Thế hệ 7X về trước khác, thế hệ 8X về sau này khác, ngày xưa trẻ đến trường sướng hơn bây giờ, “ba lô” không trĩu nặng, xương sống không bị ảnh hưởng. Làm bố, làm mẹ ngày xưa cũng sướng hẳn, không có áp lực về tiền nong mua SGK và các loại sách tham khảo (STK). Gần như một nét đẹp truyền thống, lớp trên bọc lại sách cho lớp dưới. Cứ thế mà học, mà thành người.
Câu chuyện SGK, STK có lẽ ở Việt Nam trở thành chuyện “quốc gia đại sự”, tốn rất nhiều tâm lực, trí lực và tiền bạc của xã hội. Nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. “Thực nghiệm” mãi đến 40 năm gấp đôi thời gian Hàn Quốc từ nước nghèo sau chiến tranh trở thành nước giàu.
Theo báo chí, ngày 15/9, GS Nguyễn Minh Thuyết đã có buổi thuyết trình, trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), trong đó có SGK. Chủ biên của chương trình GDPT mới tiết lộ “tổng số tiền cho chương trình đổi mới SGK là 144 tỉ, chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Hà Nội và bằng 600m đường cao tốc Bắc – Nam”.
GS. Thuyết cho biết nếu trước đây nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức, coi trọng vấn đề học sinh biết gì, thì chương trình GDPT mới đích đến là phát triển năng lực học sinh, coi trọng việc các em học xong sẽ làm được gì. Giáo dục là quốc sách hàng đầu và nói như Bác Hồ “Việt Nam có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không trước hết phụ thuộc vào việc học tập của các cháu” thì chừng ấy tiền là quá bé thật.
Vấn đề quan trọng, mấu chốt nhất mấy năm thì biên soạn một lần, tuổi thọ của “chương trình GDPT mới” là bao nhiêu năm. Đây là câu chuyện lớn, không hề nhỏ, phụ huynh nào cũng quan tâm, ngoài “cái chữ vào đầu” còn là cái ví của họ và ba lô con trẻ.
Có câu chuyện liên quan đến SGK đó là hôm qua báo chí đưa tin, qua báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán năm 2017 của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam thì đơn vị này đang “ăn nên làm ra” với các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh trong năm đều tăng trưởng mạnh. Nhà xuất bản này càng lãi thì tất nhiên nộp thuế lớn hơn, thu nhập của người lao động ở đây tăng cao hơn.
Theo báo cáo lương thưởng, mức lương bình quân theo kế hoạch của người lao động tại NXB Giáo dục trong năm 2017 lên tới 20,15 triệu đồng/người/tháng, có nghĩa là lương người lao động bằng tổng lương một đại tá của lực lượng vũ trang. Đối với xã hội điều này chưa chắc đã đáng mừng. Lợi nhuận của họ chủ yếu nằm trên ba lô trẻ đến trường phải cõng.
Đa số phụ huynh ngày nay có ít con nên muốn mua SGK mới, tuy nhiên, phần này chỉ thuộc về những phụ huynh có điều kiện kinh tế, còn lại đa số học sinh nông thôn, miền núi khó khăn vẫn rất cần được “cho sách”. Bao giờ xã hội hết lãng phí và mệt mỏi vì SGK?