Chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 27/10, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Người Làm báo và Báo Nhà báo & Công luận đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông”.
Tọa đàm tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Khẳng định những giá trị lịch sử và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với thế giới và Việt Nam và tương lai nhân loại; Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hóa” của một bộ phận đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, những hệ lụy và nguyên nhân của suy thoái, “tự chuyển hóa”; Đề xuất các giải pháp quan trọng chống suy thoái và “tự chuyển hóa” với mục đích nhằm tuyên truyền ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với Việt Nam qua các thời kỳ, phê phán những nhận thức lệch lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Theo Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng thông tin điện tử, Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên nhân khiến tình trạng “chạy” (“chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy chính sách”…) ngày càng nghiêm trọng một phần là do yếu kém trong quản trị quốc gia, trong đó có việc duy trì quá lâu cơ chế xin - cho. Vì vậy, để tạo ra được sự đột phá vào thành trì của tham nhũng, lãng phí, “nhóm lợi ích” và chống được tâm lý coi trọng “chạy” trong xã hội hiện nay cần nghiên cứu đến các giải pháp mang tính đặc biệt, trước hết là tiến hành sửa “lỗi hệ thống”, lỗi về thể chế.
Theo Nhà báo Văn, lâu nay chúng ta quản trị đồng tiền không tốt, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho kinh tế - xã hội. Chúng ta nói xóa bỏ cơ chế xin – cho nhưng đến nay cơ chế đó vẫn tồn tại. “Người có quyền càng to thì hưởng lợi của việc xin - cho càng lớn. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho nhiều cán bộ giàu lên bất thường. Và câu chuyện “ngồi mát ăn bát vàng” lại trở thành hiện tượng phổ biến”, ông Văn nhận định và cho rằng cơ chế xin - cho cần phải bỏ ngay và phải được thay bằng một cơ chế khác.
Còn TS Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng khoa Tuyên truyền Học viện Báo chí và Tuyên truyền – thì cho rằng vấn nạn “chạy” vẫn còn hoành hành vì nó còn có cửa để mà chạy, cửa trước đóng thì người ta chạy cửa sau, cửa đóng ban ngày thì người ta chạy cửa ban đêm. “Lò cháy rồi nhưng sức nóng của nó làm sao có thể sưởi ấm đến tận hang cùng ngõ hẻm. Chỉ khi nào ta bịt hết cửa và người được “chạy” không tiếp tay thì lúc đó vấn nạn “chạy” mới hết đất sống”, ông nói.
Theo TS.Vĩnh, chống “chạy” với chống tham nhũng là hai vấn đề rộng hẹp khác nhau. Trong đó, nếu nói về triển vọng cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thì theo ông, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần phải xác định phương châm: trường kỳ kháng chiến; phải đánh kiên trì, liên tục từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác mới thành công bởi chúng ta để tình trạng này quá lâu đến nỗi cái xấu, cái ác lớn mạnh hơn cả cái tốt, cái tích cực.