* Thưa bà, thời gian vừa qua, một số địa phương “sáng tạo” ra cách xử phạt vi phạm giao thông như chép phạt, mua kẹo, chống đẩy… Bà đánh giá như thế nào về cách làm, động cơ, mục đích của việc xử phạt này?
- Bà Nguyễn Thanh Hà: Thông tin về vấn đề chép phạt đã được Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trả lời phỏng vấn từ năm 2016 khi “hình thức” xử phạt này được áp dụng với nữ sinh Đà Nẵng đi vào đường ngược chiều.
Việc địa phương “sáng tạo” ra cách xử phạt vi phạm giao thông như chống đẩy vừa qua cũng tương tự việc bắt chép phạt trước đây. Mặc dù trên thực tế, việc làm này của một số người có thẩm quyền được dư luận cho là sáng tạo hay có một số ý kiến đồng tình, ủng hộ vì cách xử lý này có tính thực tiễn nhưng tôi vẫn khẳng định lại rằng: Việc xử phạt theo cách thức như phóng viên đã nêu, dưới giác độ nguyên tắc thực thi công vụ nêu là sai nguyên tắc, cách làm đó không đúng quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Người vi phạm giao thông đang chống đẩy. (Ảnh cắt từ clip) |
Theo tôi, chúng ta cũng không nhất thiết phải đi sâu phân tích động cơ, mục đích của việc “sáng tạo” này khi đã khẳng định đó là hành vi không được pháp luật cho phép.
* Vậy xin bà cho biết, căn cứ quy định pháp luật nào để khẳng định việc xử phạt trên là không đúng?
- Bà Nguyễn Thanh Hà: Như đã có chia sẻ trong câu hỏi thứ nhất, những cách làm trong xử phạt vi phạm hành chính mà phóng viên đã nêu là cách làm không đúng quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, mang nặng ý chí chủ quan của người thi hành công vụ.
Đối với những hành vi này, Điều 12 về những hành vi bị nghiêm cấm của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ đây là các hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, các hành vi áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tuy Nghị định 19 có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2020 nhưng các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định này kể từ ngày 01/7/2020 mới có hiệu lực thi hành.
Bà Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại một cuộc hội thảo. |
* Một số người cho rằng những cách xử phạt trên cũng đem lại hiệu quả nhất định. Là cơ quan quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, theo bà có thể nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức xử phạt trên vào Luật Xử lý vi phạm hành chính để vận dụng trong thực tế không?
- Bà Nguyễn Thanh Hà: Qua theo dõi thông tin báo chí, tôi thấy rằng một số ý kiến đồng tình với cách làm này vì có tính thực tiễn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu bổ sung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cần tính toán kỹ vì phải nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, tính phổ biến của hình thức xử lý đó trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và đặc biệt là tính khả thi của biện pháp cũng như kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
* Bà khuyến nghị gì với lực lượng thực thi công vụ, tránh tình trạng này tiếp diễn?
- Bà Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại, trong điều kiện pháp luật đã quy định rõ việc áp dụng không đúng hình thức xử phạt là hành vi vi phạm pháp luật, tôi khẳng định một số người thuộc lực lượng thực thi công vụ phải dừng ngay các vụ việc đang thực hiện. Đối với trường hợp đã xảy ra, Thủ trưởng các cơ quan quản lý người có thẩm quyền cần nhắc nhở kịp thời và xử lý nghiêm khắc.
Để không lặp lại tình trạng tái diễn trên thực tế như thời gian vừa qua, trong trường hợp cần thiết, căn cứ tình hình thực tế, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật có thể sẽ gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý và báo cáo kết quả về vấn đề này.
* Xin cảm ơn bà!