Câu chuyện tình dung dị, chân thành nhưng đầy lãng mạn của Trung tá Hoàng Minh Khoa, Chính trị viên nhà giàn DK1/14 và cô giáo Lê Mỹ Lệ được nhiều cán bộ, chiến sĩ nhà giàn ngưỡng mộ và coi đó như mô hình lý tưởng để học tập…
Cảm động thư tình viết hộ
Chị Lệ lần mở tập thư cũ kỹ cùng những tấm Huân chương Chiến sĩ vẻ vang của chồng rồi đưa cho chúng tôi một lá thư: “Đây là lá thư anh Khoa gửi về từ nhà giàn hồi năm 1995 nhưng không phải chữ của anh ấy”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Lệ dãi bày: “Giọng văn thì của anh Khoa, còn chữ thì của người khác”. Câu chuyện “Lá thư viết hộ” được chị Lệ kể lại trong nỗi niềm của người vợ thương nhớ chồng da diết.
Tết năm 1995, anh Khoa cùng đồng đội đón tết ở nhà giàn DK1/2 (Tư chính 4). Những ngày gần tết bão lớn, tàu của Lữ đoàn 171 đem quà tết lúc ấy không thể cập vào nhà giàn được, phương pháp chuyển quà qua dây càng khó khăn hơn. Sóng mỗi lúc một dữ dội, tàu HQ - 636 phải nhổ neo quay sang nhà giàn 1B tránh bão. Làm thế nào để gửi thư cho vợ, trong khi tàu không quay lại nhà giàn Tư chính 4 nữa?
Nỗi nhớ vợ cồn cào gan ruột, bao điều muốn nói nhưng không thể dãi bày. Qua máy thông tin I-com sóng cực ngắn, Khoa gọi điện sang nhà giàn 1B nhờ đồng đội viết thư. Từ đầu dây bên nhà giàn Tư chính 4, Khoa đọc đến đâu, đồng đội ở nhà giàn 1B ghi đến đó. Lá thư ấy đến tay chị Lệ sau đúng 40 ngày.
Trong tâm trạng nhớ nhung của người chồng mới cưới, Khoa viết cho vợ: “Sóng to, gió lớn tàu không cặp vào nhà giàn được, anh phải nhờ chú Huấn viết thư hộ và gửi xuống tàu, đó là lý do thư anh gửi mà không phải chữ anh viết. Ngày 8/3 năm nay anh chẳng có gì ngoài tình yêu thủy chung của lính nhà giàn. Anh gửi em nhiều nụ hôn cùng sóng biển khơi, như tình yêu đầy vơi anh dành cho em đó”.
Chị Lệ bảo: “Ngày mới cưới, anh Khoa lãng mạn lắm. Ngày 8/3 nào anh cũng tặng quà, khi là cái kẹp tóc, có khi chỉ là cái khăn nhỏ, hoặc cái cặp dạy học. Với vợ lính thì ngần ấy thôi là đã đủ lắm rồi”.
Chị Lệ không muốn cho chúng tôi xem phần cuối của lá thư. Chị bảo “đó là những điều sâu kín, chỉ hai vợ chồng mới biết”.
Gia đình hạnh phúc của anh Khoa - chị Lệ. Ảnh Mai Thắng |
Ngồi trước mặt tôi là cô giáo Mỹ Lệ yêu thương học trò hết mực của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu, một người vợ lính đảm đang, vẹn tròn chung thủy. Câu chuyện tình về “lính nhà giàn yêu gái Phan Rang” được chị Lệ kể lại.
Cuối năm 1989, Trung úy Hoàng Minh Khoa công tác ở Tỉnh đội Thanh Hóa quen cô giáo trẻ có cặp mắt đen láy với cái tên rất kiều diễm Lê Mỹ Lệ, quê Thanh Hóa nhưng dạy học tại Phan Rang. Tình yêu giữa họ nảy sinh tình cờ nhưng vô cùng lãng mạn.
