Thước đo nào cho chất lượng TPCN “nội” và “ngoại”?
Từ khi du nhập vào Việt Nam, TPCN ngoại luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt xu thế ấy, nhiều nhà sản xuất trong nước đã tìm hiểu, bắt tay vào sản xuất TPCN. Lợi thế của Việt Nam là có nguồn nguyên liệu thảo dược, khoáng chất dồi dào, phong phú. Cùng với đó kinh nghiệm y học cổ truyền hơn hẳn nhiều nước trên thế giới, nên TPCN cũng kỳ vọng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kinh tế - y tế mang tính dân tộc, khoa học, hiện đại, hội nhập để phục vụ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có khoảng 5.000 sản phẩm TPCN, trong đó có từ 5 – 7 loại dùng cho hỗ trợ điều trị ung thư. Theo tìm hiểu của PV, giá bán của TPCN “nội” rẻ hơn nhiều so với “ngoại”. Cũng vì tâm lý xính ngoại nên phần lớn người tiêu dùng trong nước cho rằng, chất lượng sản phẩm “nội” kém hơn “ngoại” nhiều, vì thế họ “quay lưng” với hàng “nội”.
Thực tế, chất lượng các sản phẩm TPCN “nội” và “ngoại” khác nhau thế nào? Việc so sánh sản phẩm trong nước không tốt bằng sản phẩm nhập khẩu không ai có thể trả lời được chính xác. Chia sẻ với báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng (Phó Chủ tịch Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam - VIDS) cho biết: “Người Việt Nam có tâm lý xính ngoại, cho rằng hàng “ngoại” bao giờ cũng tốt hơn hàng “nội” nhưng điều này chưa chắc đã đúng. Không ai có thể đưa đến câu trả lời chính xác rằng TPCN “nội” tốt hơn “ngoại” và nếu có thì chỉ là câu trả lời mang tính phiến diện. Để so sánh được điều này, phải dựa trên thử nghiệm lâm sàng khoa học với hai sản phẩm song song cùng một tiêu chí, như thế mới có thế mới đánh giá được. Còn kết luận dựa trên mức độ cảm tính thì không thể biết được sản phẩm nào tốt hơn”.
Nguồn nguyên liệu để sản xuất cho các sản phẩm TPCN của Mỹ hay của Việt Nam thì cũng từ 40 - 60% là nguyên liệu Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm của hàng “nội” và “ngoại” hoàn toàn khác nhau. Cùng là một loại sản phẩm hỗ trợ điều trị sản xuất ở trong nước có giá bán rất rẻ, trong khi đó sản phẩm nhập khẩu giá bán cao hơn nhiều lần. Bởi sản xuất trong nước không mất thuế nhập khẩu, giá nguyên liệu, nhân công rẻ. Trong khi đó, hàng nhập khẩu phải chịu mức thuế cao từ 30 - 40% khiến giá bán sản phẩm cao. Chưa kể chi phí vận chuyển, nhân công lao động đắt đỏ… Sản phẩm nhập khẩu đắt còn do các nhà sản xuất nước ngoài tuân thủ chặt chẽ quy trình Thực hành tốt sản xuất (GMP-HS) trong sản xuất TPCN…
Trên cương vị một nhà sản xuất TPCN thương hiệu Việt, ông Đỗ Ngọc Thạch, Phó Tổng Giám đốc TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC) cho biết, ông rất tự tin để so sánh chất lượng sản phẩm của công ty mình với sản phẩm nhập khẩu. Theo ông, sản phẩm TPCN Việt Nam không hề thua kém chất lượng so với các sản phẩm từ các quốc gia lớn trên thế giới.
Cần xây dựng chuẩn GMP trong sản xuất TPCN
TPCN được sản xuất từ các loại nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên: Thực vật, động vật… nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, hỏng và biến đổi chất lượng. Do vậy, khâu kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, bảo quản và chế biến các loại TPCN rất quan trọng. Do tính chất dễ biến đổi và phức tạp, các hoạt chất được xác định có hàm lượng rất thấp trong nguyên liệu của TPCN nên việc kiểm soát quá trình là rất cần thiết.
