Người mẹ chia cho mỗi con một phần đất để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Việc cho đất có lập giấy tờ, có chứng thực của địa phương. Nhưng tranh chấp vẫn xảy ra làm dứt tình mẹ con.
“Lằng nhằng” cho, bán đất
Vợ chồng ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1974, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM) có đơn yêu cầu TAND quận 12 phải đưa ra xét xử vụ “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa bà Dương Thị Lài (SN 1971, ngụ quận 12, nguyên đơn) và cụ Lê Thị Tây (SN 1945, bị đơn, mẹ ông Tuấn).
Trong vụ tranh chấp này, vợ chồng ông Tuấn là người có đất, có tài sản trên đất và là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vụ án kéo dài gần 10 năm và đã có quyết định giám đốc thẩm hơn hai năm nhưng chưa xét xử lại.
Theo tường trình của vợ ông Tuấn, năm 2000, cụ Tây cho vợ chồng ông một phần đất 400m2 (thực tế là 533m2) bằng miệng. Vợ chồng ông Tuấn đã xây dựng nhà ở rộng khoảng 264m2. Đến năm 2004, vợ chồng ông được bố mẹ viết giấy xác nhận cho đất. Giấy này được UBND phường Thạnh Xuân xác nhận, chứng thực. Tuy nhiên, về giấy tờ đất, cụ Tây vẫn đứng tên.
Đến tháng 4/2006, cụ Tây lại viết giấy tay hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã cho vợ chồng con trai cho ông Vũ Đình Trực (SN 1964, ngụ quận 12), với giá 300 triệu đồng. Trong giấy viết tay này có chữ ký của ông Tuấn với tư cách là đại diện căn nhà và đất.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng mình không hề biết chuyện mua bán đất trên chính là căn nhà mình ở. Do vài lần trước, mỗi khi người mẹ bán đất đều cho tiền nên lần này ông Tuấn ký tên và được mẹ cho 15 triệu đồng.
Ông Tuấn cho hay, hợp đồng chuyển nhượng đất trên không có xác nhận, chứng nhận của chính quyền, không có chữ ký của bố và vợ ông. Người mua giống như “cò” đất, không yêu cầu người bán sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình. Ông này dùng giấy mua bán tay này để chia phần đất thành 6 lô và tiếp tục bán lại cho 6 người khác.
Sau khi bán hết 6 lô đất, người mua mới yêu cầu mẹ ông Tuấn chuyển quyền sử dụng đất cho những người mới mua này. Có 3 người được sang nhượng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn 3 người không làm giấy tờ được do vướng căn nhà của vợ chồng ông Tuấn.
Người mua yêu cầu mẹ ông Tuấn giao đất. Cụ bà lại đòi ngược con trai. Tuy nhiên, vợ chồng người con không đồng ý vì cho rằng đất đã được bố mẹ cho mình và thuộc quyền sở hữu của mình.
Theo hồ sơ, tháng 11/2007, cụ Tây làm đơn khởi kiện con trai, yêu cầu trả lại đất. Lý do, cụ bà cho rằng chỉ cho vợ chồng con trai ở nhờ nên đòi lại.
“Tuy nhiên, sau đó có nhiều người thân trong gia đình khuyên can, nói với mẹ chồng tôi rằng đã cho đất có giấy tờ thì giờ đừng đòi lại. Vì thế mẹ chồng tôi mới rút đơn khởi kiện và tòa đình chỉ vụ án”, vợ ông Tuấn kể.
Sau khi cụ Tây rút đơn kiện đối với con trai, bà Dương Thị Lài (SN 1971, ngụ quận 12, vợ ông Trực) khởi kiện cụ Tây, yêu cầu giao phần đất đã bán cho chồng mình trước đó.
Lần này ra tòa, cụ Tây thừa nhận có cho đất vợ chồng con trai nhưng do người con có nhu cầu bán nên cụ đã chuyển nhượng như đã nói trên.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Tòa án sơ thẩm quận 12 tuyên “nước đôi”: 3 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được phép sử dụng. Còn lại, phần đất có nhà của ông Tuấn thì chấp nhận cho ông Tuấn. Vợ chồng ông Tuấn không đồng ý với bản án và kháng cáo.
Năm 2012, TAND TP HCM chấp nhận đơn kiện của phía người mua, buộc vợ chồng ông Tuấn giao trả phần đất. Tòa án cho rằng hợp đồng viết tay giữa mẹ ông và ông Trực có hiệu lực pháp luật.