Sau một tuần về quê ăn tết với bố mẹ, cô giáo Lệ trở lại Phan Rang dạy học đem theo lời cầu hôn của người lính. Đêm sông Mã trời rét căm căm, ánh trăng đầu tuần không nhìn rõ mặt người, Khoa nói với Lệ: “Tình yêu người lính chân thành như cây trong lòng đất. Anh không biết tán gái bằng những lời hào hoa, chỉ có tình cảm mộc mạc”. Lệ trả lời: “Thời gian là thước đo lòng chung thủy, chúc anh gặp nhiều may mắn, cô giáo Phan Rang luôn nhớ về anh”, họ chia tay lưu luyến trong lời ước hẹn ấy.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, Khoa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, còn Lệ là cô giáo dạy giỏi nơi miền đất nắng gió khô cằn. Đùng một cái, Khoa nhận mệnh lệnh chuyển đơn vị đi nhà giàn canh biển. Không một lời giã biệt, không một lá thư, tình yêu của họ “đứt quãng” từ ấy.
Sau hơn một năm lăn lộn với sóng gió đại dương trên thềm lục địa, hè 1995 Khoa được về đất liền, vượt hơn 400 cây số lên Phan Rang tìm Lệ. Họ gặp nhau vừa mừng vừa tủi. Mừng vui được nối lại tình yêu, tủi vì gần 5 năm trời bặt tin nhau không một lời tạm biệt. Hè năm 1996, chàng lính nhà giàn và cô giáo Phan Rang làm đám cưới. Khoa trong quân phục Hải quân lấp lánh những ngôi sao, còn Lệ trong tà áo dài nền nã.
Sau ngày cưới, Lệ theo chồng vào Vũng Tàu sinh sống, nghề “gõ đầu trẻ” đành gác lại một bên. Căn phòng tập thể 14 mét vuông chỉ đủ kê cái giường ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 là tổ ấm của họ. Khoa đi nhà giàn, còn Lệ ở nhà làm thuê đủ việc kiếm ngày hai bữa cơm. Nỗi nhớ thương chồng cứ lớn dần theo ngày tháng.
Chị Lệ chia sẻ: “Ngày mới cưới khó khăn lắm. Căn phòng tập thể nóng như hầm nhưng lại ấp ủ bao kỷ niệm vui buồn. Những lần anh Khoa đi nhà giàn về, đêm vợ chồng tâm sự bên này, bên kia nghe hết. Chú cũng biết đấy, phòng nọ cách phòng kia chỉ một bức vách ngăn bằng liếp, chỉ cần cái cựa mình là hàng xóm nghe được”. Còn bây giờ, tổ ấm của Trung tá Khoa là căn nhà khang trang ở Khu tập thể C của Lữ đoàn 171. Chị Lệ vẫn ngày hai buổi tới trường “gõ đầu trẻ”. Hai con trai học giỏi, ngoan hiền.
Gặp Trung tá Khoa đang bốc hàng chuẩn bị đi nhà giàn, anh vui vẻ: “Năm nay thêm một lần nữa lại đón Tết trên biển. Cưới nhau 20 năm, nhưng vợ chồng cũng không thường xuyên bên cạnh nhau. Ở nhà giàn nhớ đất liền, nhớ vợ con, nhưng khi về bờ lại nôn nao nhớ biển, nhớ nhà giàn”.
Chia tay chồng đi biển lần này, “cô giáo Phan Rang” cũng không khỏi xúc động, song tim chị luôn đầy ắp niềm vui. Chị Lệ nói với anh Khoa những lời ngọt ngào chẳng khác gì ngày đầu gặp gỡ: “Ngày giải phóng miền Nam năm nay anh Khoa vắng nhà em vẫn thấy vui lòng. Anh cứ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ở hai trận tuyến, mỗi người làm việc bằng hai. Hạnh phúc đong đầy sau những ngày xa cách. Em và hai con đợi anh về”.