Nhưng thà thiếu nước lại đành một nhẽ, khoảng 5.000 hộ dân ở Mỹ Đình còn khốn khổ hơn khi vẫn có nước sinh hoạt nhưng thứ nước ấy lại nhiễm độc vượt gần 40 lần mức cho phép...
Ngày ngày uống nước độc
Đó là tình cảnh khốn khổ của người dân khu Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang phải đối mặt. Từ 2 năm trước, người dân đã phát hiện những bất thường về màu sắc, mùi vị trong nước sinh hoạt dùng thường ngày.
Những kết quả kiểm nghiệm sau đó được nhiều hộ gia đình mang về đã khiến người dân nơi đây tá hỏa: Hàng ngày, họ đang bị đầu độc mà không biết! Hàm lượng Asen trong nước sinh hoạt của khu Mỹ Đình cao hơn mức cho phép tới 37 lần.
Asen - thường được biết đến dưới một cái tên thông dụng hơn là “thạch tín” - là chất cực độc, ở liều lượng cao đủ làm chết người còn ở hàm lượng thấp có thể gây nên biến đổi sắc tố da, sạm da, sừng hóa, ung thư da cũng như tác hại đến hệ cơ quan thần kinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim... Vượt mức tới gần 40 lần mức cho phép, tỷ lệ Asen quá cao trong nước sinh hoạt mà người dân Mỹ Đình sử dụng như thế có thể xem như hàng ngày họ “uống” thuốc độc.
Trong bối cảnh Hà Nội không có nhiều lắm các nguồn cung cấp nước, dân số lại gia tăng chóng mặt với hàng loạt các khu chung cư cao tầng trong khi hệ thống đường ống dẫn và cung cấp nước chậm được hoàn thiện, “bài toán” nước sạch của người dân Hà Nội mỗi mùa hè đến lại càng trở nên “khó giải”. Để tự cứu mình, hàng loạt hộ dân khu Mỹ Đình buộc phải lắp đặt thêm hệ thống lọc nước, “tự chế” nhiều kiểu lọc và dự trữ nước bất kể họ đang sống ở nhà thấp tầng hay cao tầng.
Ai lo cho dân?
Đây không chỉ là câu hỏi người dân Mỹ Đình đặt ra, mà ai dẫu có một chút trách nhiệm cũng đều phải hỏi. Chính quyền TP.Hà Nội chứ chẳng phải ai khác chính là người phải chịu trách nhiệm giải đáp câu hỏi của người dân.
Kiện cáo mãi chuyện vẫn “đâu đóng đấy”, hàng trăm hộ dân ở khu nhà NO1, NO2, NO3, NO4, NO5 khu Mỹ Đình cực chẳng đã đã phải đồng loạt treo băng rôn với dòng chữ “Vô trách nhiệm với sức khỏe người dân”, “Công ty CPĐT BĐS Hà Nội cấp nước nhiễm Asen”.
Hai năm đã qua, tưởng với phản ứng quyết liệt như thế thì người dân thôi phải ngày ngày “nốc” nước nhiễm độc, hóa ra không phải. Ngành nước dường như quá tải trong việc cung cấp cho đủ nước mà chẳng còn hơi sức đâu nhớ đến chuyện khắc phục vụ nước nhiễm Asen.
Trong khi người dân chìa ra hàng chục, thậm chí cả trăm tờ giấy kết quả xét nghiệm chất lượng nước, khẳng định mức độ nhiễm độc là quá cao thì chủ đầu tư vẫn loanh quanh kiểu “nước vẫn có chất lượng đảm bảo”. Thế này thì người dân biết kêu ai, biết chạy đi đâu để có xô nước sạch “đúng nghĩa” mà dùng?
Mãi gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải trực tiếp yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND TP.Hà Nội và các cơ quan liên quan kiểm tra, khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt tại các khu chung cư. Qua kiểm nghiệm các mẫu nước ở các nhà máy và trạm cấp nước, Bộ Y tế đã đề nghị TP.Hà Nội dừng hoạt động Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 - công suất 800m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 5.000 gia đình, có nồng độ Asen cao gấp nhiều lần cho phép.
Người dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư cung cấp nước bẩn |
Từ đầu đến giờ, bài viết đề cập câu chuyện thiếu nước và dẫu có nước nhưng tiếc lại là nước nhiễm độc. Chỉ duy có một điều khiến người viết cũng như người đọc đều thấy băn khoăn, day dứt: Người dân chốn đô thị nay sao mà phải sống vất vả, khổ sở đến thế? Và, một câu chuyện nước sinh hoạt, hóa ra còn có nhiều điều đáng để lạm bàn, hầu mong có sự chuyển biến đáng kể hơn nữa trong các cấp chính quyền nơi đô thị chăng.
Trước tiên, hãy xét cái quy mô của vụ “nước nhiễm Asen”. Chả nhẽ cái sự vô cảm lại “sâu sắc” đến nhường ấy trong các cấp chính quyền từ thôn cho đến thành phố, để chỉ vài chục lít nước mỗi ngày cho mỗi hộ gia đình cũng phải “động” đến cả một Phó Thủ tướng phải “cho ý kiến chỉ đạo giải quyết”?