“Xây dựng quy trình thực hành tốt sản xuất (GMP-HS) sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn cho người sử dụng. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng của TPCN Việt, là “đòn bẩy” tiến đến thị trường chung ASEAN vào năm 2015 tới. Tuy việc sản xuất về thực phẩm nói chung và TPCN nói riêng được quy định trong Luật An toàn thực phẩm là phải phấn đấu đạt tiêu chuẩn GMP, ISO HACCP… Thế nhưng cho đến nay quy trình kiểm soát này vẫn chưa được chú trọng, chưa bắt buộc phải tuân thủ trong sản xuất TPCN” - Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh.
Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng cho biết thêm: “Hiện nay nguồn nguyên liệu ở Việt Nam chưa có cơ quan nào đứng ra đảm bảo có đúng với tiêu chuẩn công bố hay không. Sản phẩm thì na ná nhau vì cùng tiêu chuẩn nhưng quy trình GMP-HS lại dễ làm ẩu vì chưa bắt buộc. Mà càng sản xuất nhập nhằng, càng rẻ càng tốt… khiến chất lượng giảm sút.
GMP-HS là hai năm đánh giá một lần, nhà sản xuất phải tuân thủ GMP-HS mới đảm bảo chất lượng vì nó sẽ lưu lại chứng cứ của quy trình sản xuất. Ví dụ: Mua cây trinh nữ hoàng cung, phải có hồ sơ, có người mua, người kiểm nghiệm nguyên liệu này có đạt tiêu chuẩn không, sau đó mới cho vào nhập kho, sản xuất, nấu cao. Hồ sơ nấu cao, ai là người nấu cao, nhiệt độ hôm ấy thế nào… cũng được ghi chép đầy đủ. Cuối cùng mới bắt đầu pha chế, đóng gói, dập viên… Tất cả những khâu ấy đều có kiểm nghiệm. Khâu nào đạt thì mới đến khâu khác sản xuất tiếp. Các doanh nghiệp bình thường nếu không sản xuất theo quy trình GMP-HS thì làm xong rồi họ mới kiểm nghiệm xem sản phẩm có đạt không. Như vậy thì sẽ rất khó đo giá trị sản phẩm khi không biết rõ được quy trình sản xuất”.
Thực hiện đúng theo quy trình GMP-HS, sản phẩm mới khiến người dân yên tâm, nhà quản lý cũng yên tâm và khi truy xuất lại sẽ biết lỗi ở chỗ nào… Thế nhưng cho đến nay rất ít doanh nghiệp sản xuất TPCN ở Việt Nam tuân thủ điều này. Việc tuân thủ quy trình GMP-HS trong sản xuất TPCN không tốn kém lớn, chủ yếu là do ý thức của nhà sản xuất.
Hiện nay Hiệp hội TPCN Việt cũng đang khuyến khích các nhà sản xuất trong nước sản xuất TPCN theo quy trình GMP-HS để cho ra đời những sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất và thực hiện quá trình hòa hợp tiêu chuẩn ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào năm 2015. Có như vậy mới khiến người dân không còn “thờ ơ” hay “quay lưng” với sản phẩm TPCN nước nhà.
Nguyên tắc GMP-HS do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) ban hành dựa theo hướng dẫn của GMP ASEAN (guideline), gồm 10 chương quy định rõ ràng về: Quản lý chất lượng; Nhân sự; Nhà xưởng và trang thiết bị; Vệ sinh, Hồ sơ tài liệu; Sản xuất và kiểm soát quá trình; Kiểm tra chất lượng; Sản xuất và kiểm nghiệm theo hợp đồng; Khiếu nại và thu hồi sản phẩm, Tự thanh tra.
Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế IMC là công ty đầu tiên trong nước áp dụng nguyên tắc này (được cấp chứng nhận GMP - HS ngày 19/5/2011). Đây là sự nỗ lực tự khẳng định mình của IMC, đồng thời, cũng là sự ghi nhận đầu tiên của ngành TPCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế IMC là công ty đầu tiên trong nước áp dụng nguyên tắc này (được cấp chứng nhận GMP - HS ngày 19/5/2011). Đây là sự nỗ lực tự khẳng định mình của IMC, đồng thời, cũng là sự ghi nhận đầu tiên của ngành TPCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.