“Bản án phúc thẩm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình tôi. Chúng tôi được cho đất đúng pháp luật. Còn giấy mua bán của mẹ tôi và ông Trực có nhiều vấn đề khuất tất nhưng tòa vẫn chấp nhận. Nghe bản án, vợ chồng tôi gần như gục ngã tại chỗ”, vợ ông Tuấn nói.
Ngôi nhà vợ chồng ông Tuấn xây trên phần đất mẹ cho. |
Dứt tình mẹ con
Vợ chồng ông Tuấn không chấp nhận bản án phúc thẩm nên yêu cầu giám đốc thẩm hủy án. Đến năm 2014, Tòa án tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ và phúc thẩm, trả về cho TAND quận 12 xét xử lại.
Kể về việc có được quyết định giám đốc thẩm, vợ ông Tuấn cho hay: “Suốt 3 năm trời, tôi ăn ngủ ở ghế đá công viên ngoài Hà Nội để chờ cơ hội gặp các vị lãnh đạo, trình bày tình cảnh của mình. Không có tiền, tôi phải nhặt ve chai bán kiếm tiền.
Có lần, nghe tin còn 10 ngày nữa nhà tôi sẽ bị cưỡng chế thi hành án, tôi mua xăng tẩm lên mình định tự thiêu để bày tỏ nỗi oan. Nhưng luống cuống, tôi quên mang theo bật lửa. Tôi bị công an tạm giữ hành chính”.
Bà bùi ngùi: “Những anh công an hiểu được tình cảnh của tôi nên đối xử rất tốt, sáng hôm đó đã mua thức ăn, đồ dùng cá nhân cho tôi sử dụng rồi bảo về nhà đi. Nhưng tôi quyết cầm được quyết định giám đốc thẩm mới về. Sau khi quyết định giám đốc thẩm gửi về nhà, tôi mới rời Hà Nội”.
Quyết định giám đốc thẩm nêu rõ: “Hợp đồng mua bán vào tháng 4/2006, không có chữ ký của chồng bà Tây, không có chữ ký của bà Luyến (vợ ông Tuấn – PV) nên không có căn cứ cho rằng bà Luyến đồng ý với việc mua bán này. Hợp đồng không có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nên vô hiệu về hình thức.
Bà Tây thừa nhận cho đất cho vợ chồng ông Tuấn và có làm giấy tờ có chứng thực của địa phương. Sau đó, vợ chồng ông Tuấn sử dụng ổn định, xây dựng nhà cửa nên có căn cứ cho rằng 400m2 đất là của vợ chồng ông Tuấn. Nên hợp đồng mua bán của bà Tây và ông Trực là vô hiệu”.
Cũng theo quyết định giám đốc thẩm: “Lẽ ra tòa án nên tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán vào tháng 4/2006 của ông Trực và bà Tây nhưng lại chấp nhận, tuyên buộc vợ chồng ông Tuấn giao đất là không đúng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ. Vì thế, quyết định hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm”.
Vợ ông Tuấn bức xúc: “Hơn 2 năm rồi nhưng TAND quận 12 vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Phải chăng họ cố tình kéo dài? Mới đây, tòa án mời tôi làm việc nhưng không biết bao giờ mới xét xử, lấy lại công bằng cho vợ chồng tôi”.
Người phụ nữ này cũng cho biết, từ ngày xảy ra sự việc, tình nghĩa mẹ con gần như chấm dứt, không ai qua lại dù chỉ cách nhau hai căn nhà.
Trao đổi với PV, cụ Tây thừa nhận có cho đất con trai bằng giấy, có chứng thực của địa phương. Tuy nhiên, cụ bà nói: “Tôi không phải là người bán đất. Lúc đó, đất do tôi đứng tên, cho xong, Tuấn bảo không thích ở đây nữa mà muốn bán về quê vợ ở An Giang sinh sống. Tôi đứng tên sổ đỏ nên phải ghi vào giấy mua bán. Số tiền bán đất, Tuấn lấy 90 triệu đồng chứ không phải là 15 triệu”.
Cụ Tây nói sau khi bán đất, ông Trực phải tìm nguồn mua nên “lằng nhằng” việc giao tiền. Vì thế, ông Tuấn không đồng ý bán đất nữa mới thành ra cơ sự kiện tụng. Hỏi về việc khởi kiện con trai và cho rằng chỉ cho con ở nhờ, cụ bà nói không nhớ rõ vì thời gian qua đã lâu.
“Bây giờ, Tòa xử thế nào thì tôi chịu thế ấy chứ không biết nói gì. Tuy nhiên, tôi chỉ cho Tuấn 400m2. Phần dư ra là 133m2 phải thuộc về tôi”, cụ bà nói.