Nguy hại từ máy lọc nước giả
Tin tưởng vào máy lọc nước với các công năng “thần thánh” kiểu “màng siêu lọc tiên tiến”, “ngăn ngừa mỡ máu”, diệt khuẩn tuyệt đối 100%”... không ít người dân đã chuyển hẳn thói quen sử dụng nước từ đun sôi, đóng bình sang “uống ngay” từ máy lọc mà không hề lo lắng. Thế nhưng chỉ trong ít tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phá được nhiều cơ sở sản xuất máy lọc nước rởm, chính điều này làm dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận.
Đáng nói, tình trạng làm nhái các bộ phận của máy lọc nước đã diễn ra không chỉ một lần, quy mô sản xuất hàng giả, thủ đoạn lừa gạt cũng ngày một tinh vi hơn. Cụ thể, sáng 9/4 cơ quan chức năng đã bắt quả tang và thu giữ hàng ngàn lõi lọc nước giả mang nhãn hiệu Kangaroo do Công ty TNHH NANO Việt Nam (ở khu Thủy Sản, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) sản xuất. Đáng nói, theo chủ cơ sở này, sau khi sản xuất hàng nhái thành công, sản phẩm sẽ được “trộn” vào hàng chính hãng để đánh lừa người tiêu dùng.
Cụ thể, sau khi mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường gồm: vỏ lõi lọc Kangaroo với giá 13.000 đồng/vỏ cùng cát thạch anh, than, bông trắng, màng co, tem nhập khẩu in giả, máy dập nắp, máy gia nhiệt… về để “sản xuất” lõi lọc. Khi lõi lọc được gia công hoàn thiện, chủ cơ sở đã chỉ đạo công nhân lắp vào máy lọc nước Kangaroo chính hãng nhập về, sau đó đem bán lẻ cho khách hàng để kiếm lời.
Trước đó, vào tháng 10/2014, lực lượng chức năng cũng từng phát hiện máy lọc nước bị làm giả tại địa chỉ số 137 phố Định Công (Q.Hoàng Mai). Chủ cơ sở này khai nhận “quy trình” sản xuất hàng nhái bằng cách mua vỏ máy, nhãn mác cùng nhiều thiết bị lọc nước xịn của hãng Kangaroo để làm mẫu. Sau đó, dựa vào các “phôi” gốc này để cho ra lò các sản phẩm tương tự.
Theo tìm hiểu, máy lọc nước trên thị trường bày bán chủ yếu với công nghệ thịnh hành là Nano và RO. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ lọc này hiện có trên 30 nhãn hàng, mẫu mã, chủng loại với xuất xứ vô cùng đa dạng. Hiện có nhiều loại thông dụng như: Ptech, Sanyo, Hitech, Laska, Myota, Kangaroo… xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ. Giá cả các nhãn hàng thường dao động từ 3 triệu đến 7, 8 triệu đồng/máy.
Không phủ nhận công nghệ lọc nước hiện đại có thể loại bỏ được một số lượng nhất định các vi sinh vật có hại nhưng trao đổi với báo chí cách đây ít lâu, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khuyến cáo: “Muốn lọc được vi sinh vật thì việc sản xuất ra máy móc, màng lọc phải rất tốt, đáng tin cậy”. Điều này đồng nghĩa với việc các máy lọc bày bán trên thị trường phải là hàng phân phối chính hãng hoặc nhập khẩu nguyên chiếc.
Tuy nhiên, từ thực tế phát hiện ra các vụ làm nhái phụ kiện máy lọc nước đều cho thấy máy bán trên thị trường phần lớn là hàng gia công, lắp ráp. Hay nói cách khác, hãng và bao bì máy lọc nước có thể là hàng chính hãng nhưng rất khó đảm bảo các phụ kiện trong máy là hàng thật. Dĩ nhiên, sản phẩm nước sau khi lọc của các loại máy “nửa mùa” này hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn. Người sử dụng nước từ máy lọc không đạt chuẩn cũng âm thầm nhiễm bệnh mà bản thân không hề hay biết.
