Từ khi thành lập, lượng truy nã Công an TP.Đà Nẵng luôn xác định, làm việc phải tích cực, nỗ lực hết mình không để tồn án, bên cạnh đó còn phải làm sao giúp những con người lầm lỡ biết hướng về nẻo thiện. Nói thì đơn giản vậy, song khi vào cuộc, trinh sát phải nhanh trí xoay chuyển đủ mọi kế sách.
Dùng “mỹ nhân kế”
Năm 2010, Trương Quốc Tèo (SN 1985, ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ mới 25 tuổi. Thế nhưng vị thế của Tèo trong lĩnh vực bảo kê, cho vay nặng lãi không hề nhỏ. Tèo cũng “nuôi” dàn đàn em 15 tên, đa phần lớn tuổi hơn mình. Điều này lại giúp Tèo có uy trong việc đứng ra dàn xếp mâu thuẫn giữa các nhóm với nhau trên địa bàn.
Đáng nói, trong lúc Tèo đang oai phong, thì một nhóm khác mới nổi ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà) lại dám chọc phá đệ tử của Tèo. Vừa nghe mách lại, Tèo liền nổi máu nóng, huy động hàng chục đối tượng cộm cán, đi trên 20 xe máy mang theo mã tấu, đao, kiếm… đến phường Mân Thái để giải quyết, đồng thời khẳng định lại thương hiệu nhóm mình.
Cuộc đụng độ diễn ra với gậy gộc, đao kiếm làm 4 đối tượng bị thương tích, đều trên 30%. Nhưng khi Công an tới, Tèo đã nhanh chân chạy mất. Một thời gian ngắn sau, Tèo bị CQĐT ra quyết định truy nã toàn quốc vào cuối năm 2011.
Khác với nhiều đối tượng trốn nã, thường đi xa, tạo một vỏ bọc lương thiện để tránh bị phát giác, riêng Tèo lại ở ngay Đà Nẵng. Tèo ngày ngủ, đêm vẫn tụ tập nhậu nhẹt và chỉ huy hàng chục đàn em bên ngoài tiếp tục đòi nợ thuê, bảo kê nhà hàng, quán bar. Phía CQĐT cũng biết Tèo ở Đà Nẵng nhưng để tìm ra đối tượng nằm khu vực nào lại hoàn toàn không dễ.
Tại khu vực Đà Nẵng, thượng tá Lê Bá Công, Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã (PC 52, Công an TP.Đà Nẵng) được giao nhận trong trách đưa Tèo ra trước ánh sáng. Sau rất nhiều ngày kiên trì la cà ở …các hàng quán, cuối cùng trinh sát cũng phát hiện “Tèo” đang “chén chú chén anh” ở đường biển Nguyễn Tất Thành. Xác định, trong người Tèo bao giờ cũng có dao, kiếm lại kè kè cả chục đàn em nên lực lượng phá án phải “án binh bất động”.
Thượng tá Lê Bá Công |
Tiếp tục theo dõi, trinh sát phát hiện Tèo rất ma mãnh, chỉ ở nhà mỗi đệ tử 2 ngày. Tèo cũng manh động, sẳn sàng bắt ngay người nhà của đệ tử làm con tin, hoặc chống trả quyết liệt. Nhiều lần nay dù biết rõ nơi Tèo ở, phương án vây bắt vẫn không thể tiến hành. Nhằm chắc thắng và đảm bảo an toàn, PC 52 đã bàn tính phải làm sao tách Tèo ra khỏi đám đệ tử và cả “hàng nóng” trên người Tèo.
Thượng tá Công khi đó đã hiến phương án dùng “mỹ nhân kế”. Tèo làm bảo kê, nên việc để các cô gái tiếp cận sẽ có hiệu quả nhất. Nhưng dùng mỹ nhân nào, nội dung cụ thể ra sao cũng không phải chuyện dễ. Chỉ một chút sơ sẩy của “diễn viên” rất có thể bứt dây động rừng và phải trả giá đắt.
Nhưng may mắn, một trinh sát nữ đã làm tốt trong vai “gái gọi”. Biết Tèo dễ mủi lòng với mỹ nhân, cô này thường xuyên nhắn tin cầu cứu, cho rằng mình bị ăn hiếp, nhờ Tèo ra tay cầu cứu. Cuối cùng, “Tèo” đã chủ động gọi cho mỹ nhân, hỏi đang đi “làm gái” ở quán nào, đồng thời yêu cầu lợi nhuận mình được hưởng.
Sau thỏa thuận, chiều tối ngày 12/8/2012, cả 2 hẹn ở một quán cà phê. Cuộc gặp mặt “bí mật” để cô gái “tâm sự”. Từ nguồn tin đó, anh em trinh sát đã lên phương án mật phục tại quán, chờ thời cơ hành động.
Nhưng qua trò chuyện, Tèo nhanh ý nhận ra mỹ nhân chỉ đang đóng vai gái mại dâm nên vội tìm đường thoát thân, nhưng vài động tác võ thuật, Tèo bị khóa tay. Kiểm tra xe của Tèo, trinh sát phát hiện một roi điện và bình xịt hơi cay. 2 hung khí này Tèo thường mang trong người phòng bất trắc, nhưng do tối đó đi gặp “gái”, Tèo mới để cốp xe.
