'Cha đẻ' sách Công nghệ giáo dục, Bộ GD-ĐT 'lên tiếng' về cách dạy đánh vần 'gây bão'

GS Hồ Ngọc Đại.
GS Hồ Ngọc Đại.
(PLO)  Giữa “cơn bão” dư luận về việc học đánh vần tiếng Việt của học sinh tiểu theo những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác trong những đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, “cha đẻ” của cuốn sách Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, GS TSKH Hồ Ngọc Đại trao đổi thẳng thắn những vấn đề liên quan. Cùng thời điểm, Bộ GD-ĐT cũng lên tiếng chính thức...

Cơn bão chế giễu, xỉ vả

Xem những clip đọc thơ theo ô vuông, hình chữ nhật, hình tròn, clip đốt sách Công nghệ Giáo dục (CNGD), không ít phụ huynh bức xúc cho biết sẵn sàng cho con nghỉ học ở nhà chứ không chịu làm “chuột bạch”…

Trước những tranh cãi về việc áp dụng cách đánh vần Tiếng Việt theo sách CNGD, mới đây nhà văn Hoàng Anh Tú, ông bố 3 con đã bày tỏ quan điểm dưới góc độ của một phụ huynh, cho rằng chưa bàn đến việc đúng hay sai, nhưng thái độ cực đoan của mọi người mới là điều đáng quan ngại. Nên thay vì vào hùa theo đám đông thì hãy tự mình đi tìm hiểu qua nhiều nguồn khác nhau.

Còn nhà báo Phạm Trung Tuyến bày tỏ: “Có thể nói, nếu nhìn vào cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu này, từ các chính trị gia đến luật sư, nhà văn; rồi cả cựu giáo chức, bác sĩ, kỹ sư, cộng đồng mạng xã hội… ai ai cũng nói về nguyên tắc đánh vần sao cho đúng, theo cách nghĩ của mình. Cho dù ông giáo già ấy, ngay cả khi có khả năng, có lợi thế, vẫn chỉ muốn thực nghiệm kết quả nghiên cứu về công nghệ giáo dục của mình trong một phạm vi hẹp, cho những gia đình tự nguyện đặt niềm tin vào phương pháp giáo dục mới của ông,  thay vì áp đặt thành một chính sách giáo dục trên diện rộng”.

Điều đáng buồn, trong suốt quá trình diễn ra cuộc tranh luận ấy, chúng ta thấy rất ít tri thức, ngược lại, có quá nhiều biểu hiện của sự vô văn hóa được thể hiện qua việc tấn công cá nhân một ông giáo già. Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại đúng hay sai?

Điều này không dễ để đánh giá. 40 năm thực nghiệm của ông ở một ngôi trường với những cơ chế đặc biệt mà học sinh là những đứa trẻ được gia đình tự nguyện thực nghiệm có người nọ, người kia, giống như nhiều ngôi trường khác.

Nhưng, đó lại là ngôi trường hiếm hoi mà người ta chen lấn, đạp đổ cả cổng trường để xin được thực nghiệm cho con em mình. Mặc dù ngay cả điều đó cũng không đủ nói lên sự thành công của giáo dục kiểu Hồ Ngọc Đại, thì CNGD của ông cũng không làm hại ai. Vậy tại sao người ta lại tấn công ông giáo già một cách dữ dội như thế?

Để giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, cũng như tránh tình trạng nhiều người không hiểu nhưng vẫn “ném đá” hội đồng, thầy Nguyễn Thành Nam (Hà Nội) đã thực hiện video chia sẻ về nguồn gốc của việc đọc thơ theo ô vuông, tam giác và vì sao lại đọc như vậy. Trong chương trình đại trà, thầy cô muốn dạy học sinh âm gì thì viết âm đó lên bảng với các chữ cái và học sinh chỉ cần đọc, ghi nhớ máy móc âm đó là được, dùng lâu dần sẽ thành quen.

Quan điểm của GS TS Hồ Ngọc Đại từ 40 năm trước không phải là “Tiên học lễ, hậu học văn” mà “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” (ảnh minh họa).
Quan điểm của GS TS Hồ Ngọc Đại từ 40 năm trước không phải là “Tiên học lễ, hậu học văn” mà “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” (ảnh minh họa).

Còn trong chương trình của CNGD, học sinh sẽ được tổ chức để tự mình phân tích âm và ghi âm lại bằng các chữ cái. Cụ thể hơn, thầy Nam lấy ví dụ: Học sinh học câu “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”.  Bình thường các em vẫn nói những câu đó trong cuộc sống hàng ngày, nhưng không nhận thức được câu như vậy được ghép lại từ từng tiếng riêng biệt.