Nếu chúng tôi là ông Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình, hẳn sẽ được nhiều điểm cộng từ đánh giá của người dân Mỹ Đình nếu mau mắn có ngay một cái báo cáo nhanh chuyện “nước thạch tín” mà gửi lên UBND quận Nam Từ Liêm. Đến lượt mình, ông Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm hẳn đủ thẩm quyền lập một đoàn kiểm tra liên ngành đến tận thực địa, “cho đòi” chủ đầu tư đến ngồi giải trình cho đến nơi đến chốn để nhanh chóng có được biện pháp khắc phục.
Và ở cấp thành phố, chỉ liếc qua báo chí, ông Chủ tịch UBND thành phố cũng đủ thời gian “bút phê” giao “kiểm tra, xác minh sự việc báo nêu, báo cáo về UBND TP trước ngày...” Chỉ một mệnh lệnh, một yêu cầu, một dòng bút phê của Chủ tịch Ủy ban nhân dân - dù là cấp xã hay thành phố - cũng đủ khiến dân Mỹ Đình thở phào yên lòng “thôi thì trăm sự chúng em chờ các bác xử lý dứt điểm cho”, đủ để dân cư nơi khác biết rằng chính quyền là của chúng ta, vẫn đã và đang đứng cùng chúng ta, chia ngọt sẻ bùi với chúng ta chứ hoàn toàn không xa cách kiểu “quan trên trông xuống”. Dẫu chưa có ngay được xô nước trong lành cho bữa cơm chiều thì lòng dân cũng an đôi phần; mà lòng dân an, thì chính quyền ổn, chứ còn gì nữa?
Để hơn 2 năm trời mà nước nhiễm Asen vẫn là chuyện “nóng”, thật lòng người dân không phẫn uất mới là lạ. Chẳng phải lo cứu đói lúc giáp hạt, nhưng bữa cơm thường ngày biết nước nhiễm độc vẫn phải cố lọc đi lọc lại mà dùng thì hỏi còn sự ấm ức, tức tưởi nào hơn? Còn sức ai có thể chịu đựng lâu được đến như thế không?
“Dân dĩ thực vi tiên” - tức người ta lấy miếng ăn làm cái sự ưu tiên trước hết - thì về phần mình, chính quyền cũng phải lấy việc chăm lo cho bữa ăn miếng nước của người dân là cái sự ưu tiên hàng đầu. Chăm cho dân no, dân khỏe, dân an - ấy chính là cái biểu hiện sinh động, đặc sắc của kế “sâu rễ bền gốc” cho quốc gia bởi có no, có khỏe, có an thì mới có sức, có tâm, có tài mà làm giàu cho nhà, làm mạnh cho nước, làm chắc chắn thêm cho chính quyền.
Hàng ngày thiếu hớp nước sạch, cực chẳng đã phải đơn từ khiếu nại rồi hàng năm trời chờ đợi “nước bẩn vẫn hoàn nước bẩn” thì trước tiên người dân bất an với sức khỏe, sinh mệnh chính mình; bất bình với sự vô cảm, chậm trễ của những “công bộc” của mình và từ đó biết đâu lại chẳng nảy sinh bất mãn mà có những lời nói, hành động vượt quá đi cái sự được phép chăng...
Hôm 4/7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phải thốt lên “quá lắm rồi” khi đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa chi cả ngàn tỷ đồng mà hè, lề đường lại làm không được đẹp, không được tiện dụng và an toàn. Sự “điểm mặt chỉ tên” của Bí thư Thành ủy là rất đáng hoan nghênh và bởi vậy, được báo chí trích dẫn như một điển hình của việc sâu sát thực tế, quan tâm chăm lo đời sống người dân.
Ấy thế mà, chính người dân Mỹ Đình thì lại càng thêm ngao ngán mà ước rằng, giá bác Bí thư “chỉ tay” giúp cho vào cái vụ “nước nhiễm Asen” thì hay biết mấy. Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 bị đề nghị ngưng hoạt động, nên chăng khẩn trương đấu nối đường nước từ sông Đà về để người dân thoát cảnh “chết dần”? Đường, hè chưa đẹp có thể sửa lại nhưng đang khỏe lại “dính” bệnh ung thư “vì nước” thì tìm đâu thời gian, tiền của, giải pháp mà “khắc phục” cho được?
Con đường, hè phố cong queo, xấu xí phải khắc phục vì ngoài chức năng giao thông, nó còn là “bộ mặt” thành phố; ngược lại, chăm lo sức khỏe cho dân lại thuộc về “nội dung bên trong” tuy khó biểu hiện sự hào nhoáng long lanh song lại can hệ đến nội lực, sức bền phát triển của thành phố, của đất nước. “Thương dân, dân lập đền thờ”, chính quyền thương dân, chăm dân chính là chăm, là lo cho sự bền vững của chính quyền trong lòng dân; chứ chẳng lẽ chính quyền của dân mà đành để dân sống trong ô nhiễm, xài nước bẩn dài dài?./.