Cần tỉnh táo trong chọn lựa
Ở nhiều nơi có nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nặng như thôn Lũng Vị (xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội), một địa phương có nhiều người chết vì bệnh ung thư, theo khảo sát riêng của người viết, thôn có hơn 400 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu thì 75% số hộ đã mua máy lọc nước để sử dụng.
Tuy nhiên, đa phần người dân nơi đây đều không thể phân biệt được sản phẩm họ đang dùng là thật hay giả. Thậm chí, không ít hộ sử dụng máy lọc suốt 2 năm mà vẫn không tiến hành bảo dưỡng, thay thế lõi. Trong khi đó, theo khuyến cáo, trung bình bộ phận này cứ định kỳ 6 là tháng phải thay thế, bảo dưỡng.
Trở lại với câu chuyện nhập nhằng trong “ma trận” máy lọc nước. Theo tìm hiểu, tùy vào giá thành và đơn vị phân phối, mức giá bán sản phẩm của các hãng máy lọc nước khá đa dạng, tính năng theo đó cũng có sự khác biệt. Trên thực tế, khi người viết khảo sát trên các trang web quảng cáo máy lọc nước, tất cả chuyên viên tư vấn trực tuyến các hãng đều khẳng định ưu điểm của loại máy mình phân phối là “vượt trội”, tiên tiến nhất. Thậm chí, nhiều đơn vị còn thổi phồng công năng máy đến mức khó tin. Chẳng hạn, chuyên viên tư vấn trên trang web maylocnuoc... còn khẳng định chắc nịch với người viết rằng, chỉ cần bỏ ra hơn 5 triệu là có thể sở hữu dòng máy kangaroo tinh khiết, lọc an toàn và giúp ngăn ngừa mỡ máu (?!).
Đáng nói, để lấy lòng tin của khách hàng, đơn vị phân phối của nhãn hàng này đã mượn danh “Viện Tim mạch Hà Nội” để xác nhận cái công năng hết sức khó tin là ngăn ngừa mỡ máu trên. Để định hướng dư luận, giúp người tiêu dùng tránh được những hiểu lầm đáng tiếc, mới đây GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam khẳng định trước báo chí rằng thông tin này hoàn toàn không đúng sự thật. Ông Việt cũng nhấn mạnh: Viện chưa bao giờ tiến hành bất cứ nghiên cứu nào về máy lọc nước ngăn ngừa mỡ máu, và cũng chưa bao giờ tuyên bố, xác nhận máy lọc nước có tác dụng trên.
Tạm bỏ qua câu chuyện máy lọc nước bị “đánh lận” trong “ma trận” thật – giả, công năng bị thổi phồng... khách quan nhìn nhận, máy lọc nước hiện nay đều có tác dụng nhất định, giúp hỗ trợ làm sạch nguồn nước trong sinh hoạt. Tuy nhiên, mỗi loại lại có ưu và nhược điểm nhất định. Chẳng hạn, với máy lọc áp dụng công nghệ RO thì nước được lọc sạch nhưng các khoáng chất cũng theo đó mà bị đào thải. Riêng máy lọc nước Nano thì có ưu việt hơn là không làm mất khoáng chất trong nước, có độ PH cao, tốt cho sức khỏe con người nhưng thường chỉ phù hợp lọc cho nguồn nước máy, có độ cứng cao.
Thiết nghĩ, trong khi thị trường còn đang thiếu một quy chuẩn đánh giá độ sạch và tác dụng của các loại máy lọc nước, xét về lâu dài, để tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên tìm đến những thương hiệu, nhà sản xuất quen thuộc để được tư vấn, cung cấp dịch vụ. Tuyệt đối tránh tâm lý “ham của rẻ”, mua các loại hàng hóa trôi nổi, không rõ xuất xứ, địa chỉ./.