Bên lề Đại hội, nữ Bí thư đã có cuộc trao đổi nhanh với PLVN về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng như phương hướng, mục tiêu trong nhiệm kỳ tiếp theo với mục tiêu phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước hết, chúc mừng bà đã tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Bà có thể cho biết dựa vào những thành tựu nổi bật nào mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và sau 18 năm tái lập tỉnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc vẫn không ngừng cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó công nghiệp tiếp tục khẳng định là nền tảng của nền kinh tế, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, ước năm 2015 đạt 22,1 nghìn tỷ đồng; bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 67,1 triệu đồng.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội có sự chuyển biến tích cực, đạt được nhiều tiến bộ mới, đặc biệt giáo dục và đào tạo luôn là tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Những năm học gần đây, Vĩnh Phúc có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt số điểm bình quân cao nhất cả nước. Các chính sách về an sinh xã hội được chăm lo thực hiện tốt, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Diện mạo đô thị, nhất là khu vực nông thôn có nhiều đổi mới văn minh. Chính trị xã hội luôn ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh được củng cố, xây dựng và ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Những kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh trong 5 năm qua là nền tảng vững chắc, tiếp tục tạo ra thế và lực mới cho Vĩnh Phúc phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Do đó, với sự nỗ lực và cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, tôi tin tưởng rằng mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại sẽ không xa nữa.
Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra những mục tiêu cụ thể gì trong nhiệm kỳ tới, thưa bà?
- Giai đoạn này, không chỉ riêng Vĩnh Phúc mà cả nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trên mọi lĩnh vực. Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc xác định tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu. Đồng thời, Đảng bộ cũng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn; sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường. Và mục tiêu chính là phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan |
- Là tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Chúng tôi đặt mục tiêu vừa tập trung phát triển đô thị vừa đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển đô thị theo hướng bền vững, đặt nền móng để Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các đô thị hiện có.
Tiếp tục phát triển, hình thành các đô thị mới, thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo quy hoạch. Tập trung hoàn thành quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Vĩnh Phúc. Xác định rõ lộ trình ưu tiên đầu tư xây dựng trung và dài hạn, tạo bước đột phá về xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc. Nâng cấp để TP.Vĩnh Yên cơ bản đủ tiêu chí đô thị loại I, hướng đến đô thị xanh; Phúc Yên đủ tiêu chí đô thị loại II, nâng cấp một số đô thị từ loại V lên loại IV.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tỉnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2017. Xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường với phương châm: Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, huy động tối đa các nguồn lực của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cá nhân; khắc phục tư duy dự án trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Là tỉnh có sự phát triển năng động, được coi là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, bà có thể cho biết Vĩnh Phúc sẽ làm gì để môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được “rộng mở” và trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước?
- Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để “mở cửa” chào đón các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, thu hút đầu tư đạt kết quả cao; các doanh nghiệp dân doanh từng bước vượt qua khó khăn; đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được thực hiện tốt; kinh tế tập thể có sự phát triển.
Công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh được chú trọng và là kênh quan trọng nhất trong xúc tiến đầu tư.
Thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá; ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tăng cường các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở các khu vực quan trọng.
Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, là cơ sở để củng cố và phát triển doanh nghiệp bền vững. Vận hành Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền; định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại 2 lần/năm với các doanh nghiệp. Nhờ đó, kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã phi nông nghiệp có bước phát triển. Các thành phần kinh tế có nhiều đổi mới, năng động và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế.
Trân trọng cảm ơn bà và chúc Đảng bộ Vĩnh Phúc sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan sinh năm 1966. Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trình độ chính trị: Cao cấp. Trước đó, bà từng kinh qua nhiều vị trí như: Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc…