Dù đang trong giai đoạn sửa chữa nhưng ban ngày cầu Long Biên vẫn bị chiếm dụng để họp chợ, ban đêm trở thành sân chơi để các hàng quán “chặt chém” khách vãng lai. Hình ảnh nhức nhối này đã và đang làm xấu đi nét văn hóa của người Hà Nội, gây không ít bức xúc cho dư luận.
Ban ngày bán hàng rong giữa công trường
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng, đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Cầu được kiến trúc sư thiết kế tháp Eiffel thiết kế, xây từ năm 1899 đến năm 1902.
Cầu Long Biên gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Trải qua 2 cuộc chiến tranh và hơn 100 năm tồn tại, cây cầu đã bị xuống cấp ở mức báo động.
Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra phương án gia cố, sửa chữa cầu Long Biên với kinh phí lên tới 300 tỷ đồng lớn gấp 3 lần tổng kinh phí hai đợt tu sửa lớn giai đoạn 1995 - 2010.
Lên cầu Long Biên vào những ngày này, người Hà Nội đều có thể cảm nhận không khí khẩn trương của cuộc đại tu cây cầu - chứng nhân lịch sử. Trong giai đoạn 1 của dự án, toàn bộ kết cấu cơ bản của cầu sẽ được gia cố nhưng các phương tiện giao thông vẫn có thể di chuyển trên cầu. Ở mỗi nhịp nghỉ giữa cầu, máy phát điện, máy khoan, máy ép đinh ốc được tập kết và điều động để phục vụ quá trình thi công, sửa chữa.
Điều đáng bàn là công trường luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho người qua lại, nhưng từ sáng sớm, nhiều gánh hàng rong đã ngồi trên cầu bán hàng. Bất chấp cảnh tượng bụi bay mù mịt, công nhân vận chuyển gỗ, thép qua lại, cảnh tượng kẻ bán, người mua vẫn diễn ra.
Chỉ khi có cán bộ quản lý đi dẹp, họ mới hô nhau “công an, chạy đi…!”. Thế là trong chốc lát, những gánh hàng rong trên cầu mất hút, người bán hàng nhanh nhẹn gánh hàng của mình xuống dưới cầu, chờ đến khi cán bộ quản lý đi qua, họ lại gánh lên bán tiếp.
Ban đêm chiếm dụng vỉa hè mở quán “chặt chém”
Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa. Nhưng ngày nay, đường bộ trên cầu Long Biên đã không còn nét văn hóa của Thủ đô. Trên cầu Long Biên chỉ còn cảnh tượng kinh doanh bát nháo diễn ra vào 8 giờ - 12 giờ đêm. Vào thời điểm này, hai bên vỉa hè cầu đều ngập kín chiếu nghỉ của các quán nước.
Người dân đi bộ trên cầu cho biết, các quán cóc chiếm dụng vỉa hè đã xuất hiện độ 2 – 3 năm trở lại đây. Tình trạng lấn chiếm diễn ra “sôi nổi” nhất vào những ngày hè nóng nực. Chiếu nghỉ trải ở đâu là địa bàn “chiếm đóng” của các quán nước ở đấy, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, nhường chỗ cho họ kinh doanh. Chưa hết, xe máy của khách dựng dưới đường dọc hai bên cầu gây cản trở giao thông cho các phương tiện qua lại.
Mỗi chủ quán đều được phân chia khu vực trải chiếu riêng. Không hiểu họ đã thỏa thuận với nhau bằng cách nào mà không ai xâm phạm địa bàn của ai, cũng chẳng có ai dám đuổi họ đi?. Bất cứ ai đỗ xe gần nơi được trải chiếu đều được chủ quán mời chào uống nước, còn nếu không ngồi xuống chiếu, người dân bị đuổi đi chỗ khác.
Điều đáng nói, đồ uống ở đây có giá đắt hơn nhiều nơi khác gấp mấy lần. Trung bình 50.000 đồng cho 1 cốc nước, 30.000 đồng cho 1 đĩa hướng dương và cá biệt có những quán “hét giá” 250.000 đồng. Nếu đôi co, cãi cọ với chủ quán, khách hàng sẽ ngay lập tức bị đe nẹt, "dằn mặt" kiểu “dân anh chị”.
Vừa qua, clip ghi lại hình ảnh đe nẹt của chủ quán trên cầu Long Biên do VTV ghi lại đã gây bức xúc cho dư luận. Những lý do biện bạch cho việc “móc túi” khách hàng của các quán nước trên vỉa hè cầu Long Biên như: “Đây là mức giá chung trên cầu, giá vé trông xe có đắt thì cũng đảm bảo an toàn”; “Các anh ngồi mất xe ai chịu cho các anh?”, hay chủ quán đanh giọng: “Cô nói trước cho các cháu, nếu không trả đúng tiền, kể cả đầu kia và đầu này cháu cũng không qua được cầu. Cô nói thẳng một điều là công an lên đây cũng không làm gì được”.
Biết mình bị “chém” nhưng khách hàng nào cũng phải trả tiền vì sợ bị chủ quán hành hung. Bức xúc hơn cả, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng không một lực lượng chức năng nào đứng ra dẹp bỏ quán cóc, bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Bảo tồn cầu Long Biên, chỉ cần sửa chữa cầu là đủ?
Cầu Long Biên có ý nghĩa thiêng liêng không chỉ vì nó gắn bó lâu đời với người Hà Nội mà hơn hết nó là một tác phẩm tuyệt vời của Eiffel, kiến trúc sư đại tài của thế giới. Sau khi dự án tu sửa cầu Long Biên hoàn tất, nhiều ý kiến cho rằng cầu Long Biên rất có thể sẽ trở thành địa điểm du lịch tiềm năng của Hà Nội. Chúng ta cần bảo tồn, gìn giữ nó như người Pháp trân trọng tháp Eiffel.
Muốn vậy, song song với việc tu sửa “sức khỏe” cho cây cầu, chúng ta nên trả lại hình ảnh văn hóa bình yên cho cây cầu trăm năm tuổi. Những hình ảnh gây mất mỹ quan, lộn xộn trên cầu như họp chợ, phóng uế, chiếm dụng vỉa hè cần được dẹp bỏ một cách kiên quyết bởi các cơ quan chức năng.