Tờ trình khẳng định việc đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Tại Việt Nam, công tác hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng đối với quản lý nhà nước và xã hội, góp phần bảo đảm ngày một tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Dự thảo Luật Hộ tịch chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành (trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư và Thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.
Dự thảo Luật Hộ tịch xác định rõ 3 loại việc hộ tịch phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, như sinh, tử, kết hôn, xác định giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi ... Dự luật còn có quy định “mở” nhằm đón trước các việc khác liên quan đến hộ tịch có thể phát sinh do sửa đổi, bổ sung các luật liên quan quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình.
Về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, với vai trò của Số định danh cá nhân và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, dự thảo Luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua trực tuyến. Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ Căn cước công dân, trong đó có Số định danh của mình
Dự thảo Luật còn quy định rõ việc miễn lệ phí đối với mọi trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ, đồng thời quy định việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi trong nước của người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng được miễn lệ phí...
Cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Ngoài việc xuất trình thẻ Căn cước công dân có Số định danh cá nhân, người yêu cầu đăng ký hộ tịch về cơ bản chỉ phải nộp văn bản yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Liên quan đến cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và quan hệ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng nhằm lưu giữ, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, được kết nối, tích hợp để cung cấp thông tin hộ tịch đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến và là căn cứ để cấp trích lục hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân; thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phải phù hợp với thông tin trong Sổ hộ tịch./.