Nhờ biết tận dụng đất rừng rộng lớn để trồng trúc, nhiều hộ gia đình ở các xã Phan Thanh, Yên Lạc, Vũ Nông, Triệu Nguyên, Ca Thành... đã vươn lên thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Cao Bằng là một tỉnh miền núi có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển kinh tế rừng. Toàn tỉnh có 464.159ha đất lâm nghiệp, chiếm 69% diện tích đất tự nhiên. Nhiều xã thuộc các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hòa An bà con đã khai thác lợi thế về đất rừng để mở rộng diện tích trồng, cây trúc mang lại nguồn lợi cao, tăng thu nhập, giúp xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.
Từ nguồn lợi kinh tế cây trúc, nhiều hộ đã tận dụng đất đai, nơi có điều kiện để trồng trúc. Một số hộ còn mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích năng canh tác suất thấp sang trồng trúc. Những năm nay, vào các bản làng như Nà Nọi, xã Lang Môn hay đến Lũng Nọi, Lũng Báng, Lũng Luông, xã Vũ Nông… của huyện Nguyên Bình sẽ tận mắt thấy hàng trăm, hàng nghìn hộ dân ở vùng núi cao, hẻo lánh xoá được đói, giảm được nghèo từ cây trúc sào.
Nhiều hộ như Bàn Mùi Chẹ, Triệu Vần Châu, Triệu Dào Phâu, Phùng Sùn Phụng ở xã Vũ Nông, Đặng Quầy Lẩy ở xã Ca Thành từ bán cây trúc sào mỗi năm thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng, có thể mua sắm đủ tiện nghi, vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, cuộc sống.
Chúng tôi đến xã Ca Thành – một trong những xã trồng nhiều trúc nhất của huyện Nguyên Bình, đúng vào lúc bà con đang thu hoạch trúc để bán cho tư thương. Theo anh Lý Văn Trình ở xóm Nặm Dân là hộ dân tiêu biểu trồng nhiều diện tích trúc sào của xã Ca Thành cho biết, thông thường vào mùa thu hoạch trúc bắt đầu từ khoảng tháng 10 trở đi.
Còn Công ty Cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu tỉnh Cao Bằng cũng như các thương lái đã đặt hàng từ trước đó rồi nhưng do bận vụ mùa không đi chặt được, bây giờ gặt lúa xong bà con mới hộ nhau thu hoạch trúc bán lấy tiền trang trải cuộc sống và cho con chuẩn bị vào năm học mới. Hiện nay, một cây trúc to tại nhà máy có giá trên 70 nghìn đồng; loại trung bình 30 - 40 nghìn đồng/cây.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng về đất rừng và giá trị kinh tế mà cây trúc mang lại, năm 1994, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến trúc, làm ra nhiều sản phẩm, như: bàn, ghế, chiếu, mành trúc... phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển mở rộng diện tích trồng trúc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm từ trúc gặp nhiều khó khăn, bởi nó còn bó hẹp ở những hộ đã có trúc từ trước, người dân chưa đánh giá đúng giá trị kinh tế của của cây trúc đem lại.
Hơn thế nữa, bà con vẫn trồng theo lối cổ truyền, chưa áp dụng kiến thức khoa học để trồng cây trúc. Cho đến năm 2002 khi tỉnh triển khai Dự án Phát triển cây trúc sào, người dân mới hưởng ứng làm theo. Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu làm chủ đầu tư được triển khai thực hiện tại huyện Nguyên Bình. Trồng trúc theo dự án, người dân tự khai thác giống được Nhà nước hỗ trợ 80% số tiền giống và được trả công trồng và chăm sóc.
Ông Hà Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Ca Thành cho biết: “Năm 2012 - 2013 xã được tỉnh, huyện hỗ trợ thực hiện mô hình trồng 6,2ha trúc sào tại 4 xóm: Khuổi Mị, Xà Pèng, Nặm Dân, Nặm Kim với 20 hộ dân tham gia. Người dân được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau một năm, các mô hình trồng trúc phát huy hiệu quả, cây phát triển tốt.
Trên cơ sở đó, xã tuyên truyền, vận động nhân dân nhân rộng mô hình. Đến nay, cả xã trồng thêm 280ha cây trúc sào, nâng tổng diện tích trúc sào của cả xã lên 460ha. Hiện nay, thu nhập của hộ dân trồng trúc bình quân 20 - 30 triệu đồng/năm, có hộ dân thu từ 30 - 60 triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hộ: Lý Phương Sinh, Đặng Quầy Lẩy, xóm Xà Pèng; Lý Văn Trình, xóm Nặm Dân”.
Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện trồng mới được 296,35ha, nâng diện tích trúc sào toàn huyện lên 1.943,94ha, diện tích khai thác duy trì 1.487,89ha. Hàng năm, sản lượng trúc của huyện bán ra thị trường trị giá trên 40 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, việc phát triển trúc sào ở Nguyên Bình cũng như các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang là một hướng đi đúng đắn, cách trồng và chăm sóc lại dễ dàng, thị trường tiêu thụ ổn định.
Với định hướng khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, gỗ phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh. Ngoài thúc đẩy sản xuất phát triển, nguyên liệu được đáp ứng tại chỗ, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, cơ sở chế biến này còn góp phần làm cho người dân địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm và ngày càng gắn bó với việc phát triển kinh tế rừng, tạo đà phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí.
Ngoài ra, người dân địa phương nơi đây còn đẩy mạnh phát triển cây trồng truyền thống, cây thế mạnh của địa phương, như: thuốc lá, lạc, đỗ tương, chè chất lượng cao trở thành hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Cùng với phát triển các cây trồng hàng hóa, huyện Nguyên Bình tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trong chăn nuôi, huyện chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân vệ sinh chuồng trại, phòng chống bệnh dịch, đói rét cho trâu bò. Nhiều hộ dân nuôi từ 12 - 25 con bò, tiêu biểu như các hộ: Dương Văn Lềnh, Dương Văn Vàng, Dương Văn Dinh, xóm Sỹ Thàu, xã Vũ Nông...
Trồng cây trúc sào trên đất rừng đã thật sự mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình tại nhiều xã ở huyện Nguyên Bình. Nếu người dân biết khai thác tiềm năng lợi thế của từng địa phương vào phát triển sản xuất hợp lý, chắc chắn cái nghèo, cái khó cũng sẽ được đẩy lùi, thay vào đó là kinh tế hộ gia đình sẽ phát triển, đời sống của nhân dân sẽ được nâng lên, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.