Hiểm họa cháy ở bất cứ nơi đâu
Một thông tin khác khiến dư luận không khỏi lo ngại từ kết quả khảo sát của ngành chức năng về nguồn nước công cộng có thể phục vụ chữa cháy ở TP Hà Nội cho thấy: Thành phố có 1.900 trụ cấp nước chữa cháy, hơn 500 hộp, họng, hố ga thu nước, 14 bể trữ nước có dung tích 100 m3 tại các vườn hoa công cộng, 16 nhà máy và trạm cung cấp nước sạch, cùng nhiều ao, hồ. Tuy nhiên, trong 1.900 trụ cấp nước chữa cháy chỉ có 1.100 trụ lấy được nước, số còn lại không lấy được vì nước bơm theo giờ; một số trụ nước bị hoen gỉ, lún nghiêng, xuống cấp, do công tác bảo dưỡng, duy tu chưa được thực hiện thường xuyên, hoặc do quá trình thi công đào đường, lát vỉa hè thiếu cẩn thận trên một số tuyến phố, gây sự cố hỏng hóc.
Ở nhiều địa bàn dân cư cho thấy, nguồn nước không ổn định; có nơi nước chữa cháy sử dụng chung với nước sinh hoạt; hệ thống cấp nước một số khu đô thị, khu công nghiệp chưa hòa mạng với hệ thống cấp nước thành phố như: Khu đô thị Đại Kim - Định Công, khu công nghiệp Sài Đồng- Long Biên, Nguyên Khê - Đông Anh, cụm công nghiệp thực phẩm Hapro - Gia Lâm; một số khu công nghiệp lớn chưa xây dựng trụ nước chữa cháy: Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, Quang Minh - Mê Linh, khu công nghiệp Quốc Oai - Thạch Thất. Nhiều hồ chứa nước trong thành phố không có điểm đỗ, dừng xe hút nước chữa cháy, không có biển báo vị trí hố thu nước như các hồ: Thanh Nhàn, Đắc Di, Thành Công, Hai Bà Trưng. Nhiều ao, hồ bị đất cát ứ đọng, hoặc bị lấn chiếm, san lấp bừa bãi; một số bể nước chữa cháy bị mất khóa, mất nắp, rò rỉ, hỏng.
Hiện trường vụ cháy ở tòa nhà CT4A khu đô thị Xa La. |
Trước đó, trao đổi trên tờ Đất Việt, Đại tá Nguyễn Văn Lâm - Chánh thanh tra cảnh sát PCCC Hà Nội đánh giá: Công tác phòng cháy và chữa cháy tại các tòa nhà chung cư cao tầng hiện nay có rất nhiều điều đáng bàn. Các khu chung cư hiện nay cơ bản đã đáp ứng được một số yêu cầu về công tác phòng cháy và chữa cháy, đã tổ chức được lực lượng PCCC tại chỗ đồng thời có những phương tiện phòng cháy chữa cháy cần thiết được trang bị tại cơ sở để sử dụng khi có hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, lực lượng PCCC tại chỗ khi được thành lập thì theo quy định phải được bồi dưỡng, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC theo định kỳ, thế nhưng một số khu chung cư chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Đội PCCC cơ sở được thành lập nhưng chưa được huấn luyện, bồi dưỡng bổ sung, dẫn đến nghiệp vụ yếu, lúng túng khi có hỏa hoạn xảy ra.
Cán bộ công nhân viên làm việc tại tòa nhà cũng như người dân sống tại đây chưa được chủ đầu tư quan tâm để tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền những kiến thức cơ bản về PCCC nên không thể chủ động khi có hỏa hoạn xảy ra, còn tỏ ra thụ động.
Về phương tiện phòng cháy chữa cháy tại cơ sở: Một số chung cư khi trang bị, lắp đặt phương tiện PCCC đã không thực hiện đúng theo thiết kế đã được thẩm duyệt trước đó, cắt bớt hạng mục, hoặc trang thiết bị không đảm bảo số lượng, chủng loại theo quy định cho nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PCCC.
Thậm chí 1 số chung cư khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã đưa vào hoạt động, tổ chức bán cho các hộ dân dẫn đến những hiểm họa khó lường khi có hỏa hoạn xảy ra.
Về những khó khăn khi tiếp cận các tòa nhà chung cư cao tầng bị cháy, Đại tá Nguyễn Văn Lâm cho hay: Hiện nay ở HN thang dùng trong PCCC chủ yếu là loại thang 56 m. Thang này thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phục vụ chữa cháy. Từ tầng 13 trở xuống thì việc dùng xe thang để tiếp cận đám cháy, giải cứu những nạn nhân đang mắc kẹt bên trong còn thuận tiện, nhưng khi lên trên cao hơn thì rất vất vả, hạn chế hơn.
Ngoài ra, tình trạng giao thông thường xuyên ùn tắc, đường hẹp, ngõ ngách, dây điện nhằng nhịt cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc triển khai các phương tiện PCCC, cứu hộ tại các khu chung cư cao tầng.
Cháy chung cư 21 tầng, làng sinh viên Hacinco |
Cháy do ý thức kém
Phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, ý thức của người dân về việc phòng cháy chữa chưa vẫn còn chưa cao. Sự chủ quan của một bộ phận người dân vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất an toàn phòng chống cháy nổ. Vẫn còn có một bộ phận lớn người dân còn tâm lý: Chưa cháy, chưa lo.
Năm 2012, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội điều tra và xác định, thủ phạm gây cháy lớn tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott Hanoi (thôn Hạ Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra chiều ngày 2/8/2012 được xác định là do tàn thuốc lá rơi vào tấm xốp đã qua sử dụng, được đặt ở phía ngoài ngôi nhà đã làm lửa bùng phát. Ngọn lửa nhanh chóng lan lên các tầng trên khiến hàng trăm công nhân trong khu vực thi công bỏ chạy toán loạn.
Gần đây nhất, vào khoảng 20 giờ 30 tối ngày 13/10 tại tòa nhà chung cư VP5 tại Bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), bất ngờ chuông báo cháy vang lên inh ỏi khiến nhiều người dân hốt hoảng chạy xuống sân trước của tòa nhà. Theo một số nhân chứng, thời điểm trên, bất ngờ chuông báo cháy của tòa nhà VP5 vang lên inh ỏi. Người dân từ các tầng phía trên chạy nháo nhác theo đường thoát hiểm xuống dưới sân. Sau đó, thông tin về hỏa hoạn đã báo cho lực lượng chức năng ứng cứu. Tuy nhiên, khi lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) điều 2 xe chữa cháy cùng 1 xe thang đến hiện trường đã xác minh chỉ là báo cháy “giả” nên đã rời khỏi khu vực ngay sau đó.
Theo một bảo vệ tòa nhà cho hay, do có người hút thuốc xong vứt mẩu thuốc thừa vào khu vực chuông báo. Chuông hoạt động mới “rú” lên, nhưng ngay sau đó bảo vệ đã dập tắt chuông báo báo động. Như vậy, chỉ vì mẩu thuốc lá thừa của 1 người vứt vào khu vực chuông báo cháy mà hàng trăm người dân chung cư VP5 tại Bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) hoảng hồn tháo chạy xuống đường. Nhiều hộ dân sinh sống tại tòa nhà VP5 cho biết, chuông báo cháy của toà nhà thường xuyên bị kích hoạt, nghi do ý đồ xấu, nhằm gây tâm lý hoang mang, bất an cho cư các hộ dân đang sinh sống tại đây.
Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, các chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, thu hút số lượng lớn người dân sinh sống. Trong khi đó, lực lượng, phương tiện chữa cháy của Thủ đô còn nhiều khó khăn, bất cập. Thiết nghĩ, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, nâng cao ý thức về công tác PCCC cho chủ đầu tư và cư dân các chung cư cao tầng./.