Khi mỹ phẩm hàng hiệu bán theo… “kho”
Trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử hiện nay, không khó để bắt gặp hàng loạt bài đăng, livestream rao bán mỹ phẩm với đủ loại thương hiệu, từ các sản phẩm nội địa đến quốc tế. Đáng nói là nhiều người bán giới thiệu mình là "tổng kho phân phối" với giá siêu rẻ, thấp hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng. Tuy nhiên, những sản phẩm này có giấy tờ hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ hay không thì còn cần phải đi sâu vào mới biết rõ được.
Tìm kiếm trên mạng với từ khóa “tổng kho mỹ phẩm”, hiện ra hàng loạt kết quả liên quan. Các “tổng kho” xuất hiện khắp mọi miền đất nước, hầu hết đều giới thiệu mình có nguồn mỹ phẩm chính hãng nhưng được nhập theo đường “xách tay”, giá rẻ hơn hãng nhiều, bán theo số lượng lớn.
Nhiều “tổng kho” còn tự giới thiệu là xả hàng tồn, hàng lỗi hộp cho hãng vì “hãng quốc tế không tiện công khai bán hàng đại hạ giá. Nhiều “tổng kho” lên tiếng kêu gọi “giải cứu” mỹ phẩm hàng hiệu bị tồn kho với mức giá chỉ bằng nửa giá mỹ phẩm chính hãng và cam kết đây là hàng thật.
Liên hệ một “tổng kho” bán mỹ phẩm đang chạy quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với danh nghĩa người bán mỹ phẩm mới vào nghề, muốn nhập hàng về bán, phóng viên được nhân viên trực online của “tổng kho” yêu cầu kết bạn qua ứng dụng Zalo để dễ làm việc. Nhân viên của “tổng kho” nói trên giới thiệu, kho mỹ phẩm này có 3 chi nhánh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam nên việc giao hàng sẽ rất nhanh chóng dù khách ở đâu.
Nhân viên tên T. cho biết, kho này có hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, đa dạng dòng hàng, món gì cũng có, từ son, kem dưỡng, serum, nước hoa...
Theo nhân viên này, nếu lấy tổng đơn hàng với giá trị từ 5 triệu trở lên, thì giá nhập của mỗi sản phẩm chỉ bằng 50% giá đang bán lẻ ngoài thị trường. Nhân viên này cam kết, sản phẩm mỹ phẩm thật, hạn sử dụng còn xa. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cho đến xem “kho” hoặc ít nhất có giấy tờ chứng minh sản phẩm thì nhân viên này lảng tránh, cho biết phải đặt hàng mới có những bước tiếp theo.
Hiện nay, việc bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm trên mạng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một tài khoản mạng xã hội, tổ chức vài buổi livestream hay tham gia các sàn thương mại điện tử là có thể tiếp cận hàng chục nghìn khách hàng. Về phía người tiêu dùng, chỉ cần một vài cú click chuột đã có thể dễ dàng đặt mua các loại kem dưỡng, son môi, hoặc serum được quảng cáo là "chính hãng xách tay từ nước ngoài" nhưng có nguy cơ là những sản phẩm nhập lậu, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, hoặc không rõ xuất xứ từ đâu.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra
Sự xuất hiện của các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trôi nổi trên mạng đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Đã có không ít trường hợp bị dị ứng, mẩn đỏ, thậm chí nhiễm trùng da vì sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Cạnh đó, các loại sản phẩm này còn gây hỗn loạn thị trường, làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào những thương hiệu uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến những người kinh doanh chân chính.
Mới đây, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có Công văn số 3141/QLD-MP về việc yêu cầu thanh tra và xử lý nghiêm tình trạng giả, không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng. Các vi phạm phổ biến được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra gồm việc thay đổi địa chỉ sản xuất mà không báo cáo, sản xuất mỹ phẩm không đạt chất lượng. Nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không được cơ quan quản lý cấp số công bố, hay thậm chí vi phạm nghiêm trọng như sản xuất tại các cơ sở không đúng với hồ sơ đăng ký. Đặc biệt, các sản phẩm quảng cáo quá đà, gây hiểu lầm về công dụng thực sự đang tràn lan trên các nền tảng số.
Để giải quyết tình trạng này, việc siết chặt quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh mỹ phẩm online là vô cùng cấp thiết. Cục Quản lý dược đã yêu cầu các Sở Y tế địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 địa phương để kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Các cơ quan cần tập trung vào việc thanh tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm không đạt chuẩn.
Ngoài ra, các biện pháp chế tài cần được áp dụng mạnh mẽ hơn nữa, từ xử phạt hành chính đến thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm mỹ phẩm giả, hàng không rõ nguồn gốc. Bên cạnh các động thái mạnh từ cơ quan chức năng, thiết nghĩ, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức về việc lựa chọn các sản phẩm mỹ phẩm từ những nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và kiểm tra kỹ càng trước khi mua hàng.