Tết là sum họp chứ không phải để đi chơi
Ngay khi biết tin nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 9 ngày, anh Vinh đã đặt vé máy bay và tua du lịch Nha Trang cho cả gia đình từ mùng 3 đến mùng 5 Tết. Theo tính toán của anh, sáng sớm mùng 3 làm xong mâm cơm hóa vàng tiễn ông bà thì cả nhà ra sân bay đi du lịch, đến tối muộn mùng 5 trở về để sáng mùng 6 kịp đi học, đi làm. Như vậy, Tết sẽ trọn vẹn được cả chuyện thờ cúng tổ tiên cũng như nghỉ ngơi xả hơi sau một năm dài vất vả.
Nào ngờ, khi anh mang vé máy bay về khoe thì bị mắng một trận té tát. Theo suy nghĩ của bố mẹ anh, Tết là dịp để sum họp, thăm viếng họ hàng, bạn bè, thầy cô chứ không phải “nhông nhông dắt nhau đi chơi”. Suốt mấy ngày Tết, cả nhà anh Vinh luôn trong tâm trạng nặng nề, bực bội.
Đến mùng 3, vì đã trót đặt vé, đặt tua nên gia đình nhỏ của anh Vinh vẫn lên đường đi Nha Trang, dù rằng trước khi đi mẹ anh Vinh còn nói vóng vót với con trai, con dâu: “Thích đi thì cứ đi, đừng về nữa cũng được!”.
“Tết sau quyết tâm đi du lịch”
Đó là tuyên bố của chị Vân với đồng nghiệp cùng phòng trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết. Trong mắt đồng nghiệp, chị Vân là tuýp người nệ cổ, coi Tết là dịp để gặp mặt, thờ cúng tổ tiên, trổ tài nội trợ, nên khi nghe chị tuyên bố vậy, không ít người cứ ngỡ nghe nhầm.
Theo lời kể của chị Vân, khi biết chồng con lên kế hoạch đi du lịch xa mấy ngày trong dịp Tết, chị đã gạt đi. Vì theo chị, cả năm dài vất vả chạy đôn chạy đáo nên Tết là dịp để ở nhà nghỉ ngơi, ăn ngủ cho đã. Xưa nay ý kiến của chị Vân thường được chồng con tôn trọng nên ý tưởng cả nhà đi chơi xa ngày Tết bị xếp xó.
Ngày mùng 1 trôi qua trong yên bình, nhưng chị Vân cũng chưa được ngủ thêm phút nào vì phải thức dậy làm cơm cúng gia tiên rồi đi chúc tết nội, ngoại. Sáng sớm mùng 2, khi cả nhà còn đang say giấc, chuông cửa réo vang, mắt nhắm mắt mở ra mở cửa, chị Vân sững người khi họ hàng nhà chồng gần chục người từ quê ra thành phố chơi Tết và ở lại nhà chị mấy ngày.
Thế là cả mấy ngày Tết chị Vân chỉ có độc nhiệm vụ nấu nướng, dọn dẹp mấy bữa cơm một ngày phục vụ cho mười mấy miệng ăn. Chưa hết, đến cuối ngày mùng 3, thêm một nhóm khách nữa họ hàng bên mẹ đẻ cũng gia nhập vào “đại gia đình”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
“Hầu khách mệt quá, chồng con quay sang cằn nhằn mình rằng: “Đấy, đã thấy ở nhà ăn Tết sướng chưa”. Vừa mệt, vừa bị mắng vốn, bực không để đâu cho hết. Tết sau quyết tâm đi du lịch!” – chị Vân kết luận.
…Hai câu chuyện trên đây chỉ là ví dụ trong số kinh nghiệm được nhiều gia đình rút ra sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài kỷ lục này. Trong quan niệm xưa nay của người Việt Nam, Tết là dịp để đoàn viên, sum họp gia đình. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, do suy nghĩ, điều kiện kinh tế, cách sống… thời nay đã khác trước nhiều nên rất nhiều người có nhu cầu xem Tết như một dịp nghỉ ngơi, du lịch.
Và cũng từ đó xung đột về suy nghĩ xảy ra giữa các thế hệ trong gia đình. Không ít ông bố, bà mẹ đã răn dạy thẳng thừng hoặc bóng gió đám con cháu nhấp nhổm có ý định đi du lịch xa ngày Tết.
Đi du lịch cũng là một hình thức sum họp gia đình
Là người luôn quan tâm, đề cao các giá trị gia đình, trả lời câu hỏi của PLVN “có lo ngại về những giá trị truyền thống trong dịp Tết cổ truyền sẽ dần bị mai một trước xu hướng đi du lịch ngày Tết hay không”, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho rằng:
“Tôi không quá lo lắng về chuyện này vì theo tôi, trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam dù trẻ, dù già đều hiểu rằng Tết là dịp để gia đình đoàn viên sum họp. Giờ đây, do điều kiện kinh tế đã khá lên, lại được nghỉ Tết khá dài ngày nên nhiều người có xu hướng đi du lịch thì điều đó cũng không có gì là sai cả. Thậm chí theo tôi, việc con cháu đi du lịch, du xuân cùng gia đình, cha mẹ cũng là một hình thức sum họp”.
Cũng theo ông Vân, có rất nhiều cách để những người thân trong gia đình chia sẻ Tết với nhau thay vì chỉ quây quần quanh mâm cơm ngày Tết theo như suy nghĩ của nhiều người. Ví dụ như người ở xa có thể nhớ đến người thân qua lời chúc, tấm bưu thiếp, món quà nhỏ…