Cha mẹ osin dạy con học ngoại ngữ
Chị Tuyết vừa về đến cổng, Tôm và Jerry đã chạy ùa ra đón mẹ. Như một thói quen, chị mở túi xách, trong đó còn hai chiếc hamburger còn ấm: “Của hai con này, quà của cô Marry cho đấy, em David cũng được một chiếc”. Hai bạn ngồi trước cửa nhà, ngoan ngoãn ngồi ăn ngon lành, trong khi đó chị Tuyết – mẹ chúng, vội dọn dẹp nhà cửa rồi xuống bếp xào xào, nấu nấu, tầm này anh Hưng- chồng chị cũng sắp về.
Anh chị đều là người làm cho gia đình ngoại quốc khu Tây Hồ. Anh Hưng làm lái xe, đôi lúc cũng phụ trách một vài việc bê vác, sửa chữa, còn chị Tuyết là giúp việc. Hai người quen nhau cũng hơn chục năm, từ khi chị vừa bước qua tuổi đôi mươi. Cả hai cùng là người tỉnh lẻ lên Hà Nội, chỉ có điều anh Hưng cùng gia đình lên đây từ những năm 90, còn chị Tuyết thì mãi sau này, khi gia đình nghèo khó mới xuống Hà Nội, chị là người vùng cao.
Duyên số dã đưa họ gặp nhau, quen nhau rồi yêu thương nhau từ ngày anh làm thợ sửa nước cho vài ba gia đình người Canada, còn chị thì là người dọn nhà. Rồi anh chị kết hôn, bố mẹ anh Hưng thương con nhưng sức lực cũng có hạn, anh chị vay mượn thêm rồi mua một mảnh đất nho nhỏ. Gọi là mảnh đất chứ thực ra đó là một cái ao tù trong xóm, anh chị chịu khó mua vài xe đất về san phẳng, dựng căn nhà cấp 4 để có chỗ đi về.
Kinh tế đã khó khăn lại càng eo hẹp hơn khi bé Tôm ra đời. Vừa không có nhiều thời gian đi làm, lại không biết ngoại ngữ, nhiều lần anh chị bị ông bà chủ phiền lòng, tỏ ý không muốn kí hợp đồng thuê lao động nữa. Trước nguy cơ bị sa thải, anh Hưng bế con sang nhờ mẹ đẻ trông hộ thằng cu Tôm, còn anh chị ngày nắng cũng như ngày mưa, đèo nhau đến trung tâm để học ngoại ngữ.
Ở trong nhà họ, bao giờ cũng có một chiếc bảng nhỏ học từ vựng. Ban đầu chỉ là vài ba câu bập bõm, mãi đến sau này, cả hai mới có thể nghe, hiểu và nói được. Cộng với đó là sự kiên trì, chăm chỉ lao động, chỉ sau hơn một năm, anh chị đã được rất nhiều hộ gia đình ngoại quốc nhận vào làm việc. Ngoài việc sửa điện, nước, anh Hưng còn học thêm lái xe và trở thành tài xế riêng cho gia đình ngoại quốc. Tuy có bận bịu nhưng kinh tế gia đình anh đã khá hơn rất nhiều.
Khi Tôm được 4 tuổi, chị Tuyết thỉnh thoảng lại cho Tôm đi làm cùng chị. Vốn là đứa bé thông minh, lại được mẹ thường xuyên dạy học ngoại ngữ ở nhà, Tôm luôn tỏ ra khôn khéo, hòa đồng với các bạn ngoại quốc. Khi Tôm mới học lớp 7, cu cậu đã có thể giao tiếp một cách thuần thục bằng tiếng Anh, lại còn có một số lượng lớn những người bạn ngoại quốc khiến nhiều người, thậm chí là cô giáo và các bạn trong lớp rất nể phục.
Khi Tôm lên lớp 8, bé Jerry ra đời, lúc này gia đình anh Hưng – chị Tuyết đã xây dựng khang trang một căn nhà 3 tầng, kinh tế cũng đã dư dả hơn, nhưng không phải vì vậy mà hai người ngại việc. Anh chị vẫn nhiệt tình, chăm chỉ trong công việc của mình, còn Tôm có nhiệm vụ dạy em Jerry học bài, đặc biệt là học ngoại ngữ.
