyền được chuyển đổi giới tính ra thảo luận.
Tuy nhiên, theo bà Trâm, đây là một vấn đề khó, có thể chưa cho phép ngay. Nhưng cũng nên đưa ra các hướng dẫn để giải quyết những vấn đề, thực tế phát sinh sau khi một người chuyển đổi giới tính, như: giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc thay đổi họ tên, giới tính, nhập khẩu, giáo dục, việc làm…
“Chúng ta không thể không giải quyết vấn đề đó, bởi nó là quyền chính đáng của mỗi con người. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được bài toán kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT cũng như đẩy lùi và hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS” – bà Trâm khẳng định./.