Hành trình giác ngộ trở thành “Bộ đội cụ Hồ”
Nguyễn Văn Lập sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở Thessaloniki (Hy Lạp). Khi 16 tuổi, ông bị Đức Quốc xã bắt đi lính và đưa sang Đức. Ông trốn thoát và sống tạm trên những chuyến tàu qua lại biên giới Nam Tư - Hy Lạp.
Sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai, vì không có giấy tờ tùy thân nên ông không thể trở về đất mẹ Hy Lạp. Bị đưa vào trại tập trung tại Ý, đầu năm 1946 ông xin gia nhập Lê dương Pháp và được đưa sang Đông Dương theo “sứ mệnh” giải phóng các dân tộc tại đây, giải giáp quân Nhật.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. |
Nhưng đến đây, ông mới biết mình bị lừa, vì chẳng thấy người Nhật đâu. Thay vào đó là được lệnh đi bắn nhau với Việt Minh. Đơn vị ông được tàu chiến đưa đến Sài Gòn rồi sau đó lên xe lửa đi ra miền Trung. Ngay những ngày đầu đến Việt Nam ông đã chứng kiến nhiều hành động tàn ác của quân Pháp đối với người dân bản xứ.
Điển hình trong số đó là vào một ngày cuối tháng 2/1946, ông Lập cùng đơn vị đứng trước một cây cầu chờ đến lượt sang sông. Ông thấy một lá cờ Pháp treo trên một chòi canh. Trên hàng rào tháp canh, ông nhìn thấy bao nhiêu chiếc đầu người bị chặt cắm lên các cây cọc. Ông ngạc nhiên đến sững sờ. Toàn thân ông run lên, nước mắt chảy xuống, tim đập loạn xạ. Ông tự hỏi tại sao người Pháp đã chịu nhiều đau khổ dưới gót chân phát-xít Đức lại có hành động không khác gì kẻ thù của mình?
Người chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập nhận Huy hiệu Anh hùng LLVTND. |
Nhận ra sự tàn bạo và lừa dối đó của quân đội Pháp cũng là lúc ông gặp người vợ một viên chức Sứ quán Pháp, tên là Ly Ly. Đó chính là người được Việt Minh giác ngộ, và cô nói cho ông về những người cách mạng đang thực hiện lý tưởng cao đẹp, quyết giành lại độc lập, tự do cho đồng bào mình. Chính những điều này đã khiến Kostas Sarantidis nảy sinh ý định sang phe Việt Minh.
Ông kể: “Tôi còn nhớ như in, đó là ngày 4/6/1946, tôi đào ngũ trốn theo Việt Minh cùng người bạn ở đơn vị lính lê dương người Tây Ban Nha tên là Santo Merinos. Khi trốn thoát, hai anh em tôi đã giải thoát cho 25 tù binh khác, mang theo một súng máy cùng 2 khẩu súng trường.
Sau 2 ngày lên núi, chúng tôi đã gặp bộ đội Liên khu V, được bộ đội làm cơm ăn mừng. Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi bắt đầu từ đó. Tôi đã tự quyết định số phận của cuộc đời mình khi theo bộ đội Việt Nam - Trung đoàn 812 đóng tại Bình Thuận”. Bước ngoặc này, sau được Kostas kể lại trong hồi ký bằng tiếng Việt mang tên “Vì sao tôi hàng Việt Minh” (NXB Quân đội nhân dân, 1997).
Tại khu kháng chiến, ông được đặt tên Việt là Nguyễn Văn Lập và chính thức trở thành gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những chiến sĩ quốc tế trong hàng ngũ Việt Minh.
Thẻ Hội viên Hội cựu chiến Binh VN và Thẻ trung đoàn 821 - Liên khu V của Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. |
Khi tham gia Việt Minh, ông hoạt động trong các đơn vị chính quy Liên khu 5. Ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, ông được giao công tác địch vận, phát thanh vào đồn quân Pháp, thu phục được 40 lính lê dương bỏ hàng ngũ của Pháp và cứu sống được 120 người bị địch bắt. Ông cũng từng cùng đồng đội bắn rơi máy bay Morane và bắt sống 3 phi công Pháp ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam). Ngày 13/4/1948, đơn vị ông chống càn tại Hương An - Bà Rén, tiêu diệt 200 quân đối phương. Nguyễn Văn Lập cũng từng làm Tổng Giám thị trại tù binh Âu-Phi số 3 ở Quảng Ngãi.
Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau Hiệp định Genève, 1954 ông tập kết ra Bắc và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Ông từng lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa Dân chủ Đức ở nhà máy in Tiến Bộ và nhiều lần đi đóng các vai Pháp, Mỹ trong một số bộ phim truyện Việt Nam.
Năm 1958, ông lấy vợ Hà Nội, sinh được 4 người con, tất cả đều lấy tên Việt Nam. Năm 1965, ông cùng gia đình trở về Hy Lạp, nơi ông còn có một mẹ già đang sống.
“Việt Nam luôn trong tim tôi”
Quãng thời gian gắn bó với Việt Nam khiến ông nghĩ bản thân sẽ không rời Việt Nam dù cuộc sống lúc đó còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng ở Hy Lạp, ông còn có một người mẹ già, sau nhiều năm mất liên lạc, nay biết tin ông còn sống, bà rất mong được gặp lại con trai của mình. Đáp lại ước nguyện của mẹ, năm 1965, ông và vợ cùng các con rời Việt Nam về Hy Lạp.
Những năm đầu khi trở về cố hương, cuộc sống của gia đình ông Lập cũng không hề dễ dàng bởi không có quốc tịch Hy Lạp. Do thời gian vắng mặt quá lâu, lại không trải qua quân dịch, nên anh không tìm được việc làm. Gia đình 7 người của gia đình ông Lập chỉ sống trong một căn buồng 10m2, ông thường phải ra các nhà hàng xin chân gà, đầu gà mà người ta đã loại bỏ để ăn hàng ngày.
Cả 4 người con của ông Lập đều có tên Việt Nam và tên Hy Lạp, lần lượt là Nguyễn Văn Thành, Bạch Tuyết, Bạch Nga, Tự Do. Ông còn có cả một đứa cháu tên là Hồ Minh vì sinh đêm 19/5. Ông nói rằng: “Bác Hồ đối với tôi là thánh”.
Dần dà, ông được công nhận lại là dân Hy Lạp. Ông bắt đầu kiếm sống bằng nghề lái xe. Năm 1975, ông vô cùng sung sướng được tin Việt Nam đại thắng, thống nhất đất nước. Ông đã giữ rất cẩn thận các kỷ vật về Việt Nam.
Tình yêu đối với Việt Nam được chất chứa qua những lời tâm tình của ông. Câu mà ông nói nhiều nhất khi gặp những người bạn Việt Nam là “Việt Nam luôn trong tim tôi”. Trong ngôi nhà của ông luôn hiện hữu nếp sống của người Việt từ ngôn ngữ, các món ăn truyền thống của Việt Nam. Và đặc biệt là lá cờ đỏ sao vàng luôn được gia đình ông gìn giữ và mang ra treo vào những dịp quan trọng.
Từ ngày trở về Hy Lạp, suốt 56 năm, ông luôn luôn hướng về Việt Nam. Ông tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp, làm nòng cốt lập Hội người Việt Nam ở Hy Lạp, vận động quyên góp lấy tiền gửi sang Việt Nam ủng hộ nạn nhân bị chất độc da cam, người nghèo.
Ông nhiều lần trở lại Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, đồng đội và đồng bào các tỉnh miền Trung, dự Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc. Có lần ông tháp tùng Tổng thống Hy Lạp sang thăm Việt Nam. Ông được các nhà lãnh đạo Việt Nam: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết... tiếp thân mật.
Nhà nước Việt Nam đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị. Ngày 9/11/2010, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định công nhận là công dân Việt Nam, điều mà ông mong đợi trong nhiều năm. Tháng 5/2013, ông được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND Việt Nam. Lễ trao tặng sẽ được tổ chức trọng thể tại Bộ Quốc phòng Việt Nam vào cuối tháng 8/2013.
Cũng trong chuyến đi lần này, sức khỏe của ông khi đó không được tốt, bác sĩ khuyến cáo không nên đi máy bay. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định trở về Việt Nam, khi đó ông đã viết lại những dòng dặn dò các người con của mình rằng: “Các con ạ, bố nhắc lại là nếu như bố chết ở Việt Nam thì nên chôn ở Việt Nam. Điều này bố đã bàn với mẹ của các con”.