Thuốc lá giả nhập lậu: người bán không thể phân biệt, người mua mất tiền oan
Việc sản xuất thuốc lá giả đã diễn ra tại khu vực các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia một thời gian không ngắn và vẫn diễn biến phức tạp. Tháng 7 năm nay, toà án sơ thẩm tỉnh Thbong Khum, Campuchia đã kết án 2 bị cáo người nước ngoài 2 năm tù treo, đồng thời yêu cầu mỗi bị cáo phải nộp phạt 50.000 đô la Mỹ (khoảng hơn 1,25 tỷ đồng) vì tổ chức sản xuất hàng giả các nhãn hiệu thuốc lá, cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm luật thương mại. Hai bị cáo này bị lực lượng chức năng Campuchia kiểm tra và phát hiện sản xuất hàng giả vào tháng 8 năm 2023, thu giữ hàng chục thùng thuốc lá giả hiệu JET và các nhãn hiệu khác, hơn 4 tấn vật liệu đang sản xuất dở dang, cùng 703.500 tem thuế giả. Toàn bộ số tang vật được tiêu huỷ vào ngày 7 tháng 10.
Trước đó, năm 2022, lực lượng đặc nhiệm thuộc Phòng vi phạm sở hữu trí tuệ, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế tại Phnom Penh đã kiểm tra một nhà máy và tìm thấy một số lượng lớn tang vật liên quan đến việc sản xuất, đóng gói và phân phối thuốc lá JET giả. Toà án Phnom Penh sau đó đã lệnh tịch thu toàn bộ tang vật, tài liệu, đóng cửa nhà máy, bắt giữ chủ sở hữu cơ sở này, đồng thời ra lệnh truy nã một nghi can khác được cho là điều hành doanh nghiệp.
Đây là nhãn hiệu thuốc lá ngoại nhập lậu khá phổ biến, phần lớn được các đối tượng buôn lậu vận chuyển qua biên giới Việt Nam – Campuchia rồi phân phối và bày bán lẻ chui tại các địa điểm tạp hoá, tủ thuốc…
Anh M. (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) băn khoăn khi nhận thấy bao thuốc JET mới mua có điểm bất thường: “Tôi so sánh với bao thuốc cũ thì thấy bao này chữ in có vẻ mờ hơn hẳn, mà khi hút thấy mùi vị thuốc cũng khác trước.” Anh cho biết đã mang bao thuốc ra quán nước mình đã mua hàng để hỏi nhưng chỉ nhận được thái độ thờ ơ từ người bán.
Bà N.T.P, một chủ tiệm tạp hoá tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết gần đây có nhiều khách quay lại tiệm phản ánh là thuốc JET nay có mùi khét hơn trước, nghi ngờ là thuốc lá giả. Tuy nhiên bà thú thật rằng cũng không phân biệt được sản phẩm giả và thật khác nhau như thế nào. “Nhiều khách phàn nàn rồi nghi ngờ thuốc giả xong không mua nữa, với công an dạo này cũng kiểm tra gắt gao quá nên tôi nghỉ bán.”, bà chia sẻ.
Thuốc lá nhập lậu không chỉ mang lại nguy cơ hàng giả rất cao mà còn gây rủi ro nghiêm trọng cho người bán lẻ bởi chỉ cần bán 1 bao thuốc lá lậu, người bán có thể bị phạt lên đến 3 triệu đồng. Còn với số lượng lớn, người bán thuốc lá lậu phải nhận án tù lên đến 15 năm.
Siết chặt biện pháp phòng, chống kinh doanh thuốc lá nhập lậu
Thực tế, tất cả các sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu JET và HERO lưu hành tại Việt Nam hiện nay đều là hàng nhập lậu, không qua kiểm định chất lượng và không được pháp luật bảo hộ. Các sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ bị làm giả, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Điều đáng lo ngại là ngay cả những người bán lẻ cũng khó nhận biết được hàng thật, hàng giả do thiếu thông tin từ nhà sản xuất chính hãng. Chính điều này đẩy người tiêu dùng vào tình thế có thể mua phải và sử dụng thuốc lá giả.
Với nỗ lực chống hàng giả, hàng nhập lậu, trong những năm qua chính quyền và các lực lượng chức năng Việt Nam đã đẩy mạnh chiến dịch phòng chống buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2019 đến 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 60.000 vụ buôn lậu thuốc lá, với hơn 37,5 triệu bao bị tịch thu, trong đó 22,1 triệu bao đã bị tiêu hủy.
Cục Quản lý Thị trường, Bộ Đội Biên Phòng, Cảnh Sát Kinh tế các địa phương còn tích cực tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá nhập lậu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Đồng thời, việc tăng cường xử lý vi phạm sẽ được đẩy mạnh với những chế tài nghiêm khắc. Chỉ cần bán một bao thuốc lá nhập lậu, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên đến 3 triệu đồng. Với những trường hợp buôn bán số lượng lớn, mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng, thậm chí chịu án tù lên đến 15 năm.