Thưa ông, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, thực phẩm không đảm bảo an toàn tràn lan trên thị trường là do kiến thức pháp luật của người tiêu dùng (NTD) còn hạn chế. Ông đánh giá như thế nào?
- Tôi cho rằng các quy định của pháp luật hiện nay khá đầy đủ. Vấn đề là việc không thực thi và cố tình vi phạm pháp luật từ phía người sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác quản lý, đấu tranh với các hành vi vi phạm các quyền của NTD của cả hệ thống chính trị còn chưa hiệu quả như mong đợi nên hàng gian, hàng giả, thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn lưu thông trên thị trường.
Sự chưa hiểu biết và sự hiểu biết chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của NTD cũng như cơ chế bảo đảm các quyền đó được thực thi là một nguyên nhân quan trọng hạn chế hiệu quả của cuộc đấu tranh. Chính vì thế có không ít NTD, nhất là những người lao động, người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khi quyền lợi bị xâm hại rất hay tặc lưỡi cho qua hoặc ngại, hoặc không biết gửi đơn thư khiếu nại ở đâu, hoặc có nơi gửi đến thì có cơ quan còn lúng túng trong cách xem xét, hỗ trợ giải quyết.
Nhưng trên thực tế cũng có một số vụ việc NTD bị xâm hại quyền lợi và đã kiện ra tòa, tuy nhiên trong quá trình giải quyết, họ lại rút đơn khởi kiện do không thể cung cấp đủ các bằng chứng liên quan cho Tòa án. Ông có cho rằng các quy định của pháp luật, trong chừng mực nào đó hiện đang làm khó NTD?
- Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có nói đến một cơ chế rút gọn cho các vụ kiện của NTD. Tuy nhiên, thủ tục “rút gọn” như thế nào hiện vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể để thực thi.
Theo tôi biết, cho đến nay có rất ít vụ việc được đưa ra tòa án. Nhưng cũng có vụ mà NTD tại Hà Nội khởi kiện ra tòa về vấn đề liên quan đến thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, vụ việc lại bị chìm xuồng. Hội cũng không rõ kết quả giải quyết cuối cùng ra sao. Hiện nay tôi cũng không có thông tin nào về các vụ kiện của NTD được ra tòa nhưng lại rút đơn vì không đủ chứng cứ.
Nói vậy không có nghĩa là NTD nào cũng nản chí và không theo đuổi vụ việc đến cùng. Trên thực tế đã có vụ kiện tập thể được Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Bến tre hỗ trợ thành công.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam |
Hiện nay các siêu thị vẫn được NTD tin tưởng là nơi bán thực phẩm an toàn, nhưng trên thực tế đã có không ít trường hợp cơ quan chức năng phát hiện siêu thị cung cấp thực phẩm (nhất là rau xanh) không rõ nguồn gốc. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?
- Đó là lối làm ăn cố tình chụp giật, không có hệ thống kiểm soát chất lượng hoặc kiểm soát chất lượng cẩu thả. Họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình mà quên mất trách nhiệm với NTD.
Việc người sản xuất phun thuốc kích thích độc hại vào rau, quả; người chăn nuôi cho gia súc ăn chất cấm đang diễn ra một cách phổ biến, đến mức rất nhiều người biết việc này (nhất là hàng xóm), nhưng họ chọn giải pháp im lặng thay vì thông báo cơ quan chức năng. Theo ông, có phải sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một số người dân đã khiến tình trạng vất vệ sinh ATTP ngày càng gia tăng? Hạn chế tình trạng này bằng cách nào?
- Họ không báo cơ quan chức năng vì họ quan niệm “đó là việc thường ngày”, vì quan hệ tình làng, nghĩa xóm, và ngay cả quan niệm của họ cũng như người sản xuất, chăn nuôi: vì cần có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Nhiều người có thể dùng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng nào, thức ăn chăn nuôi nào… mà họ được mách bảo, được cung cấp, miễn là đạt hiệu quả (nhưng họ sẽ trồng riêng, nuôi riêng để gia đình sử dụng). Và đó chính là một nguyên nhân dẫn đến mất ATTP.
Theo tôi, cũng như nhiều kiến nghị từ các nhà quản lý, nhà khoa học - chúng ta cần nghiên cứu hoàn thiện Luật ATTP, có một hệ thống thống nhất, một tổng tư lệnh đủ quyền lực, đủ nguồn lực, thực hiện đồng bộ các biện pháp thực thi pháp luật về quản lý, kinh tế, thông tin tuyên truyền, đào tạo, giáo dục và tăng cường hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, của NTD vào cuộc đấu tranh vì ATTP.
Trân trọng cám ơn ông!