Làng hủ tiếu sạch cha truyền con nối
Theo một thống kê nhỏ của những người làm hủ tiếu, hơn một nửa số sợi hủ tiếu người dân thành phô ăn mỗi ngày đều có xuất xứ từ các lò hủ tiếu ở huyện Hóc Môn. Làng nghề làm hủ tiếu truyền thống đã có mặt ở đây mấy chục năm qua, gắn bó với nghề là những hộ gia đình có truyền thống cha truyền con nối.
Quy trình sản xuất hủ tiếu cũng khá công phu. Trước tiên là vo gạo, ngâm gạo qua đêm rồi xay gạo thành nước bột mịn. Sau đó, lọc bỏ nước lấy bột đặc để tráng bánh sao cho bánh chỉ dày khoảng 1mm, rồi phơi bánh khô se, sau đó cắt bánh thành sợi.
Để sợi hủ tiếu có độ dai ngon mà không dùng đến những chất phụ gia độc hại, người làm hủ tiếu pha vào bột gạo bột năng hoặc bột khoai. Trước đây, tất tần tật mọi công đoạn làm hủ tiếu đều làm thủ công, người thợ làm hủ tiếu rất vất vả mà sản lượng chưa cao.
Những năm gần đây, khâu xay bột và tráng bánh đã “giải phóng sức người”, dùng máy móc thay thế. Tuy nhiên, những người thợ làm hủ tiếu vẫn phải thức dậy từ 2h sáng. Sau các công đoạn xay bột và tráng bánh do máy làm, những người thợ lần lượt xếp bánh đã tráng lên liếp, rồi đem ra ngoài trời phơi nắng.
Công đoạn một diễn ra trong vài giờ đồng hồ, đến tầm 7h thì nghỉ ngơi, hơn 11h họ lại đội nắng ra sân khiêng liếp chất lên xe, chở vào xưởng. Công việc nặng nhọc đã được cánh đàn ông hoàn thành, lúc này các chị em phụ nữ, người già và em bé trong gia đình được huy động gỡ từng miếng bánh đã dẻo lại trên liếp, cắt bánh ra từng bản to bằng một tấm gạch tàu, rồi xếp chồng chúng lên nhau, đợi đưa lên máy cắt thành sợi hủ tiếu.
Hai xã Tân Thới Nhì và Tân Hiệp là nơi quy tụ rất đông các gia đình làm hủ tiếu. Bà Hai Ri, chủ cơ sở hủ tiếu Trinh, người đã có 30 năm trong nghề chia sẻ, bà đến với nghề là một cái duyên. Sau khi bươn chải khá nhiều nghề, bà đã chọn nghề làm hủ tiếu dù hồi đó làm nghề này khá vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Kiên trì trụ lại với nghề, gia đình bà ngày càng khấm khá. Đến nay các con bà Hai Ri lớn lên đều được truyền nghề, mở xưởng làm hủ tiếu.
Nỗi lo làng nghề
Hiện các làng nghề ở Hóc Môn có gần 1.000 lò hủ tiếu, sản lượng mỗi lò khoảng 500-700kg/ngày. Sự cạnh tranh gay gắt của nghề khiến những lò làm hủ tiếu truyền thống lo lắng. Tuy nhiên, thị trường không chỉ có quy luật cạnh tranh. Trong làng nghề vẫn có những lò hủ tiếu đứng vững trước sức ép của thị trường do đảm bảo được độ sạch, ngon, giá cả hợp lý.
Anh Võ Hữu Hiển có hơn 20 năm làm nghề hủ tiếu cho biết, cạnh tranh trong sản xuất là điều không tránh khỏi, nhưng anh tự tin bởi lò nhà anh làm ra bánh hủ tiếu ngon, sợi dai vừa, trong đẹp và có mùi thơm của gạo. Nhiều lò hủ tiếu uy tín trong làng còn được các nhà hàng hạng sang ở trung tâm thành phố đặt mua dài hạn nhiều năm qua.
Tuy nhiên, làng nghề có hơn nửa thập kỉ tuổi này đang đứng trước không ít nguy cơ mai một. Khu đất rộng là nơi phơi bánh cho 5 lò hủ tiếu đang bị thu hồi để xây trường học. Những lò hủ tiếu đối diện với khó khăn tìm đất nơi khác phơi bánh. Thêm vào đó, do sự phát triển làng nghề liên quan đến vấn đề môi trường như khí thải, nước thải, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khiến các lò hủ tiếu không ngừng đầu tư kinh phí cho máy móc để đáp ứng yêu cầu từ các cơ quan quản lí.
Nhiều năm trước, vấn đề công nhận làng nghề truyền thống cho làng hủ tiếu Hóc Môn và một số làng nghề khác trên địa bàn TP HCM đã được đặt ra. Tuy nhiên, đến giờ việc này vẫn chưa đến đâu vì một số khó khăn, trong đó có cả nguyên nhân người làm nghề chưa thực sự nhận được hỗ trợ từ phía địa phương, việc quy hoạch và phát triển làng nghề một cách bền vững hầu như chưa có.
Cho đến nay, việc phát triển nghề vẫn là “chuyện riêng của từng người, từng nhà. Khá nhiều gia đình trong làng vẫn rất tâm huyết với nghề làm hủ tiếu nơi đây như gia đình bà Hai Ri, anh Hồng, giờ đây con cháu vẫn đang miệt mài học để phát triển nghề. Nhưng nếu cứ để tự thân vận động như thế, không biết rồi số phận một làng nghề cung cấp hủ tiếu sạch cho thành phố sẽ đi đâu, về đâu?