Đối tượng Tèo |
Thay đổi kịch bản trong chớp mắt
Ngày 9/9/2010, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52, Công an TP.Đà Nẵng) được thành lập. Lúc này, mọi công tác tổ chức còn đang ngổn ngang nhưng chỉ sau đúng nửa ngày, các trinh sát nhận lệnh tiếp cận hồ sơ về đối tượng Nguyễn Tường An (SN 1978, ngụ Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng).
Nhân thân An thể hiện, An có trình độ 3/12, không công ăn việc làm ổn định. Đối tượng to cao, tính cách lỳ lượm. Những năm 2000, An đã quy tụ dưới trướng của mình hàng chục đàn em hung hãn, nhận “bảo kê” hết các địa bàn nhạy cảm như bến xe, ga tàu, các quán nhậu khu vực Ngã Ba Huế và giáp ranh các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ.
Cũng vì tiếng tăm nên bè bạn, người thân của An, nếu ai có việc cần giúp đỡ liên quan đến tay chân, đánh đấm, An hào hiệp thực hiện ngay. Năm 2002, người bạn An đang làm vệ sĩ cho 1 công ty xảy ra cãi cọ với đồng nghiệp nên nhờ An tới “dạy cho bài học”. Bạn vừa mở lời, An cũng chưa biết mức độ mâu thuẫn lớn nhỏ ra sao, vội kêu 4 đàn em chở mình tới chân cầu Sông Hàn.
Tại đây, nhìn thấy hàng chục vệ sĩ đang tập luyện, An lớn tiếng gọi người dám “hỗn” với bạn mình lại “nói chuyện”. Người này không hiểu chuyện gì, vừa bước ra chưa kịp chào hỏi, An vung mã tấu chém tới tấp.
Anh vệ sĩ bỏ chạy theo đường Bạch Đằng, An truy đuổi, túm tóc lôi vào quán cà phê gần đó, dùng vỏ chai, ly thủy tinh đấm đánh tiếp. Do biết An có máu giang hồ nên khi thấy đối tượng động thủ, nhiều vệ sĩ khác không dám can ngăn.
Qua hơn 15 phút, An nghe báo có lực lượng công an tới mới nhanh chân bỏ trốn, để lại nạn nhân nằm bất tỉnh, máu me đầy người. Từ kết quả giám định, An gây thương tích tới 70% cho người khác nên bị truy nã thuộc diện đối tượng đặc biệt nguy hiểm.
Sau 8 năm “mất tích”, An mới quyết định về thăm nhà vào ngày 9/9/2010. Lúc này, thông tin trinh sát PC52 biết về An chỉ qua tờ lệnh ngắn gọn và nhắn nhủ của lãnh đạo phòng: đối tượng đặc biệt nguy hiểm, luôn mang “hàng nóng” bên mình.
Tuy nhiên, theo thượng tá Trần Cảnh, phó trưởng phòng PC 52, với kinh nghiệm của 1 trinh sát, anh em trinh sát nhanh chóng “đọc vị” bản chất đối tượng và hiểu được tính chất quan trọng công việc mình đang làm. Có số má nên về quê, đi đến địa bàn nào, An cũng được hàng chục đối tượng cộm cán khác sẵn sàng bảo vệ.
Do đó, việc bắt An càng phải được lên phương án chi tiết, đảm bảo tính bất ngờ, an toàn. Trinh sát được huy động tổng lực, bố trí ở nhiều vị trí khác nhau nhằm đề phòng đối tượng bỏ đi ngay trong đêm. Thượng tá Cảnh nhớ lại, lúc đó trời mưa như trút, đến 2 giờ sáng, anh em bụng đói cồn cào và buồn ngủ nhưng không ai dám lơ là, hay rời vị trí nửa bước.
Càng về sáng, cái đói, cái lạnh càng tăng lên. Tới 5 giờ, An vẫn chưa rời khỏi nhà nên lãnh đạo Phòng đưa ra phương án rút các trinh sát mai phục cả đêm trong vai những con nghiện để về thay đổi trang phục, hóa trang thành nhân vật xe ôm, buôn bán.
8 giờ, trong lúc các “diễn viên” đang loay hoay với công việc, bất ngờ xuất hiện một thanh niên chạy xe máy tới trước cửa nhà An. Nhanh chóng, An từ trong bước ra, nhảy phắt lên xe đang rồ ga sẳn, thẳng tiến về phía bến xe Đà Nẵng.
Ngay lập tức các trinh sát đành bỏ dở công việc đang nhập vai để đuổi theo đối tượng. Suốt quãng đường ra bến xe, vì đông người qua lại, hơn nữa, bên An có rất nhiều đàn em, đều thủ dao sẳn sàng chống trả nên cũng không thể ra tay.
Kế hoạch tiếp cận An tại nhà bất thành, lúc này, các trinh sát đưa ra kế sách: tạo một vụ va chạm làm đổ xe đối phương. Bị ngã bất ngờ, An đứng dậy đòi đánh kẻ đã gây tai nạn với xe mình. Tuy nhiên, các trinh sát trong vai “người đi đường” đã ập vào khống chế, không để An có cơ hội đụng đến “hàng nóng”. Chỉ tới khi tra tay vào còng số tám ai nấy mới biết, An bị Công an theo dõi, tóm gọn./.