Do đó, ở trên lớp, thầy cô sẽ dạy học sinh tách từng tiếng ra. Có nhiều cách khác nhau, có người vừa đọc “Trong đầm gì đẹp bằng sen” vừa vỗ tay. Cũng theo thầy Nam, khi học sinh vừa vào lớp 1 còn chưa biết mặt chữ, nhưng những hình khối như ô vuông, tròn, tam giác thì quá quen thuộc. Nên việc dùng hình ảnh thân thuộc này để dạy học sinh đếm số tiếng là bình thường.

Hơn nữa, việc dạy như này chỉ xuất hiện khi trẻ em học bài đầu tiên trong chương trình Tiếng Việt 1 CNGD mà thôi. Sau đó, học sinh học vần, rồi học viết chữ như bình thường. Mục đích cuối cùng vẫn là học sinh biết đọc, viết thành thạo tiếng Việt.

 Chị Hà Việt Anh, nguyên Thư ký Tòa soạn Tạp chí Mẹ và Bé, cũng là cựu học sinh của chương trình này cũng cho biết: “Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của Trường Thực nghiệm đã theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hàng ngày rất bình thường, hiệu quả. Xin đừng nhập nhèm với sáng kiến của ông Bùi Hiền, ông ấy đòi cải cách chữ viết tiếng Việt, còn CNGD sử dụng phương pháp dạy trẻ học về âm rồi mới bắt đầu ghép vào chữ cái để đọc. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau”.

GS Hồ Ngọc Đại nói gì?

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại sinh năm 1936, là nhà khoa học giáo dục. Năm 1968, ông theo học ĐH Tổng hợp Lomonosov tại Moscow, Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sĩ về “Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1”. Hai năm sau, ông sáng lập Trung tâm CNGD. Ông ủng hộ việc phát triển nền giáo dục mới, đề cao yếu tố cá nhân, cái tôi của mỗi học sinh, cũng như việc bỏ chấm điểm ở cấp độ tiểu học.

Trả lời về những tranh luận rầm rộ hiện nay, trong đó có những thóa mạ, GS Hồ Ngọc Đại nói: “Ai cũng chê tôi nhưng 40 năm nay Trường Thực nghiệm vẫn tồn tại. Còn giờ có vụ tranh luận này thì tôi cũng không chấp. Làm thì phải biết nghĩ đến những điều lớn lao, những thứ nhỏ nhặt là vô nghĩa, trước mặt tôi chỉ biết học sinh”.

Ông kể: “Khi còn ở Liên Xô, các thầy tôi đã nói: Toán thì chắc không sao, nhưng Tiếng Việt thì chắc phải cần tới 50 năm. Người ta nói phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, ý nói tiếng Việt rất phong phú. Nhưng tôi dạy trẻ con, hết lớp 1, bất cứ ở miền nào đều đọc thông viết thạo, đúng chính tả và không thể tái mù.

Đời sống trẻ con chỉ có một nên tôi phải tận dụng từng giây của chúng. Vì thế, học sinh học CNGD không ôn tập bài cũ là để mỗi giây phút của trẻ con là một giây phút vui vẻ. Học sinh học xong là nắm chắc, không phải ôn tập. Không phải học để thi. Học chữ nào là chắc chữ đó, không thể tái mù được”.

Theo ông, mỗi một cuộc cách mạng phải tạo ra một sự thay đổi về vật chất, tinh thần cho xã hội. Cuộc Cách mạng 1.0, 2.0, 3.0. 4.0... phải có sức mạnh vật chất riêng. Cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay phải tạo ra “máy nghĩ”, hay chính là trí tuệ nhân tạo. Tương tự như vậy, nền giáo dục hiện đại phải là nền giáo dục chưa hề có.

“Chúng ta hay theo những phương châm cũ: noi gương người đi trước, phấn đấu theo người này, người kia. Tôi không chấp nhận. Nền giáo dục phải tạo ra mỗi người là chính họ, riêng biệt, không giống ai. Chúng ta đã có một nền giáo dục nhiều ảo tưởng. Nếu trước đây chỉ có 5% người dân đi học, 95% người đi làm, thì giờ đây, 100% trẻ đến trường. Trẻ em đi học phải vui vẻ, hạnh phúc. Không thể lấy gương người này để áp đặt cho người kia. Giáo dục không thể tạo sự phục tùng, thay vào đó phải là sự tôn trọng, nam nữ bình quyền…” – ông nhấn mạnh.

Cuối cùng, nói về tương lai của CNGD, GS Hồ Ngọc Đại tin tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, bởi đó là một công trình tập thể chứ không phải của một cá nhân và nó phù hợp với tiến trình của lịch sử.

Bộ GD-ĐT lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS. TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu TV1- CNGD. 

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1- CNGD.

Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...