Vốn được sống trong môi trường hiện đại như vậy, hai anh em luôn tỏ ra tự tin và hiểu biết, Jerry được một gia đình người Hà Lan nhận làm con nuôi, thỉnh thoảng bé được cùng gia đình bố mẹ nuôi về Hà Lan chơi một thời gian ngắn rồi lại về Việt Nam. Còn Tôm, cậu bé luôn có ước mơ được sang Mỹ du học, chính vì vậy, Tôm luôn học rất chăm chỉ để được nhận học bổng du học toàn phần.
Bây giờ thì anh chị cũng đã mua sắm được ô tô và có nhiều người bạn nước ngoài, cứ cuối tuần gia đình chị lại mời họ đến nhà chơi và ăn uống. Nhiều người thấy chị Tuyết lái xe ô tô chở những người bạn Tây như vậy đều cảm thấy rất ngạc nhiên, họ hỏi anh chị làm nghề gì mà “ghê gớm” vậy, chị Tuyết chỉ cười hiền: “Vợ chồng cháu đều là osin cả”.
Tình già mê xê dịch
Nhiều người trẻ ngày nay rất bất ngờ khi biết về câu chuyện xê dịch của những cặp vợ chồng già. Đó là hình ảnh ông Đinh Xuân Toàn, ở phường Liễu Giai (Hà Nội) đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn cùng vợ mình rong ruổi khắp nơi bằng xe đạp. Ông Toàn không nhận mình già, không chấp nhận tuổi tác, và trong thâm tâm ông lúc nào cũng tâm niệm một điều: Đừng bao giờ nghĩ mình già nua, nó sẽ chỉ khiến chúng ta nghĩ đến sự yếu ớt và trì trệ.
“Chúng ta phải để tâm hồn trẻ trung và tâm trí minh mẫn bằng việc di chuyển” – ông bật mí bí quyết trẻ của vợ chồng mình.
l Vợ chồng ông Đinh Xuân Toàn cùng nhau rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước. |
Ông Toàn đã cùng vợ đi xuyên Việt và ra cả nước ngoài nhiều chuyến trong vòng mười năm qua. Trong những hành trình ấy, cả hai cùng chăm sóc cho nhau, thêm cảm giác yêu lại ở tuổi già, thêm thời gian gần nhau. Giờ ông bà vẫn giữ thói quen ấy.
Bình thường buổi sáng thức dậy, họ đạp một vòng quanh hồ Tây, chu vi khoảng 28 ki lô mét, rồi về ăn sáng, có khi đi tập khí công, khi thăm bạn bè và thêm thời gian chăm sóc vườn rau trên sân thượng. Đó là cách ông bà tận dụng để được thưởng thức rau sạch, cũng là phương pháp sống xanh, gần gũi với những điều giản dị, để nụ cười và cách giao tiếp cũng giản dị, dễ gần.
Một chân dung gia đình khác là nghệ sĩ Phạm Tuệ và Đan Quế. Suốt nhiều năm gắn bó, họ đi cùng nhau xuyên Việt, khám phá nhiều vùng đất mới để chụp ảnh nghệ thuật. Ngay cả khi hai lão nghệ sĩ này hơn tám mươi tuổi thì niềm đam mê ấy vẫn không dứt. Phạm Tuệ ở Hà Nội, còn Đan Quế ở Nam Định. Hai người đã viết lên một chuyện tình đẹp và cùng chung một đam mê, rong ruổi khắp nơi chụp lại những khoảnh khắc, những phong cảnh, thu nhặt được nhiều bức ảnh đẫm hồn quê.
Với cả hai, mối quan hệ với các nhân vật mình chụp tại các vùng miền là rất thú vị. Họ gần như có bạn bè, đồng nghiệp ở khắp các tỉnh thành, đến đâu cũng có học trò, người quen cũ đưa đi thăm thú, tạo điều kiện sáng tác.
Có lẽ trong đời, cặp vợ chồng nào cũng có lúc cãi vã. Làm sao tránh khỏi những giây phút “cơm không lành, canh không ngọt”. Nhưng chắc chắn, những cặp vợ chồng nghệ sĩ và cặp vợ chồng đạp xe đạp đi khắp chiều dài đất nước thì điều đó gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Đơn giản là vì họ trân trọng và yêu nhau. Đơn giản là họ biết nhẫn nhịn, hy sinh cho nhau. Chắc lẽ, bí quyết của họ là biết chia sẻ, lắng nghe, tìm cách gắn kết các thành viên trong